Tài chính quốc tế

NIKKEI: Kinh tế Việt Nam sẽ hoàn toàn phục hồi trong năm 2021

(VNF) - Không chỉ khôi phục nền kinh tế, Việt Nam được dự đoán sẽ là nước dẫn đầu về tăng trưởng trong khu vực vào năm tới.

NIKKEI: Kinh tế Việt Nam sẽ hoàn toàn phục hồi trong năm 2021

Việt Nam đã thành công trong việc hạn chế tác động của đại dịch lên nền kinh tế và sức khoẻ người dân.

Vừa qua, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã có công bố dự báo kinh tế khu vực Đông Nam Á. Theo đó, 6 nền kinh tế lớn của khu vực được nhận định sẽ có sự khác biệt lớn. 

Cụ thể, trong năm 2021, kinh tế Việt Nam, Indonesia, Malaysia sẽ khôi phục hoàn toàn, kinh tế Singapore, Phillippines và Thái Lan sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Lấy dấu mốc là tổng sản lượng (GDP) của từng quốc gia trong năm 2019 làm ngưỡng cơ sở 100 điểm, Việt Nam được dự báo sẽ là nước dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế của khu vực với chỉ số được ước tính là 108,4 điểm.

Bên cạnh đó, trong khi Quốc hội Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng 6%, S&P Global dự báo kinh tế Việt Nam tăng 10,9% trong năm 2021, cao hơn hầu hết mọi nền kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo các báo cáo, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong số 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đạt tăng trưởng dương trong năm nay - 2,91%, đây là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Chuyên gia Yuta Tsukada của Viện nghiên cứu Nhật Bản (JRI) khẳng định: "Nhiều công ty toàn cầu đang đổ tới Việt Nam, giúp mảng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh. Sẽ còn nhiều hơn nữa những doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam nhờ chi phí và nguồn nhân lực phù hợp".

Sau Việt Nam, Indonesia được cho là sẽ có chỉ số tăng trưởng đạt 104,5 điểm. Malaysia là nước tiếp theo với chỉ số tăng trưởng kinh tế đạt 101,3 điểm. Ba nước Singapore, Phillipines và Thái Lan rất có thể chỉ đạt ngưỡng 100 điểm trong 2021 và phải sang năm 2022 mới có thể vượt ngưỡng này.

Đảo quốc Sư tử vẫn chật vật trong việc vực lại nền kinh tế.

Một số ngành kinh tế chủ chốt của các nước đều đang trong giai đoạn khó khăn. Chẳng hạn như ngành du lịch của Thái Lan chiếm tới 20% GDP nhưng chưa thể tiếp tục phát triển. Ngành hàng tiêu dùng chủ lực của Phillipines đang vực lại rất chậm chạp. Ngành du lịch của Singapore cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Trong bức tranh toàn cảnh kinh tế, các nước vẫn phải tiếp tục đối mặt nhiều thách thức do đại dịch gây ra. Dù hiện nay đã có vaccine ngừa Covid-19 nhưng phải mất một thời gian dài nữa, toàn bộ người dân của khu vực Đông Nam Á mới có thể tiếp cận.

Đây là điểm sáng nhưng cũng là thách thức mà các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam phải đối mặt trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế.

Xem thêm >> CEBR: Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028

Tin mới lên