Xe

Ô tô bị cây đè bẹp, thiệt hại ai chịu trách nhiệm?

(VNF) - Cơn mưa lớn chiều ngày 3/3 khiến nhiều con phố tại Hà Nội ngập nặng, nhiều xe ô tô bị hư hỏng do cây xanh ngã đổ, đè bẹp. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi cây xanh “gây họa”?

Ô tô bị cây đè bẹp, thiệt hại ai chịu trách nhiệm?

Ô tô bị cây đè bẹp, thiệt hại ai chịu trách nhiệm?

Trao đổi với VietnamFinance, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, trước hết cần phải xem xét xem vị trí ô tô đỗ có vi phạm hay không. Ví dụ như vị trí chiếc xe có đỗ tại tuyến đường có biển báo cấm dừng đỗ, hoặc có đỗ trên vỉa hè hay không.

Cây cổ thụ bật gốc đổ trong trận mưa lớn, đè bẹp rúm ô tô ở Hà Nội chiều ngày 3/3

“Trong trường hợp nếu đỗ tại các vị trí kể trên, ngoài việc bị cây đè gây thiệt hại về tài sản, các chủ xe này còn bị xử lý về mặt tài chính vì vi phạm các quy định về an toàn giao thông”, luật sư Ứng cho biết.

“Trong trường hợp xe đỗ đúng nơi quy định nhưng vẫn bị cây đè trúng thì chúng ta cũng cần phải xem xét tới nhiều nguyên nhân khách quan khác”, luật sư Ứng nói.

Theo luật sư Ứng: "Nếu cây xanh tự dưng bị bật gốc, tức cây do bị sâu ăn, thối rễ, không được chăm sóc chu đáo, thì chủ cây xanh phải bồi thường nếu cây xanh đó do họ quản lý. Chủ cây cũng có thể thuộc về các chủ đầu tư nếu cây nằm trong các khu dân cư mà chủ đầu tư chưa bàn giao dự án lại cho nhà nước quản lý".

"Tuy nhiên, cần lưu ý trong một số trường hợp, dù thiệt hại có xảy ra nhưng nạn nhân sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 2, điều 584, BLDS 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác".

Theo khoản 1 Điều 156 BLDS 2015: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

“Để xác định trường hợp cây xanh gãy đổ do mưa bão gây thiệt hại có phải là trường hợp bất khả kháng hay không, cần phải xác định xem cơ quan có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa (như có biện pháp cắt tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ…). Nếu họ đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng”, luật sư Ứng cho hay.

Còn đối với những trường hợp bị thiệt hại vật chất của chủ tài sản hay thiệt hại về tính mạng, sức khỏe có tham gia bảo hiểm, người đó sẽ được có thể được công ty bảo hiểm bồi thường khi có thiệt hại.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật kinh doanh bảo hiểm có quy định về hợp đồng bảo hiểm như sau: "Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm."

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, việc chịu trách nhiệm bồi thường và mức giá trị bồi thường cho chủ xe cơ giới phải thực hiện theo đúng quy định trong hợp đồng bảo hiểm đã được thỏa thuận và ký kết giữa chủ xe cơ giới và công ty bảo hiểm trước khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Theo luật sư Ứng, nếu trong hợp đồng bảo hiểm thiệt hại vật chất xe hai bên ký kết có thỏa thuận sự kiện xe bị hư hại do thiên tai là cơ sở để được bồi thường và không thuộc vào các trường hợp loại trừ bảo hiểm thì công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường khi sự kiện đó xảy ra.

Xem thêm: Hà Nội: Hàng loạt cây xanh bị ‘quật đổ’ sau bão số 3

Tin mới lên