Thị trường

Ôn cố tri tân: ‘Hộ chiếu vaccine’ được sử dụng như thế nào trong thế kỷ trước

(VNF) - Hộ chiếu vaccine về cơ bản là một cách xác minh nhằm chứng minh những người đã nhận được tiêm chủng. Vào đầu thế kỷ 20, hộ chiếu vaccine đã xuất hiện ở Mỹ trong bối cảnh đại dịch đậu mùa bùng phát.

Ôn cố tri tân: ‘Hộ chiếu vaccine’ được sử dụng như thế nào trong thế kỷ trước

Vết sẹo tiêm chủng là tấm giấy thông hành

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đậu mùa xuất hiện vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, giới chức Mỹ tiến hành tiêm chủng cho người dân trên phạm vi toàn quốc. Ở các thành phố và tiểu bang có số ca mắc bệnh đậu mùa cao, việc tiêm chủng là bắt buộc và chứng nhận tiêm chủng là thứ được yêu cầu xuất trình khi đi làm, đi học, đi trên tàu hay tới rạp hát.

Kỹ thuật tiêm chủng hồi đó còn khá thô sơ, một dụng cụ phẫu thuật lưỡi nhọn sẽ được rạch vào vùng da trên cánh tay, sau đó virus được chấm vào vết thương. Vì sợ đau và lo ngại nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khác thông qua vaccine, nhiều người đã tránh tiêm phòng bằng mọi cách. Một trong những cách tránh tiêm chủng phổ biến là mua chứng nhận tiêm chủng giả.

Trước tình trạng trên, các chuyên gia y tế đưa ra giải pháp kiểm tra xem một người có tiêm chủng vaccine đậu mùa hay không bằng cách quan sát trên cánh tay của họ có vết sẹo do tiêm vaccine để lại.

Vết sẹo tiêm chủng trở thành vé vào cửa duy nhất tại các địa điểm công cộng cho công dân ở Mỹ. Trong các trường học, nhà máy và hội trường của chính phủ cũng như trên các con tàu cập cảng tại Mỹ, những người không có vết sẹo - dấu hiệu cho thấy đã được tiêm chủng bệnh đậu mùa trong vòng 5 năm qua, sẽ được tiêm chủng ngay lập tức.

Vào cuối năm 1921, khi dịch đậu mùa bùng phát tại thành phố Kansas, vết sẹo tiêm vaccine đậu mùa đã chính thức được sử dụng làm “giấy thông hành” tại các khu du lịch và các cuộc họp.

Tình hình triển khai hộ chiếu vaccine hiện nay

Phú Quốc là nơi đầu tiên ở Việt Nam được thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine

Ngày nay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và triển khai mạnh mẽ chính sách hộ chiếu vaccine để nhanh chóng phục hồi các hoạt động du lịch và giao thương quốc tế.

Từ đầu tháng 6/2021, Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Bulgaria, Séc, Croatia và Ba Lan đã triển khai hộ chiếu vaccine, sớm hơn một tháng so với kế hoạch chung của Liên minh châu Âu (EU) là từ ngày 1/7. Đây là hành động để chuẩn bị cho mùa du lịch hè trở lại sau thời gian người dân bị hạn chế đi lại quá lâu để phòng, chống dịch.

Ở Đông Nam Á, ngày 1/7, có 25 du khách quốc tế đầu tiên đã đến đảo Phuket của Thái Lan. Phuket trở thành địa điểm đầu tiên ở quốc gia Đông Nam Á mở cửa cho du khách nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ và được chứng nhận không mắc Covid-19.

Các du khách trước khi lên máy bay đến Thái Lan phải có đủ 5 loại giấy tờ, trong đó có giấy chứng nhận y tế xác nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-không quá 72 giờ trước chuyến bay (trừ trẻ em dưới 6 tuổi), giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19 đủ liều ít nhất 14 ngày trước. Tuy nhiên, du khách sẽ phải ở trên đảo 14 ngày trước khi tới tham quan các nơi khác của Thái Lan.

Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch từng bước mở cửa lại đất nước cho khách du lịch nước ngoài, bắt đầu với Phuket và sau đó sẽ mở rộng sang các điểm du lịch khác như Koh Samui, Koh Tao và Koh Phangan, cuối cùng là hiện thực hóa mục tiêu mở cửa trở lại đất nước vào tháng 10 tới.

Tại Việt Nam, từ ngày 11/6, Bộ Chính trị đã cho phép nghiên cứu thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Kiên Giang.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2021.

Mới đây, tại cuộc họp với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, UBND tỉnh Kiên Giang đã đề xuất chủ trương thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến nghỉ dưỡng tại Phú Quốc theo mô hình “Du lịch cách ly khép kín” với điều kiện du khách đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, thông qua các chuyến bay thuê bao, nghỉ tại một địa điểm, hạn chế di chuyển. Sau đó tỉnh sẽ đánh giá và xem xét cho phép mở rộng đón khách du lịch từ các nước đã hoàn thành tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống trên đảo và nhân viên phục vụ tại các khu, điểm du lịch, tỉnh kiến nghị cho phép được tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ cư dân thành phố Phú Quốc. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp nếu có.

Việc sớm triển khai chính sách hộ chiếu vaccine được kỳ vọng sẽ góp phần kịp thời khôi phục các hoạt động du lịch, vận chuyển hàng không, mặt đất và dịch vụ bổ trợ khác… góp phần hoàn thành các mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tin mới lên