Xe

Ô tô tuần qua: Tổng cục Thuế yêu cầu Grab giải trình việc tăng giá cước, Vinbus 'bắt tay' Avantech

(VNF) - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ra khuyến cáo sau vụ việc khách hàng tố Hyundai Accent bị lỗi trục lái, Tổng cục Thuế yêu cầu Grab giải trình, Vinbus hợp tác với Avantech là những thông tin đáng chú ý trong tuần.

Vinbus “bắt tay” hợp tác với Avantech

Mới đây, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus (VinBus) và Công ty TNHH Advantech Việt Nam Technology (Advantech VN) đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược phát triển hệ thống quản lý điều hành xe buýt thông minh.

Theo thỏa thuận hợp tác, VinBus và Advantech Việt Nam sẽ cùng nghiên cứu, hợp tác kinh doanh và hỗ trợ nhau nền tảng công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật. Các giải pháp được tập trung phát triển là: camera AI giám sát hành vi lái xe, wifi cho hành khách, thiết bị giám sát hành trình, giám sát an ninh trong xe, phần mềm quản lý thông tin đội xe...

Theo đó, hệ thống giám sát thông minh trên xe sẽ lập tức cảnh báo trong trường hợp tài xế mất tập trung, buồn ngủ, mệt mỏi... Thái độ phục vụ, tốc độ và lịch trình di chuyển cũng được kiểm soát tối đa nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ ở mức tốt nhất. Ngoài ra, tính năng kết nối wifi miễn phí, hệ thống màn hình thông tin giải trí… và các dịch vụ tiện ích trên xe sẽ mang đến những giây phút thư giãn cho hành khách trong suốt thời gian di chuyển.

Xem chi tiết tại đây.

Vụ Hyundai Accent lỗi trục lái: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ra khuyến cáo

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương đã nhận được báo cáo của Công ty Cổ phần Hyundai Thành Công Việt Nam (Công ty) về chính sách sửa chữa cho người tiêu dùng xe ô tô Hyundai Accent và Hyundai Grand i10 gặp phải hiện tượng có tiếng lục cục ở cột lái khi đi vào đường xóc.

Cụ thể, đối với các khách hàng còn trong thời hạn bảo hành và tuân thủ đúng chính sách bảo hành, các đại lý ủy quyền của công ty vẫn tiến hành sửa chữa theo chính sách bảo hành.

Đối với các khách hàng còn thời hạn bảo hành nhưng không tuân thủ chính sách bảo hành (không thực hiện bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất) hoặc trường hợp đã hết thời hạn bảo hành, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết ngày 26/8/2020, Công ty Cổ phần Hyundai Thành Công Việt Nam đã ban hành công văn số 33 về việc hỗ trợ khách hàng xử lý tiếng kêu cột lái trên xe Hyundai Accent và Grand i10.

Theo đó, công ty đã hướng dẫn các đại lý ủy quyền thay thế trục vít miễn phí 100% cho các xe còn thời hạn bảo hành nhưng khách hàng không thực hiện đúng và đầy đủ các kỳ bảo dưỡng. Công ty cũng hỗ trợ miễn phí phụ tùng (khách hàng chỉ trả chi phí nhân công thay thế cho đại lý) cho các xe đã hết thời hạn bảo hành.

Đến ngày 12/11/2020, công ty tiếp tục ban hành công văn số 47 cập nhật chính sách và hướng dẫn đại lý ủy quyền về việc tiếp nhận và xử lý tiếng kêu cột lái.

"Tại thời điểm hiện nay, người tiêu dùng sử dụng xe Hyundai Accent và Hyundai Grand i10 gặp hiện tượng nêu trên, khi đem xe đến đại lý ủy quyền của công ty đều được áp dụng chính sách sửa chữa miễn phí (cả về phụ tùng và nhân công) mà không cần xét đến điều kiện bảo hành (bao gồm cả các xe còn thời hạn bảo hành nhưng không thực hiện đúng và đầy đủ các kỳ bảo dưỡng và các xe đã hết thời hạn bảo hành)", công văn nêu rõ. 

Xem thêm chi tiết tại đây.

Grab tăng cước - phí lên tài xế lái xe, Tổng cục Thuế vào cuộc 

Theo văn bản của Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và cá nhân, Tổng cục Thuế khẳng định theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân (bao gồm cả lĩnh vực taxi công nghệ) phải có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng (VAT) và xuất hóa đơn trên toàn bộ doanh thu theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức.

Tổng cục Thuế khẳng định trách nhiệm của Grab trong việc phải thực hiện khai thuế VAT được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải, không phải là hoạt động kinh doanh công nghệ.

Theo Tổng cục Thuế, Nghị định 126 của Chính phủ là văn bản hướng dẫn về quản lý thuế nên chỉ quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế VAT, chính sách thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% như từ trước đến nay.

Vì vậy, các quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế (bởi các tài xế chỉ chịu Thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế giá trị gia tăng 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay).

Do đó, Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hướng đến người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế.

Cũng theo Tổng cục Thuế, trên thực tế, Grab giữ vai trò quyết định về giá vận tải, quyết định về các chính sách với khách hàng, chịu trách nhiệm giao dịch với khách hàng, do đó, Grab có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về pháp lý trong mọi lĩnh vực (bao gồm nghĩa vụ thuế) với cơ quan nhà nước, nghĩa vụ với khách hàng và các vấn đề liên quan đến tư pháp (nếu có) là đúng với bản chất hoạt động kinh tế phát sinh.

"Việc Grab thay đổi chính sách giá và tỷ lệ chiết khấu cho tài xế tại thời điểm 5/12 và cho rằng do tác động của Nghị định 126 dẫn đến tăng giá cước từ 8% đến 18% đối với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau, đồng thời giảm tỷ lệ chia cho tài xế 7% là không đúng", văn bản của Tổng cục Thuế nêu rõ.

Xem thêm chi tiết tại đây. 

Thị trường ô tô tháng 11 tăng trưởng mạnh sau Covid-19

Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 11/2020 đạt 36.359 xe, bao gồm 28.755 xe du lịch 7.122 xe thương mại và 482 xe chuyên dụng.

Trong đó, doanh số xe du lịch ghi nhận mức tăng trưởng 13%, xe chuyên dụng tăng 25% và xe thương mại giảm 5% so với tháng trước.

Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 23.509 xe, tăng 15% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 12.850 xe, tăng 0,7% so với tháng trước.

Cũng theo báo cáo này, VAMA cho biết tổng doanh số bán hàng tính đến hết tháng 11/2020 giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 13%, xe thương mại giảm 15% và xe chuyên dụng giảm 27% so với cùng kì năm ngoái.

Tính đến hết tháng 11/2020, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 7% trong khi xe nhập khẩu giảm 24% so với cùng kì năm ngoái.

Xem chi tiết tại đây. 

Xem thêm: 10 mẫu xe bán chạy nhất tháng 11/2020: Bán tải Ford Ranger bị loại

Tin mới lên