Công nghệ

'Ồ ạt' ra mắt, mạng xã hội Việt Nam liệu có đủ sức cạnh tranh với Facebook, Youtube?

(VNF) - Mạng xã hội “Make in Vietnam” không còn là khái niệm mới. Tuy nhiên, việc ra mắt rồi nhanh chóng "lụi tàn" khiến cho nhiều người dùng trong nước tỏ ra hoài nghi về khả năng cạnh tranh với các tên tuổi mạng xã hội lớn trên thế giới như Facebook, Youtube hay Google.

'Ồ ạt' ra mắt, mạng xã hội Việt Nam liệu có đủ sức cạnh tranh với Facebook, Youtube?

Mạng xã hội Việt sẽ gặp khó nếu lựa chọn đối đầu với Facebook hay Youtube

3 tháng, 3 mạng xã hội Việt mắt

Chỉ trong 3 tháng gần đây nhất đã có tới 3 mạng xã hội “make in VietNam” được ra mắt, đi kèm với đó là những sự cam kết cũng như tài trợ từ các quỹ, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cụ thể, vào tháng 6/2019, một mạng xã hội được cho là “make in Vietnam” đầu tiên do chính người Việt phát triển, dựa trên nền tảng tích hợp mạng xã hội, dịch vụ du lịch trực tuyến và thương mại điện tử được ra mắt tại TP. HCM mang tên Hahalolo.

Tương tự các mạng xã hội lớn hiện nay, Hahalolo có đầy đủ các chức năng cơ bản cho phép người dùng có thể dễ dàng kết bạn, giao lưu và trò chuyện trực tuyến mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Người dùng Hahalolo có thể tương tác với nhau thông qua những tính năng đăng bài, bình luận, chia sẻ, bộc lộ cảm xúc. Nhờ đó, người dùng kết nối thêm được nhiều bạn bè, nắm bắt được nhiều thông tin, xu hướng mới lạ, bổ ích.

Hahalolo còn tích hợp mô hình dịch vụ du lịch trực tuyến và thương mại điện tử (E-Commerce) giúp nó trở thành cầu nối trung gian giữa những người đam mê du lịch với nhau, giữa những đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, lữ hành, các nhà bán lẻ... với khách hàng.

Một mạng xã hội khác cũng mới được ra mắt vào hồi tháng 7 vừa qua chính là Gapo. Đây là mạng xã hội của Công ty Cổ phần công nghệ Gapo (Gapo Technology).

Tại buổi họp báo ra mắt Gapo, công ty cũng chính thức nhận được cam kết đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Capital. Khoản đầu tư đầu tiên này dự kiến được sử dụng trong giai đoạn 1 của dự án, mục tiêu đạt 50 triệu người dùng sau 2 năm ra mắt.

Trong khi Hahalolo có cấu trúc gồm mạng xã hội, thương mại điện tử và du lịch tích hợp lại với nhau trên nền tảng một website, Gapo lại “thuần” tính chất mạng xã hội hơn theo mô hình gần với Facebook. Gapo có các chức năng cơ bản như các mạng xã hội khác, cho phép người dùng kết bạn, giao lưu và trò chuyện trực tuyến. Người dùng Gapo có thể tương tác với nhau thông qua những tính năng đăng bài, bình luận, chia sẻ, bộc lộ cảm xúc.

Theo chia sẻ mới đây nhất của ông Hà Trung Kiên, Tổng giám đốc, đồng sáng lập mạng xã hội Gapo, đến thời điểm hiện tại mạng xã hội này đã có hơn 1 triệu người dùng và các con số tăng trưởng hàng ngày.

Sau Hahalolo và Gapo, mạng xã hội tiếp theo vừa được giới thiệu chính là Lotus. Dự án mạng xã hội Lotus được thành lập, đầu tư và triển khai bởi VCCorp, với sự tham gia vốn của các doanh nghiệp và cá nhân trong nước.

Dự án đã huy động được hơn 700 tỷ từ VCCorp và một số nhà đầu tư trong nước. VCCorp dự kiến tiếp tục kêu gọi thêm 500 tỷ trong giai đoạn đầu để sẵn sàng lực lượng cho việc phát triển lâu dài.

Đại diện VCCorp khẳng định Lotus là một mạng xã hội đi theo hướng khác biệt, lấy nội dung làm trọng tâm, tạo nên một nền tảng hỗ trợ các nhà sản xuất nội dung và các cá nhân thỏa sức sáng tạo để có được các nội dung chất lượng hơn phục vụ người sử dụng". Đặc biệt, đây là mạng xã hội xoay quanh nội dung do người Việt phát triển và làm chủ.

Mạng xã hội Việt nên đối đầu hay lách qua "người khổng lồ"?

Dù mỗi mạng xã hội Việt đều có chiến lực phát triển riêng, tuy nhiên khó khăn chung vẫn là chiếc bóng từ các "gã khổng lồ" Facebook, Youtube hay Google. Do đó, việc cạnh tranh trực tiếp với những mạng xã hội này là điều dường như không thể nếu các mạng xã hội Việt muốn phát triển.

Đánh giá về vấn đề này, nhà báo chuyên về công nghệ Phạm Hồng Phước cho rằng hướng đi của mạng xã hội Việt nên lách vào thị trường ngách, có nghĩa là không đối đầu với Facebook mà cung cấp các dịch vụ, tính năng mà mạng xã hội toàn cầu khó có thể vươn tới.

Bản thân mạng xã hội Gapo vừa ra mắt cũng xác định không có ý cạnh tranh với Facebook hay bất kỳ mạng xã hội nào khác mà chỉ cung cấp thêm sự lựa chọn cho người dùng.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, để thành công, các mạng xã hội phải tìm được một mẫu số chung, đó là những nhu cầu cơ bản của con người, bất kể quốc gia, tuổi tác, giới tính hay nghề nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đặc điểm của văn hóa là không thể bắt chước, chỉ có ai thực sự sinh ra, lớn lên ở một vùng đất mới có thể hiểu được văn hóa của địa phương đó. Do mang màu sắc văn hóa, nhóm nhỏ, những “ông lớn” mạng xã hội toàn cầu rất khó giải bài toán này. Đây chính là cơ hội của các mạng xã hội Việt Nam. 

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết các nền tảng mạng xã hội Việt Nam hiện có tổng cộng khoảng 65 triệu người dùng. Tốc độ tăng trưởng của các mạng xã hội Việt là tương đối tốt. Từ giờ đến cuối năm, sẽ có thêm sự xuất hiện thêm nhiều mạng xã hội Việt Nam. 

"Các mạng xã hội mới nên để cho người chơi tự quyết định luật chơi của mình. Nếu tồn tại một mạng xã hội tạo ra sự khác biệt hoặc đi ngược hướng Facebook, với tư duy chia sẻ doanh thu, cùng thiết lập cuộc chơi (thuật toán mở), tôn trọng luật pháp nước sở tại, bên cạnh đó mang được yếu tố bản địa hóa, mạng xã hội này sẽ thay đổi thế giới, làm cho xã hội văn minh hơn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Có thể thấy, xây dựng và phát triển mạng xã hội của riêng Việt Nam không dừng lại ở mục tiêu đáp ứng nhu cầu thông tin, nhu cầu kết nối xã hội đơn thuần của người Việt, mà quan trọng hơn, đó còn là một chiến lược trên không gian mạng, xây dựng một mạng xã hội của người Việt, do người Việt phát triển và vì người Việt.

Tin mới lên