M&A

Nỗi đau tỷ USD: Những thương vụ thảm hoạ nhất thập niên qua

(VNF) - Tất cả các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) đều mang trong nó kỳ vọng của các bên về một khởi đầu mới với sự tăng trưởng bứt phá và thịnh vượng. Thế nhưng, không phải thương vụ nào cũng suôn sẻ, công ty nào cũng ổn định và thịnh vượng hậu M&A. Cùng VietnamFinance nhìn lại những thương vụ thảm hoạ đã gây tổn thất hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ USD trong thập niên vừa qua.

Nỗi đau tỷ USD: Những thương vụ thảm hoạ nhất thập niên qua

1. AOL sáp nhập Time Warner

Thời gian diễn ra thương vụ: 2000

Thiệt hại: 299 tỷ USD

AOL (American online) từng được mệnh danh là “gã khổng lồ” internet của Mỹ, được thành lập năm 1985, tên ban đầu là Quantum Computer Services.

Thời điểm đánh dấu sự sụp đổ của AOL là năm 2000 khi hãng này quyết định sáp nhập với Time Warner thành lập liên doanh mới có tên AOL Time Warner.

Khi đó, AOL là công ty dịch vụ Internet, truyền thông và quảng cáo qua mạng còn Time Warner là hãng truyền thông về sản xuất chương trình truyền hình, phim ảnh âm nhạc.

Time Warner  được thành lập vào năm 1972, sở hữu và có cổ phần tại khá nhiều kênh truyền nổi tiếng như HBO, Cartoon Network, CNN,... và các hãng phim Hollywood như Warner Bros, New Line Cinema, Tom and Jerry,... 

Việc thành lập liên minh AOL Time Warner xuất phát từ ý tưởng kết hợp giữa truyền thông cũ (Time Warner) và mới (AOL). Tất cả nội dung, ý tưởng của Time Warner đều được đưa sang cho AOL nhằm thu hút khán giả và bán quảng cáo.

Tại thời điểm thương vụ nhận được sự chấp thuận của Uỷ ban Viễn thông Liên bang Mỹ (FCC) tháng 1/2001, AOL Time Warner là tập đoàn truyền thông và internet lớn nhất thế giới số vốn 207 tỷ USD.

Tuy nhiên, vào năm 2002, băng thông rộng ra đời và bong bóng dotcom nổ ra khiến việc kinh doanh của liên minh AOL Time Warner chao đảo.

Thảm họa này khiến AOL mất 99 tỷ USD tiền vốn còn Time Warner mất 200 tỷ USD giá trị cổ phiếu. Jerry Levin, Giám đốc điều hành của Time Warner khiêm tốn thừa nhận, ông đã “ký kết một hợp đồng tồi tệ nhất trong thế kỷ này".

Ngày 9/12/2009,  AOL chính thức tách khỏi hãng truyền thông Time Warner, kết thúc 10 năm hợp nhất giữa hai gã khổng lồ. Cũng thời gian này AOL cải tổ và mua lại trang tin công nghệ TechCrunch cùng trang web About.me. Đến đầu năm 2015, AOL chính thức bị Verizon mua lại với giá 4,4 tỷ USD, kết thúc giai đoạn sống vật vờ của gã khổng lồ internet.

Trong khi đó, ngày 22/10/2016, nhà mạng di động lớn thứ hai nước Mỹ AT&T Inc thông báo họ đã đạt được thỏa thuận mua lại Time Warner Inc với giá trị hợp đồng là 85,4 tỷ USD.

2. Bank Of America mua Countrywide Financial

Thời gian diễn ra thương vụ: 2008

Thiệt hại: 47 tỷ USD

Bank Of America (BofA)  là ngân hàng lớn thứ 2 ở Mỹ tính theo tài sản và là công ty lớn thứ 21 ở Mỹ tính theo tổng doanh thu. 

BofA chính thức thông báo kế hoạch mua lại Countrywide Financial vào tháng 1/2008 và được FED thông qua vào tháng 5. Với 69% số cổ đông của Countrywide Financial đồng ý, thương vụ sáp nhập này chính thức hoàn thành vào 1/7/2008. Tại thời điểm đó, Countrywide được định giá 2,5 tỷ USD.

Countrywide Financial là cái tên chủ chốt trong cuộc khủng hoảng tín dụng bất động sản dưới chuẩn, góp phần vào cuộc khủng hoảng tài chính lớn của năm 2008. Tuy nhiên, có vẻ như Bank of America đã không biết được cái hố không đáy chứa đầy các khoản thế chấp độc hại này.

Vào năm 2007, thị trường cho vay thế chấp thứ cấp (subprime mortgage market) tại Mỹ sụp đổ, khiến Countrywide lo lắng cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

Để tiếp tục đẩy mạnh các khoản vay thế chấp mua nhà, Countrywide đã tung ra chương trình cho vay nhanh với khẩu hiệu “Các khoản vay luôn tăng, chứ không bao giờ giảm”.

Sau khi chương trình được triển khai, các giám đốc phụ trách mảng cho vay thế chấp để mua nhà của Countrywide đã phớt lờ các bước kiểm tra tài sản thế chấp hay tình hình tài chính của người vay để đảm bảo an toàn cho các khoản vay, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.

Trong khi nới lỏng các quy định về cho vay, Countrywide lại thuyết phục Fannie Mae và Freddie Mac mua lại các khoản nợ vay của mình với cam kết sẽ siết chặt hơn nữa các quy định nói trên.

Khi bong bóng vỡ, BofA phải thay Countrywide gánh toàn bộ khoản thế chấp có giá trị thấp, các khoản lỗ bất động sản có liên quan, chi phí pháp lý và thanh quyết toán với chủ sở hữu nhà, cơ quan nhà nước và liên bang lên đến 47 tỷ USD.

BoFA còn phải đối diện với cáo buộc gian lận tín dụng từ Bộ Tư pháp Mỹ nhưng sau đó cáo buộc này bị huỷ bỏ do không tìm thấy đủ bằng chứng để kết luận rằng ngân hàng này phạm lỗi gian dối liên quan đến tín dụng thế chấp bất động sản.

Hiện nay, Countrywide Financial được biết đến với cái tên Bank of America Home Loans, một công ty con của BofA, hoạt động trong lĩnh vực cho vay nhà ở.

3. Sprint thâu tóm Nextel Communications

Thời gian diễn ra thương vụ: 2005

Thiệt hại: 36 tỷ USD

Trong tháng 8/2005, Sprint đổi một lượng lớn cổ phiếu trị giá 36 tỷ USD để lấy phần lớn cổ phần tại Nextel Communications và đổi tên công ty thành Sprint Nextel.

Thương vụ khổng lồ này đã biến Sprint thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn thứ 3 tại Mỹ, chỉ sau  AT&T và Verizon.

Cơ sở khách hàng của Sprint là thị trường tiêu dùng cá nhân, trong khi Nextel lại nhắm đến các công ty nhiều hơn. Họ nghĩ rằng, việc sáp nhập có thể thúc đẩy các hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình. Nhưng tiếc thay, hai hãng này chẳng có điểm chung nào.

Tình hình công ty sau sáp nhập bất ổn, đấu đá và kiện tụng xảy ra liên miên, trong khi việc tiếp thị và phát triển sản phẩm không được chú ý.

Sau 8 năm và ít nhất 36 tỷ USD bỏ ra, Sprint cuối cùng đã phải đóng cửa Sprint Nextel trong năm 2013.

Ngày 11/7/2013, Bloomberg đưa tin thương hiệu Sprint Nextel chính thức không còn nữa sau khi bị thâu tóm bởi tập đoàn công nghệ viễn thông Nhật Bản Softbank.

Softbank bỏ ra 21,6 tỷ USD để mua lại Sprint Nextel, trong đó có cả 5 tỷ USD để nhà mạng này tái cân bằng thu chi. Còn lại, 16,6 tỷ USD được dùng để chi trả cho các cổ đông của Sprint Nextel. Sprint Nextel chính thức chỉ còn mang tên Sprint như trước năm 2005.

4. Lucent và Alcatel

Thời gian thực hiện thương vụ: 2006

Thiệt hại 29 tỷ USD

Ngày 30/11/2006, Alcatel SA (Pháp) đã chính thức hoàn tất việc sáp nhập với tập đoàn Lucent Technologies Inc. (Mỹ), và trở thành một trong những nhà cung cấp hệ thống mạng điện thoại di động và Internet tốc độ cao lớn nhất thế giới ở thời điểm đó.

Alcatel SA mua lại Lucent Technologies Inc với giá khoảng 11,5 tỷ USD. Cả ban lãnh đạo Alcatel và Lucent đều hy vọng việc sáp nhập giữa hai tập đoàn sẽ thúc đẩy doanh thu của hãng này.
Sau thương vụ, doanh nghiệp mới có tên là Alcatel-Lucent; tên niêm yết tại sàn chứng khoán Euronext Paris và New York là "ALU".

Trụ sở chính của Alcatel-Lucent được đặt tại Paris.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng ban đầu, Alcatel-Lucent  đã kinh doanh thua lỗ trong 6 quý liên tiếp, cổ phiếu của hai công ty này giảm 50% giá trị chỉ trong 18 tháng. Cổ phiếu được giao dịch ở mức 13,42USD tại thời điểm sáp nhập và sau đó chỉ còn vỏn vẹn 1 USD vào năm 2010. Ước tính thiệt hại sau sáp nhập là 29 tỷ USD.

Thảm họa nói trên, theo các nhà phân tích, có thể một phần do sự khác biệt giữa các nền văn hóa: “Một bên là phân cấp và kiểm soát tập trung, một bên là tư nhân và linh hoạt”.

Sau đó, Nokia cũng đã chi hàng tỷ USD để mua lại Alcatel-Lucent và nhận quả đắng khi liên tiếp thua lỗ hàng trăm triệu USD sau thương vụ.

5. Kmart sáp nhập Sears

Thời gian thực hiện thương vụ: 2005

Thiệt hại: 28 tỷ USD

Kmart từng là một trong những nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, được thành lập năm 1899 và trở thành chuỗi bán lẻ hơn 2.300 siêu thị vào năm 1990. Phát triển nhanh nhưng không đề phòng nên  những thế mạnh ngày nào của Kmart nhanh chóng bị hai đối thủ là Walmart và Target chiếm mất.

Năm 2002, Kmart đã phải nộp đơn phá sản nhưng được cứu vào phút chót bởi nhà đầu tư Eddie Lampert. Ông này tin rằng giá trị bất động sản của Kmart đáng được cứu vãn, ông quyết định trả hết nợ cho Kmart vào năm 2003 và đưa thương hiệu này về chung một nhà với chuỗi cửa hàng bán dụng cụ Sears cũng đang ngập chìm trong khó khăn.

Nhưng "giấc mộng" kết hợp Kmart và Sears để tạo thành một thế lực đủ sức "tấn công" Walmart nhanh chóng thất bại nặng nề. Khách hàng trung thành của Kmart hoàn toàn không quan tâm đến dụng cụ của Sears, và khách hàng của Sears cũng chả quan tâm đến sản phẩm gia dụng từ Kmart.

Eddie Lampert đã chi ra 11 tỷ USD cho vụ sáp nhập giữa Kmart và Sears trong năm 2005. Ngay sau đó, vốn hoá của Sears giảm mạnh từ  21,37 tỷ USD xuống còn chưa đến 4 tỷ USD. Ước tính, Eddie Lampert đã “đốt” hơn 28 tỷ USD cho thương vụ này.

Sau nhiều năm thoi thóp, cuối cùng Sears Holdings, công ty mẹ của Sears và Kmart đã phải đệ đơn phá sản vào năm 2018.

Tin mới lên