Xe

Ô tô tuần qua: VinFast sẽ bán ô tô tại Lào, Honda SH tăng giá bán thêm 300 nghìn đồng

(VNF) - VinFast sẽ bán ô tô tại Lào, Honda SH tăng giá bán thêm 300 nghìn đồng, xem xét gia hạn ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước là những thông tin đáng chú ý trong tuần.

VinFast sẽ bán ô tô tại Lào

Các mẫu ô tô VinFast bán tại thị trường Lào sẽ được Tập đoàn PhongSubthavy nhập khẩu từ Việt Nam và phân phối độc quyền.

Theo thảo thuận được ký kết bởi 2 bên, VinFast và Tập đoàn PhongSubthavy cam kết sẽ cùng nhau thảo luận, xem xét về khả năng Phongsubthavy trở thành nhà phân phối độc quyền các dòng sản phẩm ô tô VinFast tại thị trường Lào.

Phongsubthavy mong muốn triển khai một hệ thống đại lý phân phối xe VinFast tại Lào, nơi ô tô đã khá phổ cập, nhằm đa dạng hóa và tăng thêm lựa chọn cho người tiêu dùng.

VinFast cam kết nếu Phongsubthavy đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn về tài chính, nhân sự, doanh số bán hàng, triển vọng đầu tư…, Phongsubthavy sẽ trở thành đối tác ưu tiên của VinFast trong các hoạt động mở rộng kinh doanh tại thị trường Lào.

Xem chi tiết tại đây. 

Honda Việt Nam tăng giá bán SH thêm 300 nghìn đồng

Kể từ ngày 1/7, các dòng xe máy phổ thông như Honda Wave, Vision, Air Balde, xe tay ga SH, xe côn tay Winner đồng loạt tăng giá bán từ 90 đến 300.000 đồng.

Lý giải về việc tang giá bán các mẫu xe trên, liên doanh Nhật Bản cho biết trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tới thị trường nguyên vật liệu, dẫn đến sự thay đổi giá bán các nguyên liệu đầu vào có tác động trực tiếp lên giá thành sản xuất.

Theo trang dữ liệu Motorcycles Data, sản lượng tiêu thụ xe máy sử dụng động cơ xăng đang có dấu hiệu “lao dốc” và các hãng xe bán chạy như Honda và Yamaha đang ghi nhận đà tăng trưởng bị chững lại.

Trong quý I/2021, doanh số bán hàng của “ông lớn” Honda tại Việt Nam chỉ đạt 532.546 xe, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với xu hướng hướng đến các mẫu xe thân thiện với môi trường, việc Honda Việt Nam tăng giá bán đối với các mẫu xe dùng động cơ đốt trong được xem là đi ngược lại với xu hướng của thị trường.

Xem xét gia hạn ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ô tô 

Mới đây, tỉnh uỷ Hải Dương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất ô tô.

Theo tỉnh ủy Hải Dương, ngành công nghiệp ô tô luôn là ngành mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP của các nước lớn trên thế giới. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp ô tô chiếm tới 3% GDP cả nước. Hiện nay, chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện cho sản xuất lắp ráp là một trong những ưu đãi đặc biệt và quan trọng nhất cho các nhà sản xuất ô tô. 

Trong bối cảnh Việt Nam đang dần mở cửa thị trường cho xe nhập khẩu nguyên chiếc từ nhiều quốc gia trên thế giới theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, việc tiếp tục gia hạn chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô là cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Trước kiến nghị trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xem xét đề xuất gia hạn ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ô tô của tỉnh Hải Dương.

Xem chi tiết tại đây. 

Đâu là nút thắt "cổ chai" của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, hiện tại quy mô thị trường ô tô Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 1/4 của Indonesia. Thị trường nhỏ, bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều model khác nhau khiến cho các công ty sản xuất (cả sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện phụ tùng) rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt.

Mặt khác, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chưa đủ để đa số người dân có thể sở hữu ô tô cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, tạo ra lợi nhuận.

Song song với đó, hệ thống giao thông yếu kém (mà chủ yếu do tổ chức giao thông kém) cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới cầu của thị trường, làm cho nhu cầu về sử dụng ô tô của nền kinh tế chưa lớn.

Bên cạnh điểm "nghẽn" về thị trường, hiện nay chi phí sản xuất ô tô trong nước cao hơn các quốc gia trong khu vực từ 10 – 20% khiến giá thành xe sản xuất trong nước chịu nhiều bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN trong bối cảnh hàng rào thuế quan được gỡ bỏ.

Có 2 nguyên nhân chính được Bộ Công Thương chỉ ra. Thứ nhất, dung lượng thị trường hiện tại của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn nhỏ, nên không tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô của ngành, khiến các chi phí cao hơn so với các nước ASEAN khác vốn đã có thị trường và ngành công nghiệp ô tô đi trước rất lâu.

Thứ hai, các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài phải chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm… từ đó ảnh hưởng đến giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Xem chi tiết tại đây.

Xem thêm: Khách hàng Việt khó có cơ hội sở hữu Chevrolet Tracker 2021

Tin mới lên