Tài chính quốc tế

Nửa tháng chìm trong khói lửa, Ukraine thiệt hại ít nhất 100 tỷ USD

(VNF) - Giới chức Ukraine cho biết nước này đã phải chịu thiệt hại ít nhất 100 tỷ USD vì chiến dịch quân sự của Nga. Nguồn tiền để tái thiết Ukraine có thể được lấy từ tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga và các tài phiệt Nga đang bị phong tỏa ở nước ngoài.

Nửa tháng chìm trong khói lửa, Ukraine thiệt hại ít nhất 100 tỷ USD

Giới chức Ukraine cho biết nước này đã phải chịu thiệt hại ít nhất 100 tỷ USD vì chiến dịch quân sự của Nga.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Viện Kinh tế quốc tế Peterson ngày 10/3, ông Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết theo tính toán sơ bộ, Ukraine đã thiệt hại ít nhất 100 tỷ USD do hạ tầng cơ sở, đường sá, nhà ở, bệnh viện bị phá hủy khi giao tranh với Nga trong 2 tuần qua.

Cũng theo ông Ustenko, cuộc xung đột đã khiến 50% doanh nghiệp Ukraine phải ngừng hoạt động, trong khi nửa còn lại không thể vận hành 100% công suất.

"Tình hình tăng trưởng kinh tế rất đáng lo ngại kể cả chiến sự chấm dứt ngay lập tức", ông Ustenko nhấn mạnh thêm.

Cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết dự trữ tài chính của Ukraine hiện còn khoảng 27,5 tỷ USD, giảm so với gần 30 tỷ USD trước cuộc xung đột.

Đề cập tới nguồn tiền để tái thiết các cơ sở hạ tầng bị thiệt hại, ông Ustenko cho hay một phần có thể được lấy từ các tài sản Nga đang bị đóng băng khắp thế giới theo lệnh trừng phạt của phương Tây, bao gồm tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài hay tài sản bị tịch thu của các tài phiệt Nga.

Cũng trong ngày 10/3, Tổng thống Ukraine Zelensky đã ký luật tịch thu cưỡng chế những tài sản thuộc về Nga và của người dân Nga tại Ukraine. Ông Zelensky cũng cho biết sẽ thực thi mọi biện pháp để tịch thu tài sản của các "nhà tuyên truyền Nga".

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phương Tây đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và thực thể Nga trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, văn hoá đến truyền thông của nước này.

Chí tính riêng từ ngày 22/2, sau khi Nga công nhận độc lập hai nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine rồi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nước này đã trở thành mục tiêu của 2.778 lệnh trừng phạt mới do Mỹ và các đồng minh châu Âu khởi xướng.

Khoảng 90% lệnh trừng phạt cho đến nay nhắm vào các cá nhân, chủ yếu là các chính trị gia, bao gồm cả Tống thống Nga Vladimir Putin và các quan chức chính phủ hàng đầu của Nga, cũng như các nhà tài phiệt và gia đình của họ. 10% còn lại nhắm tới các thực thể, thường là các tập đoàn lớn hoặc cơ quan chính phủ, khu liên hợp công nghiệp, quân sự…

Điện Kremlin đã lên án các lệnh trừng phạt này và gọi đây là “cuộc chiến kinh tế chưa từng có” do phương Tây tiến hành nhằm vào Nga.

Xem thêm >> Sau 3 lần đàm phán, Nga và Ukraine vẫn không đạt được thỏa thuận ngừng bắn

Tin mới lên