Thị trường

Ninh Thuận: Dự án điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 49.000 tỷ

(VNF) - Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận vừa tổ chức họp báo thông tin về dự án trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW, vốn đầu tư khoảng 49.000 tỷ đồng được triển khai thực hiện tại xã Phước Diêm (Thuận Nam).

Ninh Thuận: Dự án điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 49.000 tỷ

Ninh Thuận: Dự án điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 49.000 tỷ (ảnh minh họa)

Ông Trần Minh Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết dự án trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII, tiến độ vận hành vào năm 2025 - 2026. Các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Dự án có quy mô đầu tư gồm: 1 nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW; cảng nhập khí LNG đáp ứng quy mô sản lượng thông qua cảng 4,8 triệu tấn/năm; kho chứa khí công suất 4x1,2 triệu tấn/năm, với 4 bồn chứa, mỗi bồn có sức chứa 180.000m3.

Diện tích xây dựng 1 nhà máy chính, công suất 1.500MW khoảng 20 ha; diện tích hành lang và tuyến đường ống cấp, trạm bơm và ống thải nước làm mát khoảng 3,86ha; diện tích sàn phân phối điện khoảng 11,8ha; diện tích móng trụ đường dây 500 kV đấu nối khoảng 4,5ha; diện tích kho LNG và công trình tái hóa khí khoảng 29,5 ha.

Đối với diện tích mặt nước, diện tích cảng nhập LNG, hành lang và tuyến ống LNG khoảng 25ha; diện tích đê chắn sóng khoảng 12ha; diện tích cửa nhận nước của trạm bơm và tuyến ống thải nước làm mát khoảng 5,53ha.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng cho biết tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt và công bố dự án để mời gọi các nhà đầu tư quan tâm; đồng thời, thực hiện các bước tiếp theo như đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án theo quy định.

Dự kiến tiến độ đầu tư dự án hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án trong quý III/2021. Hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý III/2024.

Hiện có rất nhiều nhà đầu tư lớn cả trong nước và quốc tế đang quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các dự án điện khí LNG tại Việt Nam. Có thể kể đến Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) đầu tư 4 tỷ USD vào dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu; Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) đề xuất đầu tư nhà máy điện khí LNG khoảng 5,09 tỷ USD tại Hải Phòng, có quy mô lên đến hơn 4.500 MW, sử dụng công nghệ tuabin khí hỗn hợp, dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025 - 2030; Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đề xuất đầu tư Nhà máy Điện khí LNG Long Sơn tổng công suất dự kiến khoảng 4.800 MW, vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD…

Ở trong nước là những cái tên như Vingroup, T&T Group, Tập đoàn Hoành Sơn, Trung Nam Group… cũng đang muốn đầu tư các dự án điện khí LNG.

Riêng trung tâm điện lực LNG Cà Ná cũng có rất nhiều đối tác trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp và cả nhà đầu tư trong nước quan tâm, mong muốn đầu tư.

Tin mới lên