Tài chính

Nợ thuế khó thu, Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ 26.500 tỷ đồng

(VNF) - Tính đến ngày 31/12/2017, tổng số nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt là 78.619 tỷ đồng. Trong đó, tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do ngành Thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng; số nợ thuế các loại do ngành Hải quan quản lý là 5.474 tỷ đồng.

Nợ thuế khó thu, Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ 26.500 tỷ đồng

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi, với số tiền hơn 26.500 tỷ đồng. Cụ thể:

Thứ nhất, xóa nợ tiền chậm nộp đối với người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán, với số tiền 542,525 tỷ đồng.

Thứ hai, xóa nợ tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2018 của người nộp thuế gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng, với số tiền tính đến thời điểm 31/12/2017 ước khoảng 1.700 tỷ đồng.

Thứ ba, Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 1/1/2017 mà không còn khả năng nộp ngân sách và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Đáng chú ý, hộ, cá nhân kinh doanh đã ngừng kinh doanh trước ngày 1/1/2017 cũng được đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, với số tiền lên đến 24.302 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số nợ thuế được đề xuất xóa là khoảng 26.500 tỷ đồng.

Được biết, trong tổng 73.145 tỷ đồng nợ thuế do ngành Thuế quản lý, có 31.469 tỷ đồng là tiền thuế còn nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh, không có khả năng thu hồi.

Với ngành hải quan, trong số 5.474 tỷ đồng tổng nợ, cũng có tới 3.878 tỷ đồng là nợ không có khả năng thu.

Theo đó, số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tính đến ngày 31/12/2017 của các khoản nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do nguyên nhân khách quan là 35.347 tỷ đồng, bằng 44,9% tổng nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Trong thời gian qua, thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã hướng dẫn xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp cho người nộp thuế kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nếu chiểu theo đúng các quy định, kết quả xử lý nợ thuế đạt rất thấp đối với những trường hợp nợ không có khả năng thu. Kết quả, từ ngày 1/7/2007 đến 31/7/2017 tổng số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp được cơ quan thuế xem xét xóa là 1.122 tỷ đồng, chiếm 3,3% số nợ không có khả năng thu hồi.

Qua rà soát, tổng hợp, Bộ Tài chính nhận thấy rằng, giải pháp xóa nợ thuế đối với 4 trường hợp theo quy định "chưa bao quát được hết thực trạng kinh doanh, chưa xử lý được tồn tại về nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do những nguyên nhân khách quan, cũng như chưa phản ánh hết công tác quản lý nợ thuế mà ngành Thuế, Hải quan được giao".

Theo Bộ Tài chính, dù nhiều người nộp thuế đã tuân thủ pháp luật, nỗ lực nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý thu nợ thuế theo quy định nhưng do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan ngoài ý muốn, họ vẫn còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp thuế.

Số nợ tiền chậm nộp này hạch toán vào thu nhập sau thuế thu nhập doanh nghiệp khiến doanh nghiệp chịu lỗ kéo dài, ăn vào vốn dẫn đến giải thể, phá sản, chấm dứt kinh doanh. 

Tin mới lên