Diễn đàn VNF

‘Nới room tín dụng, dòng tiền chưa chắc chảy thẳng vào thị trường chứng khoán’

(VNF) - Các chuyên gia cho rằng việc ngân hàng được nới room tín dụng lớn hơn không có nghĩa là dòng tiền sẽ chạy thẳng vào thị trường chứng khoán mà sẽ chảy vào hoạt động sản xuất.

‘Nới room tín dụng, dòng tiền chưa chắc chảy thẳng vào thị trường chứng khoán’

Bà Đinh Thị Tố Uyên và ông Trần Minh Tuấn tại Talkshow Phố Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng bị định giá thấp bất chấp triển vọng tăng trưởng trong nửa cuối năm

Tại talkshow Phố Tài chính, các chuyên gia đánh giá nhóm ngành ngân hàng sẽ có sự bứt phá trở lại trong 6 tháng cuối năm khi kết quả kinh doanh của nửa đầu năm vẫn rất khả quan.

Theo ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Smart Invest (AAS), dự kiến vào giữa tháng 7 tới, ngành ngân hàng sẽ có một đợt “mở van tín dụng”, đưa tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt mức 14% như mục tiêu đã đề ra.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước dự kiến có đánh giá lại và thường sẽ có đợt nới room tín dụng vào tháng 10 cho một số ngân hàng đạt được những tiêu chí do Ngân hàng Nhà nước để ra. Mức nới room tín dụng có thể rất lớn, theo tiết lộ của ông Tuấn. Chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trong năm 2021 đã được nới room tín dụng lên mức trên 20%.

“Dư địa tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới của ngành ngân hàng là rất lớn”, ông Trần Minh Tuấn đánh giá.

Khi dư địa tăng trưởng lớn như vậy, ông Tuấn cho rằng tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm sẽ hứa hẹn đạt mức rất tốt.

Trước bức tranh sáng về ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm thì mức định giá trên sàn chứng khoán của các cổ phiếu ngân hàng đang chưa phản ánh đúng triển vọng. Cụ thể, giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã giảm 30-40% so với mức đỉnh của giai đoạn trước. Chỉ số P/E chung của ngành đang ở mức khoảng 10-11 lần và chỉ số P/B nằm ở mức 1,5 lần giá trị sổ sách của ngành ngân hàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại talkshow, đây là mức hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư để nghiên cứu và xem xét những ngân hàng có năng lực tăng trưởng tốt để đầu tư dài hạn.

Tuy nhiên, bà Đinh Thị Tố Uyên, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cho rằng điều này không có nghĩa là đầu tư vào ngân hàng nào cũng tốt. Bên cạnh các tiêu chí như khả năng tăng trưởng, mức độ phát triển một cách an toàn, bền vững, nhà đầu tư có thể xem xét thêm các tiêu chí như tỷ lệ nợ xấu, lạm phát hay một số chính sách của Nhà nước khi thay đổi cũng có thể khiến ngành ngân hàng gặp khó khăn.

Theo bà, tỷ lệ người dùng các dịch vụ ngân hàng còn đang thấp và làn sóng dịch chuyển từ việc sử dụng tiền mặt sang sử dụng các giao dịch ngân hàng và tài chính số là rất lớn, mở ra cơ hội cho các ngân hàng có khả năng bứt phá, đặc biệt là trong kênh số.

‘Nới room tín dụng, dòng tiền chưa chắc chảy vào thị trường chứng khoán’

Với kỳ vọng về việc “mở van tín dụng” trong giai đoạn nửa cuối năm 2022, việc này dự kiến sẽ giúp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, khi mở room tín dụng thì dòng tiền chưa chắc đã chảy thẳng vào thị trường chứng khoán mà sẽ chảy vào hoạt động sản xuất.

Bà Đinh Thị Tố Uyên cho biết, các ngân hàng sẽ xem xét và cấp vốn cho những doanh nghiệp thực sự phát triển bền vững. Việc được hỗ trợ về tín dụng khi có nhu cầu phát triển sẽ là lực đẩy cho doanh nghiệp, giúp hoạt động kinh doanh tốt lên. Từ đó, nguồn thu nhập của ngân hàng cũng sẽ đi lên, góp phần thúc đẩy tích cực hơn giá cổ phiếu ngành ngân hàng và sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, bà Uyên cũng cho rằng việc khơi thông dòng vốn sẽ tạo thêm công việc và thu nhập cho người dân, tạo ra độ tin tưởng nhất định cho toàn thị trường bao gồm cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Việc gia tăng sự tin tưởng của nhà đầu tư vào thị trường sẽ đồng thời tăng chi tiêu và mức đầu tư của họ, làm giảm đi tâm lý thận trọng và trú ẩn ở những kênh đầu tư an toàn ít sinh lời khác, tạo ra lực đẩy nhất định cho thị trường.

Đồng quan điểm, ông Trần Minh Tuấn cũng nhận định dòng vốn được khơi thông khi nới room tín dụng chưa chắc sẽ chảy thẳng vào thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn của ngân hàng dễ dàng hơn sẽ kích hoạt khả năng sản xuất kinh doanh và kỳ vọng đạt được tăng trưởng cao hơn.  

“Khi doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mà mức giá cổ phiếu của doanh nghiệp không tăng sẽ làm cho chỉ số P/E và P/B của toàn doanh nghiệp giảm xuống, qua đó kích thích dòng tiền nhàn rỗi”, Phó chủ tịch AAS cho biết.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, thị trường hiện đang có khoảng 1 triệu tỷ tài khoàn tiền gửi nhàn rỗi – một con số được đánh giá là cao kỷ lục từ trước đến nay.

Theo ông Trần Minh Tuấn, khi dòng tiền này được kích hoạt, cùng với việc Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất thì việc nới room tín dụng trong nửa cuối năm 2022 sẽ giúp tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp đạt mức lớn hơn, giá trị doanh nghiệp sẽ tăng lên trong giai đoạn nửa cuối năm.

Talk show Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính - chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính.
Tin mới lên