Thị trường

Nợ xấu nhiều, Bảo hiểm xã hội tính kiện các doanh nghiệp

BHXH Việt Nam cho rằng nợ đọng bảo hiểm vẫn diễn biến phức tạp là do ý thức chấp hành pháp luật BHXH của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước

Nợ xấu nhiều, Bảo hiểm xã hội tính kiện các doanh nghiệp

Tại Hội nghị cung cấp định kỳ tháng 12, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, hết tháng 11/2016, tổng số tiền nợ BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của BHXH các tỉnh, thành phố là 13.135 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,6% so với kế hoạch thu.

Theo báo cáo, trong tổng số nợ hơn 13 nghìn tỷ đồng, nợ BHXH hơn 10 nghìn tỷ đồng (chiếm 77,16%), nợ BHTN hơn 572 tỷ đồng (chiếm 4,45%), riêng nợ BHYT hơn 2.428 tỷ đồng (chiếm 18,49%). Ông Nguyễn Trí Đại – Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) - cho biết, dù tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đã giảm 0,2% so với tháng 10/2016, nhưng vẫn còn chiếm 5,6% kế hoạch thu, trong đó, số nợ BHXH, BHTN chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp (DN).

BHXH Việt Nam cho rằng nợ đọng bảo hiểm vẫn diễn biến phức tạp là do ý thức chấp hành pháp luật BHXH của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước, thường trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động. Chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi BHXH đối với người lao động…

Để hoành thành kế hoạch giảm tỷ lệ nợ năm 2016 xuống còn 2,9%, BHXH Việt Nam đang quyết liệt chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, yêu cầu BHXH các địa phương tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các DN đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài từ 3 tháng trở lên trên địa bàn.

BHXH cũng cương quyết xử lý những DN có tình chây ỳ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; chủ động thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ đọng từ 3 tháng trở lên.

Ngoài ra, theo BHXH Việt Nam, hết tháng 12/2016, BHXH các địa phương phải chủ động, bám sát, đôn đốc cơ quan tài chính các cấp, cơ quan quản lý đối tượng chuyển tiền đóng BHYT kịp thời cho các đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng năm 2016 vào quỹ BHYT, không để nợ đọng năm sau. 

Đặc biệt, BHXH các địa phương phải tích cực cung cấp hồ sơ, thông tin phối hợp với Liên đoàn lao động khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN ra tòa theo quy định. Trong đó, hết tháng 12 phải thực hiện nộp đơn kiện ra tòa án ít nhất từ 10 – 50 DN có thời gian nợ trên 6 tháng; công khai danh tính đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, kéo dài trên phương tiện thông tin đại chúng…

Theo ông Trần Đình Liêu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, BHXH có thể áp dụng hình thức khởi kiện và biện pháp cuối cùng nhằm giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Nếu các giải pháp khắc phục nợ không đạt hiệu quả, cơ quan BHXH mới tiến hành lập hồ sơ, phân loại đơn vị nợ và tiến hành chuyển hồ sơ cho tổ chức Công đoàn tiến hành khởi kiện.

Tin mới lên