Thị trường

'Nữ tỷ phú tiềm năng' kiến nghị gì với Thủ tướng về phát triển hàng không?

(VNF) - Để phát triển thị trường hàng không Việt Nam và tạo cơ hội để các hãng bay tư nhân, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet đã đề xuất 5 giải pháp lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

'Nữ tỷ phú tiềm năng' kiến nghị gì với Thủ tướng về phát triển hàng không?

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo phát biểu tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp. Ảnh: Vietnamnet

Tại hội nghị đối thoại trực tuyến giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp mới đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietjet, cho hay, với sự đầu tư bài bản và kế hoạch phát triển bền vững, sau gần 5 năm cất cánh, thay đổi đã đến với ngành hàng không Việt Nam khi hàng triệu người dân lần đầu tiên được tiếp xúc với phương tiện di chuyển văn minh, được đi trên những máy bay mới, hiện đại.

Theo báo cáo tài chính của VietJet, doanh thu của hãng tăng 205% so với năm ngoái lên 10.900 tỷ đồng (khoảng 488 triệu USD). Thu nhập ròng cũng tăng gần 1.000 tỷ đồng trong năm. Hiện trong năm 2016, hãng hàng không tư nhân duy nhất Việt Nam dự kiến doanh thu tăng gấp đôi và đạt con số 15 triệu hành khách vận chuyển. 

Ngoài sự thành công trong lĩnh vực vận vận tải hàng không, thúc đẩy du lịch, Vietjet đặt ra các mục tiêu thu hút đầu tư tài chính nước ngoài thông qua các giao dịch máy bay, động cơ và các trang thiết bị kỹ thuật; thu hút sản xuất linh kiện máy bay và hàng không vào các khu công nghiệp ở Việt Nam; thu hút các hoạt động đầu tư nước ngoài vào các cơ sở bảo dưỡng kỹ thuật máy bay, học viện đào tạo tầm vóc quốc tế và khu vực.

Mục tiêu của hãng là trở thành hãng hàng không đa quốc gia, có mạng bay rộng khắp khu vực và thế giới, phát triển không chỉ dịch vụ hàng không mà còn là nhà cung cấp những nhu cầu tiêu dùng cho hành khách, là thương hiệu được khách hàng yêu thích và tự hào tin dùng.

VietJet đang có kế hoạch bổ sung thêm vào đội tàu bay mỗi năm vài chục chiếc máy bay và đưa tổng số máy bay lên 42 vào cuối năm nay. Hãng muốn sở hữu một đội bay gồm 100 máy bay vào năm 2020. VietJet cũng có kế hoạch mở rộng đường bay quốc tế đến nhiều thành phố ở Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc và Nhật Bản trong năm 2016.

Để phát triển thị trường hàng không Việt Nam và tạo cơ hội để các hãng bay tư nhân bứt phá hơn nữa, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã đề xuất 5 giải pháp lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Theo đó, Vietjet mong muốn được giải tỏa những rào cản và vướng mắc trong cơ chế độc quyền tự nhiên, còn nhiều định kiến và hạn chế đối với hàng không tư nhân, nhất là ở các cấp thừa hành thực thi. Đặc biệt, hãng mong nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp tháo gỡ các ách tắc trong cơ chế điều hành, cơ chế vận hành của các cơ quan liên quan phối hợp như cảng vụ, sân bay, hải quan, an ninh, xuất nhập cảnh, kiểm dịch,...

Vietjet cũng kiến nghị cần tháo gỡ những khó khăn liên quan đến dịch vụ mặt đất ở sân ba. Thời gian qua, toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động khai thác của hãng như nhà ga, hangar, dịch vụ mặt đất, sửa chữa bảo dưỡng tầu bay,... đều phải thuê sử dụng và phụ thuộc vào phương tiện của các đơn vị khác nên rất bị động. Do đó, Vietjet đề nghị cần sớm triển khai các nội dung tại văn bản kết luận chỉ đạo tại Công văn số 1024/TB-BGTVT ngày 8/12/2015 của Bộ Giao thông Vận tải.

Hãng cũng mong các cơ quan quản lý tạo điều kiện cho các hãng hàng không được tham gia quy hoạch hạ tầng sân bay, tham gia phối hợp trong các chương trình nâng cao năng lực quản lý bay. Bên cạnh đó, đề nghị xây dựng các cơ chế cho phép hàng không tư nhân được góp sức nhiều hơn vào việc cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay, các dự án đào tạo quốc gia; được tham gia vào chương trình cổ phần hóa, tư nhân hóa lĩnh vực hàng không và giao thông vận tải. 

Đồng thời, việc giải quyết nhanh, rõ ràng hơn thủ tục cho chuyên gia lao động nước ngoài cũng nằm trong đề xuất này.

Hãng bay tư nhân kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành hỗ trợ xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để hàng không tư nhân tự tin, mãnh mẽ bứt phá, làm nên những thành công chung, những thay đổi tích cực cho hàng không Việt Nam và khu vực, đóng góp cho ngân sách, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, cộng đồng.

Hiện tại, ở đường bay nội địa có 3 hãng hàng không Việt Nam chính đang hoạt động là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air. Mới đây nhất, một tên tuổi mới là Vietstar Airlines cũng tuyên bố xin được giấy phép bay thường xuyên và sẽ tham gia vào thị trường này.

Trước khi đề xuất sắp xếp chuyển đổi Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) sang hình thức Công ty cổ phần Hàng không VASCO trong năm 2016, Vietnam Airlines cũng sở hữu một hãng hàng không giá rẻ là Jetstar Pacific. Jestar Pacific là liên doanh giữa Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas, trong đó, Vietnam Airlines nắm giữ tới 66,93% cổ phần.

Như vậy VietJet Air có thể phải cạnh tranh với 3 hãng hàng không cùng chung một đơn vị chi phối là Vietnam Airlines. Trong đó, Jestar Pacific lại cùng cạnh tranh miếng bánh thị phần hàng không giá rẻ với VietJet Air.

Tuy nhiên theo nhận định của Trung tâm Hàng không Châu Á - Thái Bình Dương (CAPA), VietJet có thể sẽ vượt hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) để trở thành hãng hàng không lớn nhất Việt Nam. Nếu IPO thành công, VietJet sẽ nhiều có tiềm năng hiện thực hóa tham vọng trở thành hãng hàng không toàn cầu.

Theo Bloomberg, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành hãng hàng không VietJet có thể trở thành nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam và  tỷ phú tự thân đầu tiên ở Đông Nam Á với số tài sản ròng vượt 1 tỷ USD nhờ sự kiện IPO đang lên kế hoạch của hãng.

Bà Thảo cho biết, cụ thể các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ tuỳ thuộc vào diễn biến thị trường trong nước và quốc tế nhưng Vietjet mong muốn sẽ tiến hành IPO vào quý II/2016.

Mặc dù đại diện hãng hàng không tư nhân này chưa đưa ra số vốn huy động cụ thể, tuy nhiên, VietJet dự kiến sẽ bán khoảng 30% vốn – mức giới hạn sở hữu cao nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài trong ngành hàng không. 

Theo đánh giá của tờ Bloomberg, với sự kiện IPO này, VietJet có thể được định giá tới hơn 1 tỷ USD. Khi đó giá trị vốn hóa của VietJet còn lớn hơn cả hãng hàng không Asiana Airlines của Hàn Quốc hay Finnair Oyj của Phần Lan. 

Tin mới lên