Nhân vật

Ôn cố tri tân: Nguyễn Quang Bích, chí sỹ bất phùng thời

(VNF) - Nguyễn Quang Bích, sinh ngày 8/4 năm Nhâm Thìn (1832), mất 15 tháng chạp năm Mậu Dần, tức ngày 24/1/1890. Ông quê ở làng Trình Phố, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, là người họ Ngô do ba đời trước đổi thành họ Nguyễn. Ở quê hương cũng như nơi ông dựng cờ khởi nghĩa là Phú Thọ, dân vẫn gọi ông là Ngô Quang Bích.

Ôn cố tri tân: Nguyễn Quang Bích, chí sỹ bất phùng thời

Ông Nguyễn Quang Bích đỗ Đình Nguyên Hoàng Giáp năm Kỷ Tỵ (1869).

Ông Nguyễn Quang Bích đỗ Đình Nguyên Hoàng Giáp năm Kỷ Tỵ (1869), làm quan qua các chức vụ Tri phủ Lâm Thao, Án sát Sơn Tây, Án sát Bình Định, Tế tửu Quốc Tử Giám tại Kinh, Chánh sứ Sơn phòng Hưng Hóa, Tuần Phủ Hưng Hóa. Vua Hàm Nghi phong ông chức Hiệp Biện Đại Học sĩ, Lễ Bộ Thương Thư, Hiệp Thống Bắc kỳ Quân vụ Đại thần, tước Thuần trung Hầu.

Sau khi đỗ Đình Nguyên, vào bệ kiến vua Tự Đức, ông dâng biểu tâu, trong đó viết: “Sở vị bàn căn biệt lợi, khí chi thu, phi thần chi sở cảm ngôn, thí như ưng chiên trục ô thước chi thu, tố thần chi sở nguyện học”, nghĩa là: “Nếu bảo chém gỗ quánh mới biết búa sắc thì thần không dám nói, còn ví như loài chim ưng, chim chiên đánh đuổi lũ quạ, thì thần quyết noi theo”. Câu này ý nhắc đến việc triều đình để mất lục tỉnh và cần phải đánh đuổi giặc ngoại xâm. Tư tưởng “trọng dân”, bài trừ tham nhũng, trọng dụng hiền tài trong bài văn sách thi Đình của ông đã được chính vua Tự Đức chấm quyển, lấy đỗ Đình Nguyên, đứng đầu kỳ thi Đình.

Khi làm quan, Nguyễn Quang Bích luôn phụng sự theo ý chí ấy, đến đâu ông cũng được dân xưng tụng là “Hoạt Phật”, được vua ngợi khen là quan thanh liêm. Từ năm 1870, khi là Tri phủ Lâm Thao và Án sát Sơn Tây, ông đã cảm hóa được tướng giặc Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc chuyên gây tai họa cho dân, quy thuận theo về chống Pháp với chức danh Tam Tuyên Chánh Đề Đốc và chiến đấu quyết liệt, hai lần chiến thắng ở Cầu Giấy và cầu Quan m trên chiến tuyến Phủ Lạng Thương, giết chết viên chỉ huy quân Pháp là đại úy Francis Garnier (1873), đại tá hải quân Henri Rivière (1883) và bắn trọng thương viên tướng Pháp khét tiếng về đàn áp nghĩa quân Négrier (1885).

Triều đình ngày đó chia làm hai phái, phái chủ chiến và phái chủ hòa. Phái chủ hòa thường đông hơn. Nguyễn Quang Bích là người giương cao ngọn cờ chủ chiến, nên mặc dù triều đình khi đó đã ký Hòa ước Harmand (1883) và Hòa ước Patenôtre (1884), thực chất là các hiệp ước đầu hàng, công nhận quyền bảo hộ của Pháp. Khi nhận được lệnh bãi binh và triệu hồi về kinh nhậm chức khác, ông đã sai người nộp trả ấn tín và vẫn quyết chiến đấu bảo vệ thành Hưng Hóa. Quân ít, thế nguy, ông đã định tuẫn tiết, nhưng quân sĩ mở đường máu đưa ông về đình làng Tứ Mỹ thuộc huyện Tam Nông.

Sau đó, ông rút quân lên làng Tiên Động thuộc huyện Cẩm Khê, dựng cờ khởi nghĩa từ đầu năm 1884. Hơn một năm sau, ngày 5/7/1885, Tôn Thất Thuyết làm cuộc binh biến chiếm lại kinh thành Huế, nhưng việc bất thành, liền đưa xa giá ra Quảng Trị. Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương và phong hàm, phục chức cho các quan lại Bắc kỳ.

Nguyễn Quang Bích được quyền thay mặt vua chỉ đạo cuộc kháng chiến toàn Bắc kỳ (văn từ Thám Tán, võ từ Đề Đốc, đều được quyền liệu nghi lục dụng). Tiên Động trở thành trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến ở Bắc kỳ. Bên cạnh Nguyễn Quang Bích có nhiều tướng giỏi giúp sức như Nguyễn Văn Giáp, Đề Kiều, Đốc Ngữ, Tán Thuật, Lãnh Hoan, Tán Dật, Cử Dư, tiến sĩ Vũ Hữu Lợi… Còn có cả tiến sĩ Tống Duy Tân, tiến sĩ Phan Đình Phùng, đã lặn lội từ miền Trung ra để cùng ông mưu bàn việc phục quốc…

Trong cuộc đời mình, Nguyễn Quang Bích đã để lại cho nhiều dấu mốc lịch sử đáng ghi nhớ. Về giáo dục, ông là nhà giáo, đã mở trường dạy học rồi làm đến Tế tửu Quốc Tử Giám, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Về xã hội, ông đã từng đứng ra tổ chức xây cống tiêu nước, biến ruộng một vụ thành hai vụ ở cánh đồng Tam Tổng thuộc Kiến xương và Tiền Hải.

Về sử học ông đã được vua giao duyệt bộ “Việt sử thông giám cương mục”. Ông là nhà chính trị sắc bén, một mặt cảm hóa được Lưu Vĩnh Phúc đánh Pháp, nhưng mặt khác khi thấy quân Thanh vào nước ta theo lối “đục nước béo cò”, ông liền dâng sớ tâu vua thể hiện sự quan ngại. Nhà vua đã quở trách lầm ông rằng: “Đem bụng tiểu nhân đo lòng người quân tử”.

Ông đã kiên quyết trình bày lại với lý lẽ và bằng chứng thuyết phục về sự lợi dụng việc vào nước ta của hai doanh đoàn Hoàng Quế Lan và Triệu Ốc, kéo quân như đèn cù, không đánh Pháp mà có ý đồ đòi chia chác với Pháp lãnh thổ nước ta. Vua đã nghe ra và yêu cầu quân Thanh rút về nước…

Về quân sự ông đã vận dụng được chiến thuật đánh “du kích” và “du binh”, dựa vào dân phát triển lực lượng rộng khắp toàn dân toàn diện. Ngày đó, ông lệnh cho các vùng lập dân binh. Trên đất Phú Thọ, phần lớn các ông đề, ông đốc, ông lãnh đều trưởng thành từ chánh tổng, lý trưởng… Ông lại biết dựa vào núi rừng, lúc ẩn lúc hiện, tránh chỗ mạnh đánh vào chố yếu của địch.

Cuộc kháng chiến do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo đã phát triển rộng khắp. Ông lại biết đoàn kết đồng bào các dân tộc miền núi. Mỗi vùng đều có một đội quân có từ 400 tay súng đến 1000 tay súng, trước hết chống bọn phỉ cờ trắng, cờ vàng, và sau này chống Pháp quyết liệt… Tiêu biểu như Sa Văn Nội ở Mộc Châu; Đèo Văn Toa, Đèo Văn Trì ở Lai Châu; cha con Cầm Hánh, Cầm Tám ở Mường Lò, Nghĩa Lộ; Nông Văn Quang, Đổng Phúc Thịnh, Đặng Phúc Thành, Giàng Nủ Klâu, Lãnh Năm, Lãnh Tế ở Đại Lịch…

Về ngoại giao, ông đã hai lần đi sứ Trung Quốc theo lệnh vua Hàm Nghi, nhưng ông vẫn chủ trương dựa vào lực lượng nước mình chống giặc. Mặc dù nhà Thanh đã ký hiệp ước Thiên Tân hòa hoãn với Pháp, nhưng cảm phục tấm lòng trung nghĩa của ông mà Tổng đốc Vân Quý là Sầm Dục Anh vẫn tư giúp 600 khẩu súng, 60 hòm đạn và 2000 cân thuốc phiện để chi dùng việc quân. Với hoàn cảnh khó khăn lúc đó là không nhỏ và hữu ích cho cuộc kháng chiến của ta.

Nhà sử học Pháp Charles Fourniau đã viết về Nguyễn Quang Bích: “Chúng ta biết khá rõ về ông và ông là hiện thân như mẫu của những nhà nho yêu nước lớn, tạo nên linh hồn của cuộc kháng chiến của dân tộc”.

Nhà văn, triết gia người Mỹ Gs JamesWilhelm đã viết về ông: “Ngài là một vị tướng nổi tiếng và là tầm một anh hùng thế giới, bởi ngài là tiêu biểu cho ý chí chống chủ nghĩa thực dân xâm lược!”.

Sự nghiệp lớn lao, ngoài chính trị, quân sự, giáo dục, ngoại giao, ông còn là một nhà thơ lớn, để lại “Ngư phong thi tập” với 118 bài thơ, văn tế… Đặc biệt là bức thư trả lời thư dụ hàng của quân Pháp của ông. Nhà sử học, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu đã bình luận về bức thư này như sau: “Trong thế cô sức yếu, Ngô Quang Bích vẫn cứng cỏi trả lời: “Thắng mà sống là nghĩa sỹ triều đình, chẳng may mà thua mà chết cũng làm quỷ thiêng giết giặc!”. Cảm động thay! Quả là chữ “Nghĩa” đã làm cho đất nước đẹp thêm, cho con người lớn thêm, cho lịch sử tràn đầy lòng tự hào chính đáng”.

Nguyễn Quang Bích là một con người toàn tài, tiêu biểu cho lớp văn thân, trí thức đông đảo được sinh ra trong thế kỷ XIX ở đất nước ta. Đấy là một lớp chí sỹ sinh bất phùng thời, rất tài năng và đức độ nhưng trong hoàn cảnh nô lệ của xứ thuộc địa, triều đình bất lực quy phục ngoại bang, nên đã không góp được nhiều cho cơ đồ chung của nước non. Thật đáng tiếc biết bao nhiêu!

Hà Nội, Thu Đông 2019

Tin mới lên