Tiêu điểm

Nóng trong tuần: ‘Đường lưỡi bò’ cài cắm trong nhiều sản phẩm, công bố danh tính 39 người Việt chết trong container

(VNF) - Bộ Công an công bố danh tính 39 người chết trong container tại Anh; Đường lưỡi bò cài cắm trong nhiều sản phẩm; Trong 9 người ‘đi nhờ’ chuyên cơ Quốc hội đã có thêm 1 người về Việt Nam; Kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh; Bộ Quốc phòng truy nã đặc biệt ông chủ khách sạn Bavico Đinh Tiến Sử… là những thông tin đáng chú ý nhất trong tuần qua.

Nóng trong tuần: ‘Đường lưỡi bò’ cài cắm trong nhiều sản phẩm, công bố danh tính 39 người Việt chết trong container

Tịch thu xe Volkswagen Touareg chứa 'đường lưỡi bò'

"Đường lưỡi bò" cài cắm trong nhiều sản phẩm

Thời gian gần đây, các sự vụ có liên quan đến đường lưỡi bò phi pháp liên tục được phát hiện khiến dư luận bức xúc.

Một trong những sự vụ gây xôn xao gần đây là bộ phim hoạt hình "Everest - Người tuyết bé nhỏ" có cài cắm hình ảnh đường lưỡi bò được chiếu rộng rãi tại các rạp của CGV.

Sự việc này được phát hiện vào hôm 13/10 và nhanh chóng trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận xã hội.

Sự việc thứ hai gây bức xúc trong dư luận là giáo trình của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ có in tấm bản đồ chứa đường lưỡi bò.

Tiếp đó là vụ xe ô tô Volkswagen và trên thiết bị điện mặt trời ở miền Nam được phát hiện có đường lưỡi bò.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 5/11, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng việc một số sản phẩm, ấn phẩm, phim ảnh, ô tô, phần mềm, sách giáo khoa… có hình ảnh đường lưỡi bò là việc ta “phải suy nghĩ”.

“Chúng ta phải khuyến cáo người dân khi dùng sản phẩm nước ngoài vì không thể để xảy ra việc phát tán những sản phẩm có ‘đường lưỡi bò’ tràn lan trên lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta phải cảnh giác cao độ.

“Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng để có giải pháp ứng phó kịp thời với những vấn đề này”, ông Dũng nói. (Xem thêm)

Danh tính 39 người Việt tử vong trong container được công bố

Bộ Công an và cảnh sát Anh thông tin chi tiết về tên tuổi, quê quán của 39 người chết trong container tại Anh vào tối 8/11.

Nghệ An là tỉnh có nhiều nạn nhân nhất với 21 người, Hà Tĩnh 10 người, Hải Phòng 3 người, Quảng Bình 3 người, Thừa Thiên Huế và Hải Dương mỗi tỉnh một người.

Cùng thời điểm Bộ Công an công bố danh sách này, cảnh sát Essex (Anh) cũng công bố thông tin. Theo cảnh sát Anh, có hai nạn nhân là thiếu niên (15 tuổi), một người quê Hải Phòng và một người quê Hà Tĩnh. Nạn nhân quê Hải Dương 17 tuổi. Có 8 nạn nhân là nữ, 31 nạn nhân là nam giới. (Xem thêm)

Vụ 9 người ‘đi nhờ’ chuyên cơ Quốc hội: Đã có thêm 1 người về Việt Nam

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/11, ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết đến nay, trong số 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc, đã có 3 công dân Việt Nam về nước.

Như vậy, số người trở về Việt Nam đã tăng thêm 1 người. Trước đó, thông tin từ các cơ quan hữu quan cho biết chỉ có 2 người về nước, 7 người vẫn trốn lại Hàn Quốc.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho hay đối với 6 người còn lại, Việt Nam đang phối hợp với phía Hàn Quốc để đưa về. Ông Ngọc nhấn mạnh nguyên tắc “có hành vi sai phạm sẽ xử lý theo luật”.

Vụ 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc đã làm nóng dư luận hạ tuần tháng 9/2019. Cho đến nay, nhà chức trách Việt Nam vẫn chưa công bố danh tính của 9 người này. (Xem thêm)

Kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

Ngày 4/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định về việc thi hành kỷ luật đối với ông Vũ Văn Ninh, nguyên Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Cụ thể, Thủ tướng quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Vũ Văn Ninh do có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác. 

Được biết, trên cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ (phụ trách lĩnh vực đổi mới doanh nghiệp từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2016), ông Vũ Văn Ninh đã ký các văn bản đồng ý cho giảm và thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần cảng Quy Nhơn; bán phần vốn nhà nước hiện có tại Công ty Cổ phần cảng Quảng Ninh.

Ông Ninh cũng đồng ý chủ trương để UBND tỉnh Khánh Hòa sau khi nhận chuyển giao Công ty Cổ phần cảng Nha Trang tiếp tục được thoái vốn nhà nước theo hướng nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối; đồng ý chủ trương cổ phần hóa Công ty mẹ-Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (doanh nghiệp này không thuộc đối tượng cổ phần hóa); đồng ý chủ trương cổ phần hóa 10 đoạn quản lý đường thủy nội địa, đây là các đơn vị sự nghiệp kinh tế chưa được quy định cổ phần hóa. (Xem thêm)

Bộ Quốc phòng truy nã đặc biệt ông chủ khách sạn Bavico Đinh Tiến Sử

Ngày 7/11, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã phát lệnh truy nã đặc biệt đối với bị can Đinh Tiến Sử, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Bạch Việt, kiêm Giám đốc khách sạn Bavico ở Nha Trang và Bavico Đà Lạt.

Theo quyết định truy nã của Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, bị can Đinh Tiến Sử đã trốn ngày 28/10/2019. Chỗ ở trước khi trốn là một nhà trên đường Cù Chính Lan, phường 13, quận Tân Bình, TP. HCM.

Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xác định ông Sử đã có hành vi gian dối trong việc bán căn hộ du lịch thuộc dự án khách sạn Bavico Đà Lạt và Bavico Nha Trang, đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) cho nhiều người dân, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

Khi bị Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố, tống đạt quyết định khởi tố thì bị can Sử không có mặt tại nơi làm việc, nơi cư trú và hiện không rõ bị can đang ở đâu. (Xem thêm)

Chủ tịch Hà Nội 'xin rút kinh nghiệm' sự cố nước sông Đà

Ngày 4/11, tại phiên giải trình của HĐND TP. Hà Nội về an toàn thực phẩm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã "thay mặt lãnh đạo thành phố, xin được rút kinh nghiệm sâu sắc trong vấn đề liên quan đến giải quyết sự cố nước sạch sông Đà".

Ông Chung cho rằng, để xảy ra sự cố trên có trách nhiệm của thành phố. Nhưng Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) phải chịu trách nhiệm trong việc giấu giếm sự việc.

"Viwasupco biết từ đầu và đã chỉ đạo công nhân cho rất nhiều clo vào để xử lý. Ngày 15/10, khi thành phố công khai kết quả xét nghiệm mẫu nước công ty vẫn chưa thừa nhận. Tôi cùng Phó chủ tịch UBND Nguyễn Thế Hùng phải gọi trực tiếp cho lãnh đạo công ty và các cổ đông chính, lúc đó họ mới thừa nhận những việc liên quan đến phát hiện (nguồn nước) nhiễm dầu", ông Chung nói.

Theo ông Chung, Viwasupco vận hành nhà máy nước mặt đầu tiên của thành phố nhưng được xây dựng ở tỉnh ngoài. Trong tất cả các nhà máy nước mặt và nước ngầm hiện nay của Hà Nội, duy nhất nhà máy nước sạch sông Đà không có hệ thống quan trắc tự động, lại khai thác chung nguồn nước thuỷ lợi từ hồ Đồng Bài, huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình.

Lãnh đạo Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của UBND tỉnh Hoà Bình trong việc yêu cầu Viwasupco không sử dụng chung nước Đầm Bài mà phải tách riêng hệ thống lấy nước từ sông Đà về nhà máy. Ông Chung cho rằng, Viwasupco dùng chung nước Đầm Bài để không phải xử lý bùn, giảm giá thành sản xuất.

Tin mới lên