M&A

Nikkei: Việt Nam có thể trượt mục tiêu thoái vốn nhà nước vào năm 2020

(VNF) - Giảm số lượng doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn xuống 103 vào năm 2020, từ mức 583 của năm 2016 là một trong những cam kết của Việt Nam khi trở thành thành viên của Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, Nikkei Asia dự đoán Việt Nam sẽ không hoàn thành mục tiêu này.

Nikkei: Việt Nam có thể trượt mục tiêu thoái vốn nhà nước vào năm 2020

Giảm số lượng doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn là một trong những cam kết của Việt Nam khi trở thành thành viên của Hiệp định CPTPP

Vào tháng 12/2016, chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giảm số lượng doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn từ mức 583 xuống 103 vào năm 2020. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, con số này vẫn là 500 doanh nghiệp. Chỉ có 11 doanh nghiệp được cổ phần hóa trong năm tài chính 2018, thấp hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu là 64.

Theo số liệu năm 2017 của Tổng cục Thống kê, DNNN đóng góp khoảng 29,4% ngân sách nhà nước thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi các doanh nghiệp tư nhân đóng góp 42,7%. Xét về lao động, DNNN tạo ra 1,2 triệu việc làm tính đến tháng 12/2017, chiếm 8,3% tổng lực lượng lao động của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố hồi đầu năm rằng "2019 sẽ là năm Việt Nam phải cam kết mạnh hơn nữa trong công tác tái cấu trúc đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước, cũng như các tổ chức tín dụng".

Tuy nhiên, triển vọng cải cách kinh tế vẫn chưa rõ ràng. Tháng 11/2018, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tốc độ cải cách kinh tế của Việt Nam chậm hơn kế hoạch mặc dù chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa kèm theo cảnh báo xử phạt.

Ông Josephine Yei Pheck Joo, CEO của Công ty Chứng khoán SaigonBank Berjaya, lo ngại rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới. Đặc biệt, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn, việc thoái vốn khỏi các DNNN tiếp tục bị trì hoãn vì nhu cầu của giới đầu tư giảm và giá chào bán thấp.

Trong số 103 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% cổ phần phải kể đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Những doanh nghiệp này đang hoạt động trong 11 lĩnh vực được chính phủ xem là những lĩnh vực nhạy cảm nhất của nền kinh tế, như quốc phòng, an ninh công cộng.

Lộ trình thoái vốn trì trệ

Tháng 4/2018, VTV Cab, một trong những công ty truyền hình cáp hàng đầu Việt Nam đã phải hủy IPO sau khi chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá. Nhiều công ty khác, như Petrolimex và Viglacera, cũng hoãn hoặc hủy đấu giá cổ phần do nhà nước sở hữu vì có ít nhà đầu tư tham gia.

TP. HCM từng yêu cầu chính phủ cho phép trì hoãn kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước năm 2018. Thay vào đó, chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất giãn kế hoạch tái cấu trúc 39 DNNN sang năm 2019 và 2020. Trong đó, sẽ tái cấu trúc 32 doanh nghiệp trong năm nay và 7 doanh nghiệp khác trong năm 2020. Hà Nội cũng đề nghị có thêm thời gian để xem xét.

Theo quan điểm của TP. HCM, các DNNN tại đây đang gặp nhiều khó khăn để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của việc cổ phần hóa. Doanh nghiệp bị yêu cầu phải trả lại đất thuộc sở hữu nhà nước và điều này đồng nghĩa tài sản của họ sẽ có sự điều chỉnh lớn trước IPO. Ngoài ra, định giá thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ để đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư chiến lược cũng là một thách thức trong quá trình tái cấu trúc.

Thậm chí, một số DNNN đã có đơn đề nghị hoãn việc cổ phần hóa, như nhà mạng MobiFone và Tổng công ty Giấy Việt Nam.

Tuy nhiên, số lượng DNNN tại Việt Nam giảm khoảng 12.000 so với năm 1996. Kinh tế tăng trưởng nhanh là động lực thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tích cực lên sàn. Tính đến tháng 12/2018, Việt Nam có khoảng 800 DNNN được cổ phần hóa và 152 doanh nghiệp được niêm yết.

Các thương vụ điển hình như bán 10,04% cổ phần tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), 24,86% của Petrolimex và 53,48% tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Khoảng 30 DNNN hoàn thành thoái vốn trong 2 năm qua, đạt khoảng 10% mục tiêu đề ra.

Ngoài các doanh nghiệp hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước, chính phủ Việt Nam cũng đang nắm giữ một phần vốn tại 106 doanh nghiệp như PV Power và Tổng công ty Giấy Việt Nam. Tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại 27 DNNN khác, như Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam và MobiFone, dao động từ 50% đến gần 65%. Nhà nước cũng sở hữu 65% vốn tại 4 doanh nghiệp khác, gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Tin mới lên