Nhân vật

Niềm đam mê xi măng xanh của doanh nhân Nguyễn Công Lý

(VNF) - Cuối tuần, chúng tôi làm một chuyến về Nghi Sơn thăm cơ sở của Chủ tịch Nguyễn Công Lý: Xi măng Công Thanh. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là trong khuôn viên nhà máy đồ sộ và hiện đại ấy là màu xanh phủ kín. Ngay phía trước cửa văn phòng là một sân golf mini được trồng cỏ xanh mướt, xung quanh là những hàng cây xanh khép tán.

Niềm đam mê xi măng xanh của doanh nhân Nguyễn Công Lý

Ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch Xi măng Công Thanh.

Niềm đam mê… xi măng

Có người mê thuốc lá, mê cafe, có người mê em út, riêng Nguyễn Công Lý mê... xi măng. Anh nói về xi măng một cách say sưa, đắm đuối như người ta nói về việc hẹn hò được một em hoa hậu.

Với ông Lý, rằng, xi măng được ví như là bánh mì của ngành xây dựng. Xây dựng nhà cửa, xây dựng cầu đường, xây dựng cảng hàng không, cảng biển, xây dựng dân dụng, quốc phòng, trên cạn, dưới biển, công trình chọc trời, công trình ngầm trong lòng đất... đều phải dùng đến xi măng...

Đường nông thôn lầy lội, muốn cho xế hộp lăn bánh, phải nhờ đến xi măng. Trẻ em muốn đến trường, muốn có chỗ học tử tế, không dột nát phải có xi măng...

Dẫu cách quốc lộ 1 có hơn chục cây số nhưng Tân Trường là xã heo hút thuộc huyện Tĩnh Gia- Thanh Hoá. Xã gồm những bản nhỏ nằm xen kẹt giữa các thung lũng núi đá vôi cao sừng sững khiến đường sá đi lại khó khăn.

Nhiều đời người dân sống dựa vào việc làm nương rẫy, thu nhập phập phù theo sự đỏng đảnh của thiên nhiên. Đường sá gập ghềnh, nên nếu đau ốm vào nửa đêm thì đành chịu chết...

Anh Lê Vinh Cường, trú ngay cửa Nhà máy Xi măng Công Thanh cho biết: Trước đây đường sá, núi non hiểm trở, mạng lưới điện không thể nối vào đến thôn nên người dân vẫn phải sống trong cảnh tối tăm, điện không có phải thắp đèn dầu. Thiếu điện, trẻ con bị thất học nhiều. Trường trung học phổ thông ở xa phải đi bộ hàng chục cây số để xuống lớp học ở dưới xuôi. Đi học xa thì phải ở trọ, lại phải đóng tiền nọ tiền kia, nên học sinh ở thôn phải đi bộ 3 tiếng để đến lớp cho kịp giờ.

Giao thông cách trở, không có chợ. Nguồn hàng tiêu dùng phải trông chờ vào thương lái mang từ xuôi lên, làm ra cái gì bán cũng khó.

Vậy mà Nguyễn Công Lý đã lọ mọ đến nơi này để rồi dốc hầu bao đầu tư cái nhà máy ở nơi thâm sơn cùng cốc. Hẳn có mối tình nào với cô gái Thái ở xứ này?

Xi măng… xanh

Yêu xi măng thì đúng rồi. Cả cuộc đời của Nguyễn Công Lý đều gắn liền với xi măng. Từ làm đại lý xi măng cho đến việc xây nhà máy nghiền clinker, rồi đến việc đầu tư xây dựng cả nhà máy xi măng hoành tráng, hiện đại.

Xi măng rất cần cho việc xây dựng đất nước nhưng đây cũng là ngành sản xuất tiêu hao năng lượng lớn, gây ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan và tạo hiệu ứng nhà kính. Nhà máy xi măng thường gắn liền với nồng độ bụi, khí thải chứa Carbon oxide (CO), Carbonic (CO2)… nếu không kiểm soát tốt.

Điều trăn trở này của ông Lý rồi cũng đã tìm được lời giải đáp khi mày mò nghiên cứu công nghệ này ở tận châu Âu. Ở đó việc tận dụng, tái sử dụng năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm là vấn đề được các nhà khoa học, nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất xi măng rất quan tâm.

Với ông Lý, việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường luôn là điều trăn trở, là khát vọng xây dựng một doanh nghiệp sản xuất xi măng đạt chất lượng cao về sản phẩm, hướng đến nền sản xuất xanh, phát triển bền vững.

Từ tôn chỉ mục đích phát triển bền vững phải bảo vệ môi trường, ngay từ đầu xây dựng,Nguyễn Công Lý đã định hướng cho việc lựa chọn công nghệ và thiết bị cho toàn hệ thống sản xuất, đầu tư dây chuyền 2 với tổng vốn lên đến 12.000 tỷ đồng, được cung cấp bởi những thương hiệu lớn của CHLB Đức có công suất lớn nhất Việt Nam (11.000 tấn Clinker/ngày) cũng như trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Lý cho biết thêm, sở dĩ chọn đầu tư dây chuyền 2 với hoàn toàn thiết bị nhập từ  CHLB Đức bởi chỉ có đầu tư đồng bộ thì mới giải quyết được cả hai vấn đề là môi trường và công nghệ. Hai dây chuyền đều được lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt khí thải có nhiệt lượng cao cung cấp cho nồi hơi để quay tua bin phát ra 22,5 MKW điện hòa vào mạng lưới trạm phân phối cho nhà máy.

Sự ưu việt về công nghệ này không chỉ giảm được khí thải ra môi trường mà còn giảm 25% điện lưới quốc gia phải cấp cho nhà máy. Được tối ưu hóa công nghệ, thiết bị, chế độ vận hành và cấp phối nên cũng giảm đáng kể tiêu hao điện năng, nguyên nhiên liệu cho một đơn vị sản phẩm, từ đó giảm thiểu khai thác tài nguyên.

Anh Tuấn, một kỹ sư công nghệ của xi măng Công Thanh cho biết: Nếu như đầu tư dây chuyền của Trung Quốc suất đầu tư sẽ thấp hơn nhiều, chỉ bằng già nửa, nhưng sau nhiều cân nhắc, ông Lý vẫn chọn công nghệ của CH Liên bang Đức. Đây là một sự lựa chọn khó khăn, bởi suất đầu tư lớn là một thách thức không nhỏ với xi măng Công Thanh.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn có nhiều thăng trầm, đầu ra cho xi măng không phải lúc nào cũng thuận lợi nên Công Thanh phải đối mặt với những khoản nợ căng như sợi dây đàn. Đôi lúc tưởng như sắp đứt…

Nhưng rồi, với công nghệ hiện đại, chất lượng sản phẩm tốt, Xi măng Công Thanh đã được người tiêu dùng đón nhận và ủng hộ. Nhờ sự ưu việt của công nghệ này nên giảm 25% tiêu hao than và giảm 30% tiêu hao điện/1 tấn xi măng so với dây chuyền sản xuất của Trung Quốc, dẫn đến hệ thống môi trường sản xuất của Cty ngày càng được xanh hơn.

Đam mê không chưa đủ, Nguyễn Công Lý còn cụ thể đam mê đó bằng quy chế hẳn hoi. Trước cửa văn phòng làm việc của Công Thanh, có hẳn cả một quy chế về bảo vệ môi trường mạch lạc, chi tiết. Điều này giải thích vì sao khi đảo qua một vòng quanh nhà máy xi măng Công Thanh, chỗ nào còn đất trống là chỗ đó được trồng cây xanh.

Những dự định cho tương lai

Nguyễn Công Lý khởi nghiệp từ đại lý xi măng. Năm 2006 Nguyễn Công Lý thành lập công ty, hồi đó chủ yếu là sản xuất Clinker, phân phối xi măng và vụ cho thuê xe trộn bê tông.

Sau hơn chục năm phát triển, đến nay Công ty Công Thanh đã phát triển mạnh mẽ, trở thành tập đoàn với 9 công ty thành viên kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ chính:  Xi măng, Nhiệt điện, Phân đạm, Vận tải, Khách sạn, cảng biển… đem lại hiệu quả, lợi nhuận cao và đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, phục vụ quá trình phát triển đất nước.

Đặc biệt, trên địa bàn xã Tân Trường, từ khi có Nhà máy xi măng Công Thanh, đời sống bà con nơi đây đã được thay đổi nhiều… Một số thanh niên khỏe mạnh được tuyển vào nhà máy làm công nhân. Những người dân quanh vùng nhờ sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng mà cải thiện đời sống. Xã Tân Trường thoát khỏi cảnh đìu hiu, vắng vẻ, thay da đổi thịt từng ngày.

Các nhà đạo đức bàn giấy vẫn nói nhiều về chuyện môi trường, nhưng khi đi vào những vùng nông thôn heo hút với hệ thống giao thông được bê tông hóa sẽ hiểu hơn vai trò của xi măng...

Cùng với đó là những khoản đóng góp cho ngân sách hàng năm, mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Xi măng Công Thanh cũng là đơn vị tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tham gia tài trợ cho bà con vùng sâu vùng xa...

Tập đoàn Công Thanh đã tham gia nhiều chương trình xã hội, từ thiện như Đồng hành cùng Giải bóng đá Quốc tế U21 do Báo Thanh Niên tổ chức; tham gia Chương trình “Vì ngày mai phát triển” Xây Mái ấm tương lai dành cho 150 sinh viên ngành Kiến trúc - Xây dựng TP.HCM do Báo Tuổi Trẻ tổ chức; Tham gia trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học tại tỉnh Đồng Nai. Và mới đây thôi là tài trợ xi măng để xây dựng đường dân sinh cho bà con xã Đạ Sar, tỉnh Lâm Đồng…

Tin mới lên