Tài chính

Nợ đọng thuế gần 83.000 tỷ đồng, hơn 42% không có khả năng thu hồi

(VNF) - Thông tin tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết công tác thu hồi nợ đọng thuế trong 3 năm qua có những bước tiến tích cực. Năm 2016 thu hồi hơn 40.000 tỷ đồng, năm 2017 hơn 44.000 tỷ đồng và 9 tháng 2018 thu 25.382 tỷ đồng.

Nợ đọng thuế gần 83.000 tỷ đồng, hơn 42% không có khả năng thu hồi

Nợ đọng thuế gần 83.000 tỷ đồng, hơn 42% không có khả năng thu hồi do người chết, mất tích, phá sản, giải thể. (Ảnh minh họa)

Cũng theo Bộ trưởng, hàng năm, Bộ Tài chính đã đôn đốc thu hồi các khoản tiền nợ thuế, truy thu, xử phạt theo kết luận của cơ quan kiểm toán đạt trên 80% kiến nghị đã thu.

Trong khi đó, về tỷ lệ nợ đọng thuế/tổng thu nội địa đã giảm dần qua các năm, theo đó năm 2016 là 8,5%, cuối năm 2017 còn 7,6% và tính đến cuối tháng 9/2018 còn 7,5%.

Ngoài ra, tỷ lệ nợ đọng thuế có khả năng thu/tổng thu nội địa đã giảm mạnh, năm 2016 là 5,6%, năm 2017 là 4,4% và cuối tháng 9/2018 là 4,3%.

"Hiện nay tỷ lệ đọng thuế/tổng thu nội địa của Việt Nam ở mức khoảng 7,5% trong khi các nước ASEAN bình quân là 8,5% và các nước OECD là 9,2%. Tuy nhiên, tổng số nợ thuế hiện nay vẫn còn rất lớn", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

“Tuy nhiên, tổng số nợ thuế vẫn còn lớn, khoảng 82.961 tỷ đồng, trong đó nợ không có khả năng thu hồi chiếm 42,1%, tăng 11% so với năm 2017. Tiền phạt vi phạm hành chính và chậm nộp chiếm tỷ trọng 22%”, Bộ trưởng thừa nhận và cho biết nguyên nhân chính do số nợ thuế từ người chết, mất tích, phá sản, giải thể.

"Bộ đã giao chỉ tiêu nợ/thu nợ cho từng Cục thuế, Chi cục thuế, cán bộ công chức, áp dụng kiên quyết các biện pháp cưỡng chế nợ theo quy định của pháp luật và công khai thông tin người nộp thuế chây ì trên phương tiện thông tin đại chúng...", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Theo thống kê vừa được Tổng cục Thuế gửi tới các địa phương, tính tới 31/8, tổng tiền thuế nợ từ 5 triệu đồng trở lên của doanh nghiệp tại 16 địa phương có số thu điều tiết về ngân sách Trung ương là hơn 45.800 tỷ đồng. Trong đó, địa phương có số nợ lớn nhất là TP. Hà Nội với hơn 13.530 tỷ đồng (gần bằng 1/4 nợ thuế cả nước). Đứng thứ 2 là TP. HCM với hơn 9.890 tỷ đồng.

Cũng theo thống kê từ Tổng cục thuế, tổng số nợ 47 địa phương còn lại trên cả nước là hơn 12.000 tỷ đồng.

Một loạt địa phương còn tổng nợ lớn cũng được cơ quan này nêu ra gồm: Hải Phòng (hơn 2.340 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (hơn 1.601 tỷ đồng), Bình Dương (khoảng 1.153 tỷ đồng), Thái Bình (1.191 tỷ đồng),…

Tin mới lên