Tài chính

Nợ phải trả Sabeco tăng vọt do…'ôm' cổ tức

(VNF) – Công ty mẹ - Sabeco đang "ôm" nghìn tỷ tiền cổ tức khiến nợ phải trả của tổng công ty này tăng vọt 51% trong 6 tháng đầu năm 2016.

Nợ phải trả Sabeco tăng vọt do…'ôm' cổ tức

Sabeco "ôm" nghìn tỷ tiền cổ tức

"Ôm" nghìn tỷ tiền cổ tức

Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2016 của Công ty mẹ - Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho thấy, doanh thu thuần Công ty mẹ - Sabeco nửa đầu năm 2016 đạt mức 14.322 tỷ đồng, gấp 3,7 lần con số 3.880 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2016 của Công ty mẹ - Sabeco chỉ tăng 6,5%, lên mức 1.971 tỷ đồng.

Nguyên nhân nhiều khả năng là do Sabeco thay đổi cách quản lý và hạch toán nhằm đưa phần lớn doanh thu và lợi nhuận về công ty mẹ chứ không tập trung tại các công ty con như trước đây. Bằng chứng là doanh thu hoạt động tài chính của Công ty mẹ - Sabeco nửa đầu năm 2016 chỉ đạt mức 678 tỷ đồng, giảm 63% so với con số 1.829 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong tình hình tài chính của Công ty mẹ - Sabeco nửa đầu năm 2016 là nợ phải trả của tổng công ty này tăng vọt 51% so với hồi đầu năm, từ mức 4.093 tỷ đồng lên mức 6.182 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính là do Công ty mẹ - Sabeco đã "ôm"’ tới 1.731 tỷ đồng tiền cổ tức phải trả.

Cùng thời điểm này, tiền và các khoản tương đương tiền của Công ty mẹ - Sabeco cũng tăng vọt từ mức 6.406 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên mức 8.357 tỷ đồng thời điểm giữa năm 2016, tương đương mức tăng 30,4%. Trong đó, 8.190 tỷ đồng là tiền gửi ngắn hạn có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng tại ngân hàng và hưởng lãi suất 5,5 – 6,2%/năm.

Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Công ty mẹ - Sabeco cũng tăng mạnh 475 tỷ đồng so với hồi đầu năm, đạt mức 1.165 tỷ đồng. Trong đó, 1.015 tỷ đồng là tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng và dưới 1 năm có lãi suất từ 6,2 - 7,2%/năm, còn lại 150 tỷ đồng là trái phiếu tại Agribank.

Điều này dấy lên nghi vấn Công ty mẹ - Sabeco "ôm" cổ tức để gửi ngân hàng.

Theo thông báo số 206/2016/TB-HĐQT ngày 01/06/2016, Sabeco sẽ chi trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%, tuy nhiên, thời gian thực hiện kéo rất dài từ ngày 29/06/2016 đến ngày 27/12/2016.

Vẫn nhức nhối chuyện đầu tư ngoài ngành

Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2016 thì Công ty mẹ - Sabeco đang phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn lên tới 510 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản đầu tư ngoài ngành.

Đáng kể nhất là 2 trường hợp đầu tư vào Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCH) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank).

Cụ thể, Công ty mẹ - Sabeco đã đầu tư 216 tỷ đồng vào OCH và đang phải trích lập dự phòng lên tới 158 tỷ đồng cho khoản đầu tư này. Tổng công ty này cũng đầu tư 136 tỷ đồng vào DongABank và hiện đang trích lập dự phòng 111 tỷ đồng.

Có khả năng tỷ lệ trích lập dự phòng tại khoản đầu tư DongABank của Công ty mẹ - Sabeco sẽ còn tăng bởi một công ty khác là CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng đã đầu tư vào DongABank với số tiền 395 tỷ đồng và đã phải trích lập dự phòng toàn bộ số tiền đầu tư này.

Các lĩnh vực như chứng khoán – đầu tư hay bảo hiểm cũng là "hố đen" cho các khoản đầu tư ngoài ngành của Công ty mẹ - Sabeco.

Cụ thể, Công ty mẹ - Sabeco đã đầu tư 51,1 tỷ đồng vào Quỹ đầu tư Chứng khoán Sài Gòn A2 và chịu trích lập dự phòng 33,7 tỷ đồng; đầu tư 50,9 tỷ đồng vào Quỹ đầu tư Việt Nam và chịu trích lập dự phòng 22,2 tỷ đồng; đầu tư 45 tỷ đồng vào CTCP Chứng khoán Đại Việt và chịu trích lập dự phòng 38,6 tỷ đồng; đầu tư 51,4 tỷ đồng vào Công ty PVI Sài Gòn và chịu trích lập dự phòng 39,1 tỷ đồng.

Việc các khoản đầu tư này vẫn còn trên báo cáo tài chính cho thấy Sabeco vẫn chưa thực sự quyết tâm trong chuyện thoái vốn khỏi các đơn vị ngoài ngành. Điều này phần nào gây cản trở cho tiến trình cổ phần hóa và bán vốn Nhà nước tại Sabeco.

Tin mới lên