Nhân vật

Obama, vị Tổng thống được xem là 'sự may mắn mà nước Mỹ có được'

(VNF) - Dù tháng 1/2017, Obama mới thôi giữ chức Tổng thống Mỹ nhưng người Mỹ cũng như nhiều dân người mến mộ ông trên thế giới đã phần nào cảm nhận được rằng: một Tổng thống như Obama thật hiếm có và nước Mỹ may mắn khi có ông.

Obama, vị Tổng thống được xem là 'sự may mắn mà nước Mỹ có được'

Tổng thống Barack Obama. Ảnh: Reuters

Tổng thống Barack Obama tên đầy đủ là Barack Hussein Obama II, sinh ngày 4/8/1961 tại Honolulu, Hawaii (Mỹ). Mẹ ông là một nhà khoa học Mỹ, là người Anh lai Đức và Ai Len. Bố ông là nhà khoa học được đào tạo tại Mỹ, nguyên quán tại tỉnh Nyanza, Kenya. Cá nhân ông hấp thụ nhiều nền văn hoá của thế giới từ thủa thiếu thời. 

Năm 1964, cha mẹ Obama ly hôn. Sau đó, mẹ của ông tái hôn với một người đàn ông Indonesia. Obama theo mẹ và cha dượng sống và học nhiều năm ở Indonesia, quốc gia lớn nhất và đông dân nhất Đông Nam Á. Đến 9 tuổi, Obama được ông bà ngoại, những người da trắng thượng lưu ở Hawaii nuôi dạy, bà ngoại ông là Phó chủ tịch Ngân hàng Hawaii. 

Sau khi tốt nghiệp trung học, năm 1979, Obama vào Đại học Occidental ở Los Angeles. Năm 1981, Obama theo học khoa học chính trị, chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia ở thành phố New York, tốt nghiệp với văn bằng cử nhân năm 1983.

Obama có thiên hướng hoạt động vì cộng đồng từ thời thanh niên. Ngay từ năm 1985, khi 24 tuổi, ông làm giám đốc Đề án Phát triển Cộng đồng ở Chicago, đứng ra bảo vệ quyền lợi người thuê nhà.

Cuối năm 1988, Obama vào Trường Luật Harvard, rồi được chọn làm biên tập viên cho tờ Harvard Law Review vào cuối năm thứ nhất, và chủ tịch của tờ tạp chí vào năm học thứ hai. Vào những dịp hè, ông trở về Chicago, làm việc tại công ty luật Sidley Austin năm 1989, và Hopkins & Sutter năm 1990.

Sau khi tốt nghiệp năm 1991 với văn bằng tiến sĩ hạng ưu từ Harvard, ông về Chicago. Obama là người da đen đầu tiên được bầu vào chức chủ tịch tạp chí Harvard Law Review nên đã gây nhiều chú ý, nhờ đó mà có được hợp đồng cho một quyển sách viết về mối quan hệ chủng tộc, được phát triển thành một cuốn hồi ký, xuất bản vào giữa năm 1995 với tựa đề "Dreams from My Father".

Để có thể hoàn thành quyển sách đầu tiên của mình, ông được cấp học bổng và một văn phòng để viết sách. Năm 1991, Obama nhận một vị trí thỉnh giảng về Luật học và Chính quyền học tại Trường Luật Đại học Chicago. Rồi ông giảng dạy môn luật hiến pháp tại Trường Luật Đại học Chicago suốt 12 năm trong cương vị giảng viên (1992 – 1996), và giảng viên chính (1996 – 2004). Ngoài ra ông còn hành nghề luật sư cho hãng luật Davis, Miner, Barnhill & Galland từ năm 1993 đến năm 2004. 

Obama thực hiện bước đầu tiên trên con đường chính trị bằng việc giành một ghế tại Thượng viện Tiểu bang Illinois vào năm 1996. Tháng 11/2004, ông đắc cử vào thượng viện Hoa Kỳ với 70% phiếu bầu, trở thành thượng nghị sĩ gốc Phi thứ năm trong lịch sử Mỹ và là người Mỹ gốc Phi duy nhất phục vụ trong Thượng viện lúc đó.

Năm 2008, ông tuyên bố tranh cử Tổng thống và trở thành Tổng thống Mỹ da đen đầu tiên vào 1/2009 sau khi đánh bại Thượng nghị sỹ kỳ cựu John Mccain của Đảng Cộng hoà. Năm 2012, ông tái đắc cử tổng thống.

Obama sẽ kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống vào tháng 1/2017. Nhưng nhiều người, kể cả những người không ủng hộ ông, đã xếp ông vào danh sách những Tổng thống vĩ đại của nước Mỹ. 

Khi Obama bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, nước Mỹ chìm đắm trong khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp tràn lan, đỉnh điểm tháng 10/2009 tỷ lệ thất nghiệp đến 10%. Obama với sự tham mưu của những chuyên gia kinh tế hàng đầu đã vực dậy kinh tế Mỹ, phát triển bền vững hơn, tỷ lệ thất nghiệp đến tháng 3/2016 chỉ còn 4,9%. 

Nhưng những thành tựu ấn tượng của ông lại chủ yếu ghi dấu trong lĩnh vực xã hội, cộng đồng. Một trong những cải tổ sâu rộng nhất phải kể đến đó là Đạo luật chăm sóc y tế (hay còn gọi là Obamacare). Đạo luật này được coi là cuộc cải cách lớn nhất trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ kể từ năm 1965, đem lại cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân thuộc tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội.

Phán quyết của Toà án tối cao về quyền kết hôn của người đồng giới năm 2015 cũng được coi là phần thưởng cho những nỗ lực của Obama bảo vệ quyền của người đồng giới. Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Về đối ngoại, trong hơn 7 năm làm Tổng thống, ông Obama đã để lại không ít dấu ấn, đặc biệt là trong ngoại giao. Tháng 7/2015, Obama đã thành công trong việc bình thường hoá quan hệ với Cuba sau hơn 54 năm cựu thù. Obama mở một cuộc viếng thăm kéo dài hai ngày đến Havana (Cuba) trong tháng 3/2016, trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm đất nước này kể từ chuyến công du của Tổng thống Calvin Coolidge thực hiện trong năm 1928. 

Bên cạnh đó với đường lối ngoại giao bền bỉ, Tổng thống Obama một lần nữa thành công trong việc đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran. Tháng 7/2015, Mỹ và Iran cùng một số nước đã đạt thoả thuận, theo đó Iran cam kết không chế tạo vũ khí hạt nhân, đổi lại Mỹ sẽ gỡ bỏ lệnh cấm vận. 

Từ cuối năm 2011, Mỹ đã thực hiện "chính sách xoay trục" sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đối với chính sách xoay trục tại khu vực Đông Nam Á, Obama vẫn luôn nhấn mạnh rằng Việt Nam là một đối tác quan trọng của Mỹ.

Bên cạnh đó, Tổng thống Obama cũng ghi dấu ấn với hàng loạt những thành tựu đối ngoại quan trọng khác như đạt được Quyền đàm phán nhanh của Quốc hội để tiến tới việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đang nỗ lực thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua hiệp định này. Obama là người đóng vai trò then chốt trong việc Mỹ ký kết hiệp định TPP với Việt Nam và các nước khác trong khu vực Thái Bình Dương. Hiệp định mở ra rất nhiều triển vọng trong việc hợp tác về mặt kinh tế, giao thương, đầu tư cũng như luật pháp giữa các nước thành viên.

Tất nhiên, Obama có nhiều vấn đề chưa giải quyết được, như vấn đề Lybia và nợ công kỷ lục. Tổng thống Barack Obama đã thừa nhận sai lầm lớn nhất của ông trong hai nhiệm kỳ nắm quyền ở Nhà Trắng là việc ông đã không lường trước được hậu quả mà NATO can thiệp vào Libya và biến nơi đây thành một mớ hỗn độn như hiện nay. 

Tuy nhiên, người dân Mỹ đã công nhận ông là vị Tổng thống hết lòng vì đất nước. Người Mỹ dành tình cảm đặc biệt cho ông Obama vì đến lúc ông ra đi, người ta chợt nhận thấy rằng dù còn thiếu sót nhưng ông Obama có những giá trị mà những ứng viên hiện tại không có được. Hiếm có một nhà chính trị trong sạch, không có scandal như Obama. 

Tổng biên tập của tạp chí GQ, Jim Nelson từng nhận định: "Dù điều gì xảy ra tiếp theo, người Mỹ sau này cũng sẽ nhìn lại lịch sử, và cùng nhau gật gù thừa nhận rằng: một Tổng thống như Obama thật hiếm. Và ta thật quá may mắn khi có ông".

Xin trích lại câu nói nổi tiếng và đầy ý nghĩa của vị Tổng thống này trong bài Diễn văn Chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống 2012: "Đất nước này có nhiều của cải hơn bất cứ quốc gia nào khác, nhưng điều đó không làm chúng ta giàu có. Chúng ta có quân đội hùng cường nhất trong lịch sử, nhưng điều đó không làm chúng ta mạnh mẽ. Nền đại học và văn hóa của chúng ta khiến thế giới phải ganh tị, nhưng điều đó không kéo thế giới đến gần với chúng ta. Điều làm nước Mỹ nổi bật là những ràng buộc khiến đất nước đa dạng nhất này trên Trái Đất đoàn kết với nhau... Đó là điều khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại".

Tổng thống Mỹ Barack Obama tới đã Hà Nội lúc 21h30 ngày 22/5, bắt đầu chuyến công du 3 ngày tại Việt Nam với nhiều hoạt động quan trọng. Đây là chuyến công du Việt Nam đầu tiên của ông Obama trong hai nhiệm kỳ và là tổng thống Mỹ thứ ba đến Việt Nam từ sau khi chiến tranh kết thúc. 

Chuyến thăm lần này được thiết kế dày đặc các sự kiện, xoáy sâu vào hợp tác chiến lược, an ninh, kinh tế, quan hệ nhân dân và sẽ có tác động mạnh mẽ trong lịch sử quan hệ song phương.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - Ben Rhodes chỉ ra rằng một loạt các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama với các nhà lãnh đạo Việt Nam cho thấy "bề rộng" trong cam kết của Mỹ đối với Việt Nam. "Chúng tôi mong đợi một chương trình làm việc hết sức thiết thực, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ TPP, nỗ lực thúc đẩy quan hệ thương mại đến vấn đề an ninh khu vực, cả song phương lẫn xuyên suốt ASEAN, bao gồm hợp tác trong an ninh hàng hải và phản ứng trước thiên tai cũng như cam kết của chúng tôi về việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp khu vực.

Ngoài ra còn có sự phát triển trong quan hệ nhân dân hai nước cũng như hợp tác trong giáo dục và doanh nhân khởi nghiệp. Mục tiêu của Mỹ, theo Phó cố vấn, là muốn biểu lộ rõ chuyến thăm sẽ hành động nâng cấp mạnh mẽ quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực, bất chấp những vấn đề còn tồn tại.

Tin mới lên