Tài chính

Nikkei: Việt Nam là ngôi sao đang lên, bất chấp thị trường IPO Đông Nam Á ảm đạm

(VNF) - “Việt Nam nổi lên như một điểm sáng tại Đông Nam Á, vượt qua Thái Lan và Singapore, bất chấp thị trường IPO khu vực chứng kiến một năm ảm đạm”, Nikkei Asia nhận định.

Nikkei: Việt Nam là ngôi sao đang lên, bất chấp thị trường IPO Đông Nam Á ảm đạm

Theo Nikkei, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng tại Đông Nam Á về thu hút vốn thông qua IPO

Tiền thu được từ IPO của Đông Nam Á đã giảm 34% trong năm 2018, mức giảm đầu tiên trong 2 năm gần đây. Nguyên nhân được lý giải là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung làm ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư.

Theo dữ liệu tổng hợp bởi Ernst & Young, IPO khu vực Đông Nam Á đã huy động được tổng cộng 7,1 tỷ USD. Chỉ số IPO là 115, giảm 7% so với năm 2017. Các thương vụ nhỏ chiếm ưu thế trong danh sách, với 56 trong số 115 nhà phát hành huy động được dưới 10 triệu USD.

Max Loh, quản lý IPO khu vực Đông Nam Á và Singapore của EY đã chỉ ra rằng sự bất ổn từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và các yếu tố khác làm giảm nhiệt huyết của nhà đầu tư.

"Thị trường IPO Đông Nam Á năm 2018 không có nhiều đột phá vì bất ổn kinh tế, căng thẳng thương mại và các vấn đề thị trường mới nổi vẫn tồn tại," Loh nói.

“Các quốc gia Đông Nam Á có quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc. Do đó, căng thẳng Mỹ - Trung đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong khu vực, một số chỉ số chứng khoán quan trọng có khả năng có mức giảm đầu tiên kể từ năm 2015”, Loh dự báo.

Nhưng, trong khi thị trường IPO Đông Nam Á ảm đạm, Việt Nam lại tăng sự hiện diện trên thị trường trong năm nay, vượt qua các nước khu vực như Singapore và Thái Lan.

Năm 2018, sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đứng đầu về tổng số tiền thu được từ IPO (2,6 tỷ USD), gấp 3,7 lần so với năm 2017. Vinhomes, một công ty phát triển bất động sản thuộc tập đoàn Vingroup đã huy động được 1,34 tỷ USD vào tháng 5; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã huy động được 923 triệu USD trong tháng 4.

Margaret Yang, nhà phân tích người Singapore tại CMC Market, cho biết Việt Nam nổi lên như một điểm đến IPO nóng bỏng của châu Á "là kết quả của sự hỗ trợ từ Chính phủ, cải cách thị trường, dòng vốn nước ngoài và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao”.

"Việc tái định hình chuỗi cung ứng là kết quả của dịch chuyển sản xuất. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra những cơ hội to lớn cho ngành sản xuất và thị trường lao động của Việt Nam, thúc đẩy tâm lý đầu tư", ông Yang nói.

Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan xếp thứ hai với mức huy động 2,5 tỷ USD, giảm 28% so với năm 2017. Theo sau là Sở giao dịch chứng khoán Indonesia ở mức 1,2 tỷ USD, tăng 66%. Năm 2017, Thái Lan và Singapore đứng đầu danh sách, với số tiền kiếm được hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, năm nay, tổng giao dịch của Singapore đã giảm 85% xuống còn khoảng 500 triệu USD.

Mặc dù rớt hạng, các công ty Thái Lan vẫn dẫn đầu danh sách kêu gọi đầu tư. Chính phủ ra mắt quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng Thailand Future với 1,37 tỷ USD, nhà sản xuất đồ uống Osotspa đứng thứ tư với giá trị 46 triệu USD.

Tình hình thị trường IPO của Đông Nam Á phù hợp với xu hướng IPO toàn cầu. Trên toàn thế giới, IPO đã giảm 21% trong năm xuống còn 1.359. Tổng số tiền thu được là 204,8 tỷ USD, tăng 6%, điều này phần lớn nhờ vào các megadeals như Group SoftBank Corp ra mắt trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo và Tập đoàn phát triển Tencent Music Entertainment của Tencent Holdings gia nhập Sàn giao dịch chứng khoán New York.

Năm tới, các IPO tiềm năng trong khu vực sẽ trở thành trọng tâm. Mặc dù hoạt động IPO trong khu vực năm nay khá mờ nhạt, các nhà đầu tư đang ngày càng trông chờ vào các công ty khởi nghiệp đầy triển vọng của Đông Nam Á như Grab và đối thủ Go-Jek. Grab đã huy động được khoảng 3 tỷ USD trong năm nay từ Toyota Motor và Microsoft với mức định giá hơn 10 tỷ USD.

Năm 2017, Đông Nam Á đã bỏ lỡ hai cơ hội IPO tiềm năng: Công ty trò chơi trực tuyến Sea và Công ty trò chơi Razer.

Các sàn giao dịch Đông Nam Á đã thay đổi một vài quy tắc để thu hút nhiều IPO hơn. Chẳng hạn, các sàn giao dịch của Indonesia và Singapore đã rút ngắn thời gian giao dịch xuống còn 2 ngày thay vì 3 ngày như trước đây.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn nhiều vấn đề. Trong cuộc khảo sát mới nhất của Cơ quan tiền tệ Singapore, tất cả 23 nhà kinh tế và phân tích tham gia đều đồng ý rằng chủ nghĩa bảo hộ thương mại là rủi ro bất lợi cho nền kinh tế Singapore. Sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc và việc bán tháo cổ phiếu gần đây tại các thị trường phát triển có thể kéo theo niềm tin của nhà đầu tư đi xuống.

"Với các trao đổi về việc cải cách để xây dựng hệ thống IPO và nếu biến động địa chính trị và kinh tế giảm xuống, chúng ta sẽ thấy hoạt động IPO tăng mạnh vào nửa cuối năm 2019," EY Loh nói.

Yang của CMC Markets cho biết trong trường hợp xấu nhất, nếu sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ kéo theo việc bán tháo trên thị trường toàn thế giới vào năm 2019 và cuối cùng dẫn đến suy thoái kinh tế thì hoạt động IPO sẽ có khả năng bị thu hẹp "và các nhà đầu tư sẽ còn nhiều điều phải lo lắng nữa".

Tin mới lên