Tài chính quốc tế

Nối lại điều tra, WHO muốn nghiên cứu sâu giả thuyết virus SARS-CoV-2 lọt từ phòng thí nghiệm

(VNF) - Với nhóm điều tra mới gồm 20 người, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ xem xét kỹ giả thuyết về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm và nguyên nhân sâu xa phát sinh SARS-CoV-2 chủng mới.

Nối lại điều tra, WHO muốn nghiên cứu sâu giả thuyết virus SARS-CoV-2 lọt từ phòng thí nghiệm

Ảnh minh họa.

Hãng tin The Wall Street Journal (WSJ) ngày 26/9 đưa tin WHO hiện có kế hoạch mở lại cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19 sau khi tập hợp được một nhóm chuyên gia gồm 20 người.

Với tên gọi “Nhóm Cố vấn khoa học quốc tế về nguồn gốc của các mầm bệnh lạ”,  nhóm này gồm các chuyên gia về an toàn trong phòng thí nghiệm và an toàn sinh học, cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực di truyền và bệnh động vật.

Các quan chức WHO cho biết nhiệm vụ của nhóm cố vấn là tìm hiểu chính xác cách thức xuất hiện của virus SARS-CoV-2.

Họ sẽ phải nghiên cứu sâu hơn giả thuyết về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm và tiến hành những nghiên cứu rộng hơn về các nguy cơ do loại virus này gây ra trong tương lai.

WHO nói thêm rằng cuộc điều tra mới sẽ tạo điều kiện để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân sâu xa phát sinh SARS-CoV-2 chủng mới.

Cũng theo WHO, nếu triển khai điều tra giai đoạn 2 muộn hơn thì các mẫu máu của những nạn nhân Covid-19 đầu tiên có thể không sử dụng được.

Cuộc điều tra mới dự kiến sẽ được tiến hành sau khi xác nhận rằng thông tin về nguồn gốc SARS-CoV-2 dựa trên kết quả cuộc điều tra trước đây của WHO là không đủ.

Trước đó, sau khi WHO lên kêu gọi chính phủ các nước, bao gồm Trung Quốc, hợp tác để đẩy nhanh các nghiên cứu điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối và cho rằng việc kêu gọi cung cấp thêm dữ liệu đang được thúc đẩy bởi động cơ chính trị thay vì nghiên cứu khoa học.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc, kế hoạch điều tra giai đoạn 2 của WHO đã không dựa trên báo cáo nghiên cứu chung giữa Trung Quốc và WHO, không tiếp thu các kết luận và khuyến nghị khoa học đưa ra trong báo cáo, do vậy vấp phải sự nghi ngờ và phản đối của các quốc gia thành viên như Trung Quốc.

Ông Từ Kiến Quốc, Viện sĩ Viện Công trình, Giám đốc Phòng thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia về Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc, cũng bác bỏ giả thuyết dịch Covid-19 do cố ý hay sự cố gây nên. Ông Từ khẳng định đây là một bệnh truyền nhiễm xảy ra tự nhiên.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 27/9 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 232 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 4,7 triệu ca tử vong. Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. 

Xem thêm >> Quan hệ Canada-Trung Quốc sẽ ra sao sau khi ‘công chúa Huawei’ được phóng thích?

Tin mới lên