Tài chính quốc tế

"Nữ hoàng livestream" Trung Quốc bị phạt gần 83.000 USD vì vi phạm luật quảng cáo

(VNF) - Nổi lên nhờ khả năng thu hút người xem và lập nhiều kỷ lục livestream, Vi Á còn từng bán cả tên lửa và lọt vào danh sách 500 người giàu nhất Trung Quốc.

"Nữ hoàng livestream" Trung Quốc bị phạt gần 83.000 USD vì vi phạm luật quảng cáo

"Nữ hoàng livestream" của Trung Quốc nhiều lần vướng nghi vấn bán hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng.

Tháng 5 vừa qua, cái tên Vi Á (Viya) thu hút nhiều sự chú ý sau khi lọt vào danh sách 500 người giàu nhất Trung Quốc do trang New Fortune công bố. Cô được mệnh danh là "nữ hoàng quảng cáo" trên mọi nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc và sở hữu khối tài sản trị giá 1,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, hôm 4/6, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã đưa tin công ty truyền thông văn hóa Qianxun (Khiêm Tầm) có liên quan tới "nữ hoàng livestream" bị phạt 82.921 USD vì vi phạm luật quảng cáo.

Cụ thể, công ty Khiên Tầm đã bị cơ quan giám sát của quận Tân Giang, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang phạt vì quảng cáo các thực phẩm và mỹ phẩm bất hợp pháp. Điều này khiến nhiều khách hàng lo lắng về chất lượng của các sản phẩm được bán trong quá trình livestream của Vi Á.

Theo cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Trung Quốc, công ty này thành lập tháng 9/2019 với người đại diện theo pháp luật là ông Đổng Hải Phong, chồng của Vi Á. Bản thân Vi Á cũng cho biết cô có hợp tác quảng cáo cho công ty này.

Đây không phải là lần đầu tiên Vi Á vướng phải cáo buộc bán hàng kém chất lượng hoặc chưa thông qua kiểm định. Với hơn 80 triệu người theo dõi trên nền tảng livestream Taobao, cô nhiều lần bị khách hàng của mình chỉ trích, phản ánh vì những sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Vi Á nổi tiếng với khả năng bán mọi thứ từ mì tôm cho tới tên lửa, thu hút hơn 80 triệu người theo dõi.

Trong tháng 5, Vi Á cũng từng bị cáo buộc bán hàng giả và sau đó đã đăng tải lời xin lỗi trên tài khoản Weibo. Tuy nhiên, "nữ hoàng livestream" giải thích rằng vụ việc là do "những tranh chấp về nhãn hiệu đăng ký và bản quyền" khiến người theo dõi khó lòng chấp nhận.

Có thể thấy, hiện nay các cơ quan công an cũng như cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc đang tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm ngăn chặn nạn buôn bán hàng giả trên các nền tảng phát trực tiếp.

Được biết, hồi tháng 11/2020, Cục Quản lý Thị trường Nhà nước Trung Quốc đã phát hành một thông báo về hướng dẫn và giám sát các hoạt động tiếp thị trực tuyến, đồng thời tuyên bố họ sẽ điều tra mọi hoạt động bán hàng bất hợp pháp các sản phẩm chất lượng thấp trên các nền tảng phổ biến.

Trước vụ việc của "nữ hoàng livestream" Vi Á, cảnh sát Thượng Hải từng công khai bắt giữ một người ngay khi đang livestream với hơn 1 triệu người theo dõi vì cáo buộc bán hàng giả, chưa qua kiểm định.

Xem thêm >> Thương vụ kỷ lục tại Hồng Kông: Một chỗ đậu xe được bán với giá 1,3 triệu USD

Tin mới lên