Ngân hàng

Nợ xấu ăn mòn lợi nhuận

(VNF) - Mặc dù nhiều giải pháp mạnh được triển khai quyết liệt trong thời gian qua nhưng nợ xấu đến giờ vẫn còn là nỗi ám ảnh của các ngân hàng.

Nợ xấu ăn mòn lợi nhuận

Nợ xấu ăn mòn lợi nhuận

Sau khi các ngân hàng (NH) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2015, thì nợ xấu vẫn là vấn đề đau đầu nhất hiện nay. Họ phải "thắt lưng buộc bụng" để xử lý nợ xấu khiến lợi nhuận sụt giảm. Lợi nhuận trước thuế quý 1 của Vietcombank giảm sút do trích lập dự phòng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014, chỉ đạt 1.455 tỷ đồng.

Năm nay hội đồng quản trị NH dự kiến trích lập dự phòng tới 5.500 tỷ đồng. Nợ xấu của Vietcombank đến hết quý 1 còn 8.800 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 2,7% tổng dư nợ, tăng nhẹ so với cuối năm 2014.

Tổng lợi nhuận lũy kế trước thuế quý 1 của Techcombank chỉ đạt 408 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được NH này giải thích do trích lập dự phòng.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VPBank trong quý 1 cũng lên đến hơn 805 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Đến ngày 31/3, VPBank còn 1.843 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 2,17% tổng dư nợ. Tỷ lệ này đã giảm so với mức 2,54% vào đầu năm 2015.

Quý 1 vừa qua VietinBank đạt lợi nhuận gần 1.600 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2014 nhưng nợ xấu của NH này lại tăng mạnh từ hơn 4.800 tỷ lên hơn 8.000 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,9% cuối năm 2014 lên 1,5%. NH Quốc tế Việt Nam (VIB) lãi trước thuế trong quý 1 là 139 tỷ đồng, chỉ bằng gần một nửa so với lợi nhuận trước dự phòng.

Theo số liệu của NH Nhà nước TP.HCM, đến ngày 31/3 nợ xấu trên địa bàn là 60.883 tỷ đồng, chiếm 5,53% tổng dư nợ. Các lãnh đạo nhà băng cho rằng, dù các ngân hàng đã quyết liệt trong xử lý nợ xấu, nhưng việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ tiếp tục là khó khăn, vướng mắc, nhất là việc xử lý tài sản là nhà cửa, đất đai.

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho rằng, để giải quyết được nợ xấu, UBND thành phố phải chủ trì tổ chức cuộc họp về công tác xử lý nợ xấu, để các cơ quan chức năng, đặc biệt là trong việc thi hành án thực thi. Một số dự án bất động sản đã bị cũ, lạc hậu, giá bị điều chỉnh giảm, ảnh hưởng đến tín dụng xấu cho ngân hàng.

Cần cơ chế xử lý nợ xấu

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN TP.HCM đặt ra cho năm 2015 ở mức 13%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát 3%. Đây được xem là nhiệm vụ khó khi nợ xấu vẫn là rào cản trong tăng trưởng tín dụng.

Theo thống kê, tỷ lệ nợ xấu dù đã có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2012 tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là 4,08%, năm 2013 giảm còn 3,61% và đến cuối năm 2014, còn 3,25%.

Thực tế, tỷ lệ nợ xấu giảm chủ yếu ngân hàng đẩy mạnh bán nợ cho VAMC và tín dụng tăng trưởng nhanh sẽ giúp nợ xấu giảm bớt. Do đó vẫn cần đánh giá chính xác hơn về rủi ro nợ xấu, số dư và tỷ lệ nợ xấu dựa trên số dư nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các NHTM và số dư bán nợ cho VAMC chưa xử lý được.

Trong một hội thảo về chủ đề này mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty VAMC cho rằng: Có cho tiền thật để mua, VAMC vẫn không xử lý được hết nợ xấu.

Lý do, là vướng các quy định pháp lý. Ví dụ có khách hàng ở thành phố HCM vay gần 1.000 tỷ đồng, thế chấp bằng nhà, nhưng khi xuống đòi thì họ không trả, dù nhà đó cho thuê mỗi năm thu về mấy trăm tỷ đồng.

"Mình yêu cầu họ bán tài sản để trả nợ nhưng họ không bán, mình cũng không làm được gì. Còn kiện ra tòa thì 50 năm sau có khi vẫn chưa đòi được", ông Hùng nói.

VAMC mua các khoản nợ xấu cho tổ chức tín dụng cũng không biết bán cho ai, vì Việt Nam chưa hình thành thị trường mua bán nợ. Nếu có bán, cũng chỉ là các công ty mua bán nợ của Nhà nước mua bán với nhau.

"Khi xây dựng đề án thành lập VAMC, nếu làm theo đề án thì trái hết tất cả các luật hiện nay. Cũng có 50-60 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới các khoản nợ xấu, nhưng cơ chế thì chưa giải quyết được", ông Hùng nói.

Theo VAMC, nợ xấu tính tới hết tháng 12/2014 của các tổ chức tín dụng là khoảng 309.000 tỷ đồng. Cùng thời gian, VAMC đã mua được 133.555 tỷ đồng dư nợ gốc với giá 108.652 tỷ đồng.

Trong đó, nợ bất động sản chiếm hơn 67% (tương đương 83.000 tỷ đồng); vay kinh doanh chiếm 25,7% (tương đương 31.900 tỷ đồng). Về hoạt động bán nợ, VAMC đã bán 68 khoản với giá trị nợ gốc là 2.306 tỷ đồng, thu về 1.773 tỷ đồng; bán tài sản đảm bảo thu về 490 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, với 300.000 tỷ đồng nợ xấu không phải vấn đề lớn, khi các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro được 150.000 tỷ đồng, số còn lại VAMC có thể xử lý được.

Theo ý kiến của ông Hùng, cần giao quyền cho VAMC như thu giữ tài sản đảm bảo; quyền như thi hành án; quyền đề nghị khởi tố nếu khách hàng không trả nợ; quyền đấu giá tài sản đảm bảo không cần người vay đồng ý (đã nợ phải trả, không phải người vay không đồng ý là tổ chức tín dụng không bán được tài sản đảm bảo như hiện nay).

"Chỉ cần giao cơ chế, trong 1 tháng VAMC có thể thu được ngay 1.000 tỷ đồng", ông Hùng khẳng định.

Tin mới lên