Thị trường

Nước ngoài thống trị 99% thị trường vận tải biển Việt Nam

(VNF) - Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong khâu vận tải hàng hóa. Trong khi quy mô các hãng tàu biển Việt Nam còn hạn chế, các hãng tàu biển nước ngoài đã lợi dụng ép giá, tăng phí và phụ phí.

Nước ngoài thống trị 99% thị trường vận tải biển Việt Nam

Hội nghị Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu và Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam.

Tại Hội nghị "Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu và Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam", ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho rằng hiện nay, các đội tàu lớn của nước ngoài thống trị 99% thị trường vận tải biển Việt Nam. Trong những năm qua, các hãng tàu nước ngoài bắt tay nhau liên tục tăng cước phí, không chỉ cước phí mà tăng cả phụ phí, gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Cũng theo ông Trần Đức Minh, trong khi giá xăng dầu thế giới liên tục giảm sâu thì giá cước vận tải biển vẫn không giảm, ngoài cước phí thì các khoản phụ phí như phí chờ kho đợi chủ hàng đến nhận, phí container, phí bốc xếp hàng hóa, phí tránh bão cho thủy thủ đoàn... liên tục tăng.

Đơn cử, phí vận chuyển hàng thủy hải sản tăng 30% trong thời gian qua. Với lượng hàng 200 container thì doanh nghiệp phải chi trả số tiền lên đến 4 tỷ đồng cho cước phí và nhiều loại phụ phí khác

Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 30 doanh nghiệp tàu biển nước ngoài hoạt động. Tình trạng các công ty tàu biển nước ngoài khống chế thị trường vận tải biển đã diễn ra trong thời gian dài, trong khi đó tiếng nói của doanh nghiệp Việt Nam là không đủ.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bà Đặng Phương Dung cho biết đa số các chủ hàng Việt Nam là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Các doanh nghiệp của chúng ta đang vật lộn với những vấn đề như tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tăng quản lý giảm giá thành, tăng cường chất lượng. Lâu nay các chủ hàng chưa quan tâm chú ý đến vấn đề cước phí vận tải, chỉ đến khi kéo dài một thời gian khi mà các cước phí, phụ phí vận tải tăng lên một cách chóng mặt thì lúc đấy các doanh nghiệp mới bắt đầu tìm đến các Hiệp hội ngành hàng của mình để tham khảo ý kiến, để có tiếng kêu phản ánh với các cơ quan nhà nước", bà nói.

Tuy nhiên, bà Đặng Phương Dung cũng cho rằng hiện nay các doanh nghiệp của chúng ta chưa biết liên kết với nhau. Trong khi đó các Hiệp hội có thể giúp chúng ta, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết đến sự hiện diện của Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam. Lý do là những hoạt động của Hiệp hội Chủ hàng thời gian qua chưa nổi bật và chưa đủ tầm để thu hút doanh nghiệp tham gia.

Đóng góp giải pháp nâng cao vai trò, hiệu quả trong hoạt động của Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, ông Phạm Đình Vũ, Phó Chánh Văn phòng Phụ trách Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam thuộc VCCI cho rằng cần phải nâng cao trách nhiệm của các hội viên, tham gia vào các hoạt động do Hiệp hội khởi xướng.

"Về phía Hiệp hội cũng cần tổ chức nhiều hơn các hoạt động, các chương trình đào tạo kiến thức cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Công thương cũng cần phải coi trọng vai trò của Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, cái nào Hiệp hội làm được thì nhà nước giao nhiệm vụ cho Hiệp hội làm", ông Vũ nói.

Tin mới lên