Tài chính

Nợ 160 tỷ đồng thuế, VSP ‘đội sổ’ danh sách nợ thuế TP. HCM

(VNF) – Cục thuế TP. HCM vừa công bố danh sách 209 doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn thành phố với tổng số nợ hơn 2.118 tỷ đồng.

Nợ 160 tỷ đồng thuế, VSP ‘đội sổ’ danh sách nợ thuế TP. HCM

VSP chìm trong thua lỗ nhiều năm và đang là doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất TP. HCM (ảnh minh họa)

Đây là những doanh nghiệp mà cơ quan thuế vẫn chưa thu được nợ thuế dù đã áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế như: thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, đề nghị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, cưỡng chế tài khoản ngân hàng...

Đáng chú ý, danh sách nợ thuế lần này ghi nhận sự xuất hiện của khá nhiều doanh nghiệp địa ốc. Trong đó, nổi bật nhất là Công ty Cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải - VSP (118 Huỳnh Tấn Phát, quận 7) với số nợ lên tới 159,5 tỷ đồng – đứng dầu danh sách nợ thuế.

Công ty này hiện đang bị Cục thuế TP. HCM đề nghị cơ quan chức năng thu hồi Giấy phép đăng ký kinh doanh.

Thành lập năm 2002, Công ty Cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải có tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin – cái tên "lừng lẫy" một thời với cổ phiếu VSP từng làm mưa làm gió trên sàn HNX.

Niêm yết lần đầu trên sàn HNX vào ngày 25/12/2006, VSP đã có màn trình diễn ấn tượng khi liên tục tăng giá trong suốt nhiều tháng sau đó. Từ mốc 70.000 đồng/cổ phiếu ngày đầu chào sàn, VSP đã thăng hoa tột đỉnh và vượt mốc 315.000 đồng/cổ phiếu để trở thành "cổ phiếu hoàng đế". EPS của VSP cũng từng đạt mức 25.580 đồng/cổ phiếu - là quán quân EPS trên thị trường.

Tuy nhiên, từ quý IV/2008 trở đi, giá thuê tàu giảm chóng mặt đã khiến tỷ suất lợi nhuận gộp của VSP giảm theo. Tình hình còn tồi tệ hơn trong năm 2009 khi giá tàu giảm thêm 80% nữa. Cũng với những khoản đầu tư mạnh tay vào đội tàu và bất động sản, VSP ngày càng lún sâu vào cảnh nợ nần. Năm 2009, Công ty lỗ ròng 360 tỷ đồng.

Điệp khúc lỗ ròng tiếp tục được lặp lại 2 năm sau đó đã khiến VSP "bật bãi" khỏi HNX, xuống giao dịch tại UPCoM với thị giá nhiều khi chỉ loanh quanh mức 1.000 đồng/cổ phiếu. Chuỗi ngày đen tối này kéo dài từ năm 2012 cho đến tận bây giờ.

Ngày 29/1/2016, VSP cho biết đã không thể tiếp tục duy trì hoạt động trước quyết định cưỡng chế từ Cục Thuế TP. HCM. "Cổ phiếu hoàng đế" một thời cũng bị ngừng giao dịch trên UPCoM từ tháng 4/2016. Mùa 2017, VSP đang phải chật vật để tổ chức Đại hội cổ đông nhằm thông qua quyết định chính thức rời bỏ UPCoM và bầu HĐQT mới. Dẫu vậy, những u ám vẫn chưa chịu rời bỏ doanh nghiệp này.

Nợ 160 tỷ đồng thuế, VSP ‘đội sổ’ danh sách nợ thuế TP. HCM ảnh 1

Các doanh nghiệp địa ốc là đối tượng nợ thuế lớn

Ngoài VSP, danh sách nợ thuế của Cục thuế TP. HCM cũng ghi nhận một loạt doanh nghiệp địa ốc tên tuổi nợ thuế như Công ty Cổ phần Xây dựng công trình và Đầu tư địa ốc Hồng Quang (007-008 Chung cư H1 Hoàng Diệu, quận 4) với số nợ 100,3 tỷ đồng, Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây dựng Trang Thiên Phát nợ hơn 44 tỷ, Công ty TNHH thương mại xây dựng kinh doanh nhà Tân Hồng Uy nợ hơn 36,9 tỷ hay Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Minh Sơn nợ hơn 37,4 tỷ đồng...

Ngoài ra, còn một loạt doanh nghiệp địa ốc khác cũng nằm trong diện bị đề nghị rút giấy phép kinh doanh như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Khang Thông (67 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1), Công ty Cổ phần Địa ốc Đất Lành (3/16 Phổ Quang), Địa ốc Tân Vũ Minh (235 Điện Biên Phủ), Địa ốc Khang Gia (103 Sư Vạn Hạnh), Xây dựng Hưng Thịnh, Tân Hoàng Thắng (2A Nguyễn Sỹ Sách, Tân Bình)…

Trong một diễn biến liên quan, vừa qua Cục thuế Hà Nội cũng đã công bố danh sách 147 doanh nghiệp nợ tiền thuê đất và thuế phí trên địa bàn thành phố (5 doanh nghiệp nợ tiền thuê đất, 142 doanh nghiệp nợ thuế phí).

Công ty Cổ phần Minh Xuân (phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) là đơn vị có số nợ tiền thuê đất cao nhất với 3,1 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty Cổ phần Bất động sản thương mại và dịch vụ Quang Chung (ngõ 219 Trung Kính, Hà Nội) với số nợ 922 triệu đồng.

142 doanh nghiệp nợ thuế phí còn lại có tổng số nợ hơn 58 tỷ đồng. Tính bìn quân, số nợ của mỗi doanh nghiệp dao động từ 9 triệu đồng cho đến 2,5 tỷ đồng. Có thể kể đến một số cái tên như Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình và Thương mại Long Giang (nợ 2,5 tỷ đồng), Công ty Cổ phần đầu tư Đông Dương (nợ 2 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Phương Mạnh (nợ 1,3 tỷ đồng) vv…

Tin mới lên