Diễn đàn VNF

‘Nước ngoài chỉ lobby luật với vài trăm nghị sĩ, ta phải lobby cả trên và dưới luật với hàng vạn người’

(VNF) – Luật sư Trương Thanh Đức đã nhận xét khi vậy về tình trạng vận động chính sách công (lobby chính sách) tại Việt Nam hiện nay.

‘Nước ngoài chỉ lobby luật với vài trăm nghị sĩ, ta phải lobby cả trên và dưới luật với hàng vạn người’

Luật sư Trương Thanh Đức

Mới đây, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo khoa học “Kinh nghiệm quốc tế về vận động chính sách và giá trị tham khảo cho Việt Nam”.

Bên lề hội thảo này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO:

- Ông đánh giá thực trạng lobby chính sách ở Việt Nam hiện nay thế nào?

LS Trương Thanh Đức: Ở Việt Nam, lobby chính sách là điều diễn ra một cách phổ biến, sôi động, quyết liệt và đa dạng nhưng cũng mập mờ và không rõ là hợp pháp hay bất hợp pháp, vì chưa có quy định chính thức rõ ràng về việc này.

Nguyên nghĩa của lobby không phải là việc gì sai trái, xấu xa, mà đơn giản đó chỉ là việc vận động chính sách, nhưng đối với chúng ta hiện nay, dường như đang bị coi là vấn đề nhạy cảm, thậm chí là kiêng kỵ, giống như việc vận động tranh cử.

Tất nhiên, ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã có những quy định về các hành vi riêng lẻ mà thực chất là một dạng nào đó của quá trình lobby chính sách, ví dụ quy định về phản biện xã hội trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay quy định về lấy ý kiến của đối tượng bị tác động trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trên thực tế, việc phản biện, đóng góp ý kiến của hàng trăm tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp đối với các văn bản quy phạm pháp luật là một dạng lobby chính sách, bởi có sự vận động nhằm tác động đến người ban hành chính sách để đạt đến những lợi ích nhất định. Trong đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có thể xem là trường hợp điển hình và thành công nhất trong việc lobby chính sách một cách công khai, minh bạch cho cộng đồng doanh nghiệp.

- Vậy thì tại sao Việt Nam lại chưa có đạo luật riêng về lobby chính sách như các nước trên thế giới?

Ý tưởng về một đạo luật như vậy đã có từ gần 10 năm trước nhưng tất cả chỉ dừng lại ở việc bàn bạc, tìm hiểu, nghiên cứu thêm chứ chưa có đề xuất chính thức lên Chính phủ hay Quốc hội.

Đây là một điều bất cập, bởi Việt Nam hiện đã hội nhập rất sâu rộng và hầu hết chính sách của ta đều tương đồng với thế giới. Xét về bản chất, hầu hết các chính sách đều là sự thỏa hiệp về lợi ích giữa các bên liên quan, nên cần thiết có luật về vận động chính sách để sự thỏa hiệp này diễn ra một cách đúng đắn, công bằng, hợp lý.

Việt Nam lại càng cần thiết phải có luật như vậy, vì cơ quan làm luật (tức Quốc hội) chưa chuyên nghiệp, còn nhiều hạn chế, các đại biểu nhiều khi thiếu thông tin, thiếu hiểu biết chuyên sâu về các lĩnh vực xây dựng luật. Nếu có luật về lobby chính sách, việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng, đầy đủ, toàn diện và kịp thời hơn, những hạn chế này có thể được khắc phục một cách tương đối hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc xây dựng một đạo luật sẽ giúp ngăn chặn hành vi tiêu cực theo kiểu “đi đêm” đang diễn ra hiện nay mà nhiều khi không rõ ranh giới nên hay không nên, được hay không được, có hay không có vi phạm đối với tất cả các bên liên quan.

Nghị sĩ nước ngoài nhận 1 đồng quà cũng phải công khai, minh bạch và luật quy định không được nhận quá giá trị cho phép, còn ở ta do chưa có luật phân biệt giữa nhận quà biếu với nhận hối lộ hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí nhiều tỷ đồng. Tình trạng này dẫn tới nguy cơ các nhóm lợi ích cố tình và vô tình lũng đoạn chính sách.

- Theo ông, nếu Việt Nam làm luật về lobby chính sách, cần phải lưu ý những vấn đề gì?

Nguyên tắc cơ bản của luật lobby là phải nêu rõ người lobby cũng như người làm chính sách được làm gì và không được làm gì.

Bên cạnh đó, phải tạo hành lang cho những hoạt động lobby chuyên nghiệp và người làm lobby chính sách chuyên nghiệp, ví dụ đăng kí hoạt động như đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Điều khác biệt của Việt Nam với nước ngoài là nếu nước ngoài chỉ lobby luật, bám lấy vài trăm nghị sĩ thì Việt Nam phải lobby cả trên và dưới luật, phải bám lấy hàng vạn người liên quan đến việc ban hành chính sách.

Thậm chí, ở Việt Nam không chỉ lobby các nghị sĩ là nhà làm luật, mà còn phải lobby cả từ vòng ngoài cho đến vòng trong, cả người gián tiếp lẫn người trực tiếp tham gia các khâu chỉ đạo, khởi thảo, soạn thảo, biên tập, thẩm định, chỉnh sửa, hoàn thiện, thông qua, ban hành chính sách.

Vì rất nhiều khâu tưởng là vai phụ nhưng lại đóng vai trờ quan trọng, thậm chí quyết định, nên độ khó của việc lobby rất cao. Nhưng nếu không có quy định rõ ràng thì đôi khi cái tưởng chừng rất khó lại rất dễ dàng đạt được.

- Ông có góp ý gì với việc xây dựng đạo luật về lobby chính sách?

Nhìn chung, các chuyên gia tham gia hội thảo nói trên đều thừa nhận lobby là một hoạt động cần thiết, một xu thế tất yếu và cần có quy định điều chỉnh. Nhưng vấn đề là cần phải bắt tay ngay vào việc xây dựng luật thì mới có thể hy vọng dăm ba năm nữa luật được ban hành. Còn nếu cứ vẫn dừng lại ở việc nghiên cứu mà không đề xuất chính thức tới Chính phủ và Quốc hội thì không biết bao giờ mới trở thành hiện thực.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tin mới lên