Thị trường

Ôn cố tri tân: Nhà thuốc ông Tiên, nơi sản xuất và kinh doanh Đông dược lớn nhất Đông Dương

(VNF) - "Hơn tám mươi năm trước, nhà thuốc Ông Tiên tại Phú Nhuận, ngoại ô Sài Gòn đã tỏ rõ sự năng động trong làm ăn, phát triển và quảng bá thương hiệu có thể nói là bắt kịp thời đại. Đó là tấm gương đáng tự hào của một doanh nghiệp sản xuất thuốc chữa bệnh đất Sài Gòn - Gia Định thời Pháp thuộc".

Ôn cố tri tân: Nhà thuốc ông Tiên, nơi sản xuất và kinh doanh Đông dược lớn nhất Đông Dương

Một bài đăng quảng cáo Nhà thuốc ông Tiên trên báo

Lời tòa soạn:

"Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm" là cuốn sách sưu khảo, ghi chép của nhà báo Phạm Công Luận về văn hóa, lối sống phố thị của Sài Gòn – Gia Định. Từ chính vốn sống, sự trải nghiệm của một người Sài Gòn, Phạm Công Luận đã thu thập và kể lại những câu chuyện về một Sài Gòn trăm năm, như tác giả tự sự “viết những điều nghiêm túc bằng cách thức dễ tiếp nhận, có cảm xúc” của  “một người viết báo, lỡ bước đeo đuổi chủ đề Sài Gòn xưa từ mấy năm qua”.

Được sự đồng ý của tác giả, VietnamFinance xin trân trọng giới thiệu một số bài viết tiêu biểu trong cuốn sách "Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm". Mở đầu là bài "Nhà thuốc ông Tiên, nơi sản xuất và kinh doanh Đông dược lớn nhất Đông Dương".  

Cuốn "Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm"

Đầu thế kỷ 20, ở Phú Nhuận có một nhà bào chế và kinh doanh thuốc Đông dược có tiếng trên toàn cõi Đông Dương. Đó là nhà thuốc Ông Tiên, cái tên bình dị nhưng dân chúng từ Bắc chí Nam rất quen thuộc.

Thời đó, phương pháp chữa bệnh Tây y do người Pháp đưa qua chưa phổ biến rộng khắp vì chi phí cao, thường dành cho người Pháp và một số người Việt tầng lớp trên. Đa số dân chúng dùng thuốc Đông y.

Nhà thuốc Ông Tiên, với cách tổ chức sản xuất thuốc mang tính khoa học và có đầu óc nhạy bén của những người quản lý chú trọng đến việc quảng cáo tên tuổi và sản phẩm đã chiếm vị trí lớn trong việc sản xuất và kinh doanh thuốc Đông y trong xã hội Việt Nam thời đó.

Họ đăng báo quảng cáo thuốc rất nhiều từ Nam ra Bắc, từ báo Công Luận trong Nam đến Hà Thành Ngọ Báo ngoài Bắc. Họ tham gia hội chợ để mở gian hàng giới thiệu sản phẩm. Để thu hút người đến xem, họ thuê người diễn hoạt cảnh hài hước, diễn xiếc tại gian hàng. Thuốc ở hội chợ bán rẻ hơn ở ngoài tiệm. Nhà thuốc còn tặng sách để quảng cáo cao đơn hoàn tán, kèm thêm bài vè để chơi “lô tô”.

Ngoài khu vực Sài Gòn – Gia Định, nhà thuốc Ông Tiên mở thêm các chi nhánh ở khắp nơi, từ Hà Nội, Huế, Phnom Penh, Hải Phòng, Bắc Giang, Nam Định, Đáp Cầu, Bắc Ninh, Yên Bái, Cần Thơ, Bạc Liêu, Châu Đốc... và có tới 850 đại lý trên khắp mọi miền đất nước, con số không nhỏ!  

Trang quảng cáo trên báo xuân Công Luận năm 1936 ghi rõ địa chỉ Nhà thuốc Ông Tiên là số 82 đến 92 đường Paul Blanchy nối dài (Rue Paul Blanchy prolongée) ở Phú Nhuận, nay là đường Phan Đình Phùng, số điện thoại là 1079, có tòa án và chánh phủ Pháp chứng nhận. Hình ảnh nhà thuốc chiếm hết bề ngang trang báo là một dãy nhà dài, gồm tất cả sáu căn. Nếu tính trung bình một căn rộng ba mét thì mặt tiền nhà thuốc đã 18 mét, rất bề thế.

Tiệm chia thành nhiều bộ phận (gọi là “sở”), bao gồm các sở: gởi thuốc, bút toán, thơ tín, phòng khách, bào chế và khám bệnh. Thầy thợ và nhân công trên 400 người. Các sở đều có người quản lý, do hai ông “học sĩ y khoa” là Tống Văn Viết và ông Nguyễn Ngọc Châu làm giám chế và ông Nguyễn Hoàng Hoanh chủ trương.

Dịp Tết năm 1936, nhà thuốc có lời mừng Xuân Phước Lộc Thọ đến người đọc và thông báo: “Hiệu thuốc Ông Tiên mới sáng lập không trên mười năm mà đã được đồng bào khắp ba kỳ, Lèo (Lào) và Kim Biên (tên gọi khác của thủ đô Phnom Penh, Campuchia) rất chú ý, tín dụng và tiêu thụ một cách mau chóng đến như sở gởi thuốc của chúng tôi hằng 50 người mà công việc làm không muốn xuể. Nói phải, cũng nhờ đồng bào ai cũng đều biết thuốc hiệu Ông Tiên là hay nhứt và hiệu nghiệm ở cõi Á Đông này do hai ông Tống Văn Viết và ông Nguyễn Ngọc Châu là hai nhà học sĩ y khoa chuyên môn lão luyện bào chế đủ loại thuốc: cao đơn hoàn tán trị đủ các chứng bệnh rất hiệu nghiệm, nhất là sưu độc bá ứng hoàn và điều kinh bạch đái là hai món thuốc vô song thần diệu. Có quyền chứng nhận của chánh phủ Pháp và được Đức Đại Nam Hoàng đế ân tứ cấp bằng tài năng”.

Lời mừng Xuân Phước Lộc Thọ trên báo Công Luận năm 1936

Không chỉ mở các đại lý rộng khắp, nhà thuốc Ông Tiên có xe quảng cáo chạy đến các làng xóm và bán thuốc. Một chiếc xe chạy vào khu xóm An Nhơn nay thuộc Gò Vấp được mô tả như sau trong cuốn hồi ký “Làng cũ người xưa” của tác giả Tiền Vĩnh Lạc: “Đó là một chiếc xe hơi kiểu chở đồ, bít bùng, mở cửa phía sau, hai bên hông có sơn “Nhà thuốc Ông Tiên” và hình nhãn hiệu ông Tiên cầm phất trần. Trên mui xe có gắn một cái loa lớn. Đàng sau xe có để một cái bàn, trên đó bày đầy hộp  thuốc đủ thứ”.

Tác giả thuật là xe chưa đến đã phát từ xa các bài vọng cổ thịnh hành thời đó:“Văng vẳng tiếng chuông chùa/ Theo giọng công phu của đoàn sư vãi ớ ơ”“Ngày mai này anh sẽ ra đi/ Đem thân dãi dầu với những ngày âm thầm nắng mưa gian khổ ớ ơ/ Cho nên một lần cuối cùng nầy, anh trở lại đây để đổ cạn lệ sầu...”.

Bài vọng cổ hát trước để gây chú ý, sau đó người bán sẽ giới thiệu các loại thuốc hiệu Ông Tiên, trong đó không thể thiếu thuốc “Giải phong sát độc hoàn” với câu sau: “Bà con hằng ngày ăn uống, chất độc tích tụ trong máu sinh ra các chứng bịnh ngoài da, nhứt là bịnh ngứa. Nhiều người ngứa nổi có dề, hoặc mụt ngứa đỏ, gãi tới đâu ngứa tới đó, xức thuốc gì cũng không hết. Chỉ có cách uống thuốc  “Giải phong sát độc hoàn” của nhà thuốc Ông Tiên mới hết. Thuốc này uống vô xổ độc, lọc máu công hiệu như thần! Uống ba ngày thì thấy hiệu quả, uống hết một chai thì hết ngứa. Uống thêm một chai nữa thì dứt nọc, bảo đảm một trăm phần trăm”.

Dù lời giới thiệu không có gì mới giống như đăng trong báo, nhưng bà con vẫn ở lại để nghe hát hay nghe kêu lô tô: “Tề thiên đại thánh/ đánh với Hồng Hài/ đại chiến cả ngày/ bất phân thắng bại/ là con số bảy !” “Huỳnh Sào khởi nghĩa/ tại Bạch Sơn Đầu/ hòa thượng rụng đầu/ thương người lòng tốt/ con bốn mươi mốt !”. Hết lô tô lại đến ca vọng cổ cho đến khi vãn người, xe mới chạy đi bán nơi khác.

Khoảng thời gian khủng hoảng kinh tế, từ 1929 đến gần cuối thập niên 1930, nhà thuốc Ông Tiên tổ chức một đoàn ra tới tận Hà Nội để quảng bá thuốc. Hà Thành Ngọ Báo, số 2409 (22 Tháng Chín 1935) đánh giá: “Đối với năm kinh tế quẫn bách này mà nhà thuốc Ông Tiên ở Phú Nhuận, Sài Gòn dám tổ chức một đoàn quảng cáo rất lớn lao mà từ xưa đến nay chưa từng có để phô trương các thuốc hiệu “Ông Tiên” đã được trăm nghìn người dùng đều khen tặng. Cuộc hành trình này rất tốn kém trên một vạn đồng bạc, nào xe ô tô, nào máy truyền thanh và trăm ngàn lộ phí khác”.

Trên tấm hình đăng kèm có cảnh đông người vây quanh một chiếc ô tô, báo viết: “Chúng ta hãy coi hình trên đây, đồng bào mình hết sức hoan nghênh trong lúc cổ động ở trước nhà Tổng đại lý Nguyễn Văn Đức 11 Hàng Hòm, vây bọc cả xe ô tô không còn trông thấy đông là thế nào.” Tờ báo lịch sự tiếp: “Vậy chúng ta xin cầu chúc cho đoàn quảng cáo Ông Tiên đi đường được bình yên và được kết quả mỹ mãn, như vậy là dám hy sinh với nghề nghiệp một cách mới mẻ”.

Hai tháng sau sự kiện đó, tháng 11 năm 1935, nhà thuốc này mở thêm chi nhánh tại Hà Nội số 68 phố Hàng Giấy, khu Đồng Xuân. Dịp này, nhà thuốc thông báo các đại lý ở Hà Nội sẽ bán một và tặng thêm một sản phẩm của nhà thuốc.

Khi một doanh nghiệp làm ăn được thì không chỉ nhận được lời khen tặng mà còn có cả lời gièm pha. Khi nhà thuốc đăng lời khen của một độc giả từ Marseille bên Pháp khen là thuốc dùng có công hiệu, nhà thuốc bị tố là bịa ra bức thư đó vì cho là thuốc ông Tiên không thể có bên Pháp. Nhà thuốc phải đăng trên báo Tân Văn (số 25 ra ngày 19 Tháng Một 1935) tấm hình chụp biên nhận của Bưu điện khi gửi thuốc đi Pháp và tờ thanh toán bên Pháp để chứng minh sự minh bạch của mình.

Hơn tám mươi năm trước, nhà thuốc Ông Tiên tại Phú Nhuận, ngoại ô Sài Gòn đã tỏ rõ sự năng động trong làm ăn, phát triển và quảng bá thương hiệu có thể nói là bắt kịp thời đại. Đó là tấm gương đáng tự hào của một doanh nghiệp sản xuất thuốc chữa bệnh đất Sài Gòn - Gia Định thời Pháp thuộc.    

* * *

Trên báo Sài Gòn, số 14133, (10/11/1938) có bài viết “Dắt độc-giả ở xa. Đi viếng nhà thuốc "Ông-Tiên" năm 1938 cho biết chuyện thiệt hư như thế nào?” tường thuật cuộc viếng thăm nhà thuốc này. Xin trích vài đoạn để hình dung việc sản xuất của nhà thuốc Đông y lừng tiếng một thời này.

“Qua khỏi Cầu Kiệu, gần chợ Xã Tài (rue Paul Blanchy prolonggée, Saigon) thấy một tấm bảng to tướng đề Nhà thuốc Ông Tiên nằm dài trên sáu căn nhà rộng lớn, đồ sộ nghiêm trang, khiến cho chúng tôi bắt phải nói thầm trong bụng rằng cuộc thương mãi của người An Nam mình ngày nay khuynh trương được lớn lao tới bực này ư? Vừa vô cửa, thì có người ân cần tiếp rước rất tử tế, lập tức chúng tôi cho biết rằng muốn đi kiếm thăm ông chủ, người ấy mời ngồi đợi một chút, chúng tôi thấy kẻ đến coi mạch, người đến mua thuốc, ra vào không ngớt”.

Ký giả được ông Hoanh, được mô tả “là một đấng thanh niên trẻ tuổi. Tây học rất rộng mà Nho học cũng khá đứng quản lý cai quản nhà thuốc ấy” dẫn đi một vòng giới thiệu cơ sở này.

Ông Nguyễn Hoàng Hoanh, người cai quản Nhà thuốc ông Tiên

Bài báo viết tiếp: “Đây là chỗ bán lẻ và phòng tiếp khách, ông Hoanh vừa nói vừa chỉ. Chúng tôi thấy cách sắp đặt tủ chưng bày các thứ thuốc không khác nào một hiệu thuốc tây lớn ở đây vậy. Nơi đó có salon, đèn điện, quạt máy, cân máy, thiết tưởng ở Đông Dương này chưa có một hiệu thuốc Annam nào mà đặng hoàn toàn như vậy. Kế qua phòng bút toán (comptabilité) rất rộng rãi, do một người Annam dân Tây đứng chủ trương với 6,7 thầy thơ ký đánh máy phụ giúp, lo xem xét việc sổ sách mấy trăm nhà đại lý và chi cuộc các nơi. Chúng tôi thấy việc làm không ngớt tay, kế qua phòng thư ký do một du học sanh ở Pháp về, chủ trương với rất nhiều thơ ký đang phụ giúp coi những thơ từ đi loại ở các nơi rất bặt thiệp.

Hết phòng thơ ký đến phòng quảng cáo. Phòng này chiếm luôn một căn nhà do một người chuyên môn tốt nghiệp trường Mỹ thuật chủ trương và rất nhiều anh em thầy thợ phụ giúp để lo về các thứ quảng cáo như trong hát bóng, hát bộ, hát cải lương, in sách, báo chí cả ba kỳ và một  équipe thợ mộc, thợ thiếc, thợ vẽ để lo làm bản cặm đường, tàu thủy, bảng hiệu lớn nhỏ cho các đại lý khắp Đông dương.

Sang qua căn nhà khác là nơi trữ thuốc, để chứa những thuốc đã làm rồi, đâu đó có ngăn nắp thứ tự do một người gardien Bengali và một thầy thông Annam cai quản. Tiếp theo kho trữ thuốc đến sở gởi thuốc đi các nơi. Chỗ này nhơn công thầy thợ làm rất đông lớp lo đóng thùng lớp lo sắp thuốc vô thùng, lớp lo dán nhãn, dưới quyền chỉ huy của hai người thầy thông Annam. Sau khi niêm phong kỹ lưỡng, kiểm điểm rất kỹ càng mới cho đem ra xe hơi chở xuống bến tàu, xe lửa hay là đến nhà thơ (bưu điện). Việc làm rất cẩn thận, không khi nào bể, lạc hay là mất”.

“Quanh co lẫn lộn một hồi trong nhà thuốc, đến một căn phòng hết sức rộng lớn. Đây là phòng bào chế, ông Hoanh nói. Vừa dứt lời, chúng tôi ngó chung quanh, căn phòng ấy bắt chúng tôi phải tưởng tượng mà nói rằng: đây là y viện hay là phòng bào chế nào của người Âu Mỹ, chớ không dè nghề bào chế thuốc Annam mà ông Hoanh đã canh cải dùng đủ khí cụ máy móc theo khoa học tối tân như vậy.

Phòng bào chế thuốc trong Nhà thuốc ông Tiên

Trong đó có một cái lò riêng để dùng hấp, đốt. lùi, nướng, sao, dầm, tẩm, chưng, nấu các phẩm được lấy nguyên chất rất tinh khiết. Đâu đó có sắp đặt rất thứ tự lớp lang, có bàn máy riêng tán thuốc ra bột và làm ra viên, thuốc trước khi để vô ve thủy tinh đều đem vào lò hấp khử vi trùng, bởi thế các thứ thuốc để bao lâu cũng không hư mốc.

Hết phòng bào chế, ông Hoanh dẫn chúng tôi sang qua kho trữ thuốc sống phòng thí nghiệm, chỗ phơi thuốc, đều dùng máy móc riêng theo điệu nhà nghề. Đoạn sang qua chỗ nhơn công dán nhãn, vô bao, hộp các thứ thuốc. Nơi đây hai căn nhà rộng lớn, chia ra làm hai équipe: một équipe lo làm các thứ thuốc, một équipe lo làm dầu Măng (dầu bạc hà) và dầu cù là. Nơi đây nhơn công và thầy thợ làm rất đông đảo, cách sắp đặt đúng theo vệ sinh.

Sự sửa đổi canh tân bày bổ của hiệu Ông Tiên hiện giờ theo chỗ quan sát của chúng tôi, không dám so sánh với các Y viện lớn ở các nước Âu Mỹ, chớ ở Á đông mình chẳng những là phương diện nào chúng tôi dám tự tin là hoàn toàn”.

Ông Hoanh biết rõ những dư luận tỵ hiềm quanh sự phát triển vững mạnh của nhà thuốc Ông Tiên. Ông trả lời cho câu hỏi: “… có một số đông người cho rằng thuốc của ông bán chạy là nhờ quảng cáo hay”.

Không cần nghĩ ngợi, ông Hoanh vui vẻ cho chúng tôi biết: “đó là sự sai lầm của họ không thông thạo trong nghề thương mãi, thấy chúng tôi cổ động làm quảng cáo  nhiều mà nói thế, chớ một món hàng tốt, một món thuốc hay cần phải làm quảng cáo cho hung, phải cổ động cho giỏi, người ta mới biết mà dùng, nhưng trái lại món hàng không tốt, món thuốc không hay, dầu cho làm quảng cáo vang trời động đất đi nữa cũng không ăn nhập vào đâu, lỡ người dùng lầm một lần rồi thì sau nầy món hàng hay thuốc ấy dầu có đem cho không đi nữa, cũng chẳng ma nào dám thừa nhận.

Ông nên nhớ rằng bất cứ là trong thương mại nào sự làm quảng cáo cho món hàng của mình cố nhiên phải có, song bên trong nội dung của món hàng ấy phải tốt đẹp bền chắc mới mong cửa tiệm đứng vững phát đạt được cái lâu dài. Cái gương trước mắt là có nhiều hiệu thuốc mới mọc lên sớm mai quảng cáo tưng bừng chiều lại đã lặn mất há chẳng gì lẽ nói trên sao?

Còn nhà thuốc của chúng tôi cho rằng bán chạy nhờ quảng cáo thì nó cũng đã chết lâu rồi, có đâu phát đạt kinh dinh đồ sộ đến ngày hôm nay há chẳng phải nhờ thuốc hay mà bán chạy sao?”.

***

Sau 1954, trên vài tờ báo có xuất hiện thưa thớt vài ô quảng cáo nhỏ giới thiệu một loại thuốc hiệu Ông Tiên bán trong Chợ Lớn. Theo nhà văn Hứa Hoành trong cuốn “Các nhà giàu xưa ở Nam kỳ”, từ thập niên 1950, nhà thuốc Ông Tiên đã dời cơ sở về Phú Lâm, trên đường Lục Tỉnh (Hùng Vương) với mục đích mở rộng cơ sở sản xuất. Tuy nhiên sau đó tiếng tăm nhà thuốc bớt được nghe dần và mất hẳn. Phải chăng từ thập niên này trở về sau, y học Tây y bắt đầu phát triển, các bệnh viện Tây y mọc lên nhiều hơn ở Sài Gòn và Chợ Lớn, sự tin tưởng tăng lên cùng chi phí hạ dần khiến dân chúng ngã theo Tây y, kéo theo sự giảm dần nhu cầu thuốc Đông y, dẫn tới sự tàn lụi của hệ thống chữa bệnh bốc thuốc này trong đó có nhà thuốc Ông Tiên?

Nhà báo, nhà văn Phạm Công Luận

Phạm Công Luận sinh ngày 15/10/1961 tại TP. HCM, hiện là nhà báo và là tác giả của những tựa sách đang bán chạy trên thị trường sách hiện nay.

Tác phẩm tiêu biểu của ông: Những sắc màu Nhật Bản (1998, viết chung với Asako Kato - NXB Trẻ), Nếu biết trăm năm là hữu hạn (2011, bút danh Phạm Lữ Ân, đồng tác giả với Đặng Nguyễn Đông Vy - NXB Hội Nhà Văn), Những lối về ấu thơ (2011, bút danh Phạm Lữ Ân, đồng tác giả với Đặng Nguyễn Đông Vy - NXB Hội Nhà Văn), Chú bé Thất Sơn (2012 - NXB Trẻ), Đường phượng bay (NXB Kim Đồng), Sài Gòn - Chuyện đời của phố (2014 - NXB Hội Nhà Văn), Trên đường rong ruổi (2014 - NXB Hội Nhà Văn), Sài Gòn - Phong vị báo xuân xưa (2018 - NXB Văn Hóa Văn Nghệ), Sài Gòn, ngoảnh lại trăm năm (2021 – NXB Phanbook)…

Tin mới lên