Bất động sản

Ôn cố tri tân: Thương cảng Vân Đồn - Trung tâm giao thương quốc tế ‘vang bóng một thời’

(VNF) - Vân Đồn (Quảng Ninh) là thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt, trở thành trung tâm buôn bán lớn của Đông Nam Á suốt nhiều thế kỷ.

Ôn cố tri tân: Thương cảng Vân Đồn - Trung tâm giao thương quốc tế ‘vang bóng một thời’

Tranh vẽ bến Cái Làng thương cảng Vân Đồn do một họa sĩ Tây Ban Nha vẽ được lưu giữ tại đình Quan Lạn.

Vân Đồn - thương cảng sầm uất qua các thời kỳ lịch sử

Cách đây nhiều thế kỷ, thương cảng Vân Đồn không phải là một bến cảng như hiện nay mà là hệ thống bến thuyền thương mại trên nhiều đảo trong vịnh Bái Tử Long. Trên phạm vi khoảng 200km2, có các bến: Cống Đông, Cống Tây (xã Thắng Lợi); Cái Làng, Cống Cái (xã Quan Lạn); Cái Cổng, Con Quy (xã Minh Châu); Cống Yên, Cống Hẹp (xã Ngọc Vừng), thuộc huyện Vân Đồn ngày nay.

Vân Đồn là một quần đảo vòng quanh phía đông và đông bắc vịnh Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh), gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó chỉ khoảng 20 đảo đất có người ở.

Theo sử sách, với vị trí cửa ngõ của vùng quần đảo hiểm yếu nên năm 980 ở đây đã có đồn Vân trấn giữ của quân đội nhà Tiền Lê.

Năm 1149, thời vua Lý Anh Tông, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Xiêm La, Lộ Lạc (Indonesia, Thái Lan…) vào Hải Đông (Quảng Ninh ngày nay) xin ở lại buôn bán. Vua đã cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, đặt nền móng cho thương cảng sầm uất bậc nhất Việt Nam.

Thành lập năm 1149, Vân Đồn trở thành thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt. Trang Vân Đồn trở thành đơn vị hành chính cấp cuối cùng trong hệ thống hành chính cấp địa phương.

Để bảo vệ an ninh quốc gia, triều đình quy định, tàu thuyền nước ngoài, dù xa hay gần, đã vào cảng đều phải neo ở Vân Đồn, không được tiến sâu vào nội địa. Người nước ngoài chỉ được phép buôn bán ở một số địa điểm nhất định và chịu sự kiểm soát của nhà nước.

Thời kỳ này, nhà Lý đưa ra nhiều chính sách khuyến khích ngoại thương nên giao thương tại Vân Đồn phát triển cực thịnh.

Sơ đồ khu di tích thương cảng Vân Đồn.

Đến thời nhà Trần (1225-1400), thị trường hương liệu thế giới sôi động, sự phát minh ra con đường hàng hải xuyên biển từ Trung Quốc đến Ai Cập đã đẩy nhịp độ buôn bán quốc tế phát triển mạnh hơn. Buôn bán ở thương cảng Vân Đồn tấp nập, mở rộng với nhiều nước như Nhật Bản, Mông Cổ, Philippines và châu Âu.

Việc trấn giữ, quản lý ngoại thương vùng Vân Đồn được vua Trần giao cho các thân vương, đại thần trọng chức. Nổi bật trong số đó là Nhân huệ vương Trần Khánh Dư. Lúc này Vân Đồn được bảo vệ chặt chẽ, rào gỗ được dựng lên quanh những nơi buôn bán và bãi biển xung yếu của đảo.

Trần Khánh Dư còn ngăn chặn quân Trung Quốc trà trộn vào bằng cách cho quân trang Vân Đồn đội nón Ma Lôi, loại nón được sản xuất từ hương Ma Lôi, Hồng Lộ (nay là Hải Dương) để dễ dàng nhận ra quân Đại Việt. Vì phần lớn người Vân Đồn làm nghề buôn nên cách ăn mặc đều giống người phương Bắc.

Triều Trần đặt quan cai quản Vân Đồn như một trọng trấn gồm có quan Trấn (võ tướng nắm giữ), quan Lộ (văn quan nắm giữ) và quan sát hải sứ (quan kiểm soát mặt biển), đặt ở đây một đội quân riêng gọi là quân Bình Hải, có nhiệm vụ tuần tra bảo bảo vệ vùng biển Đông Bắc, kiểm soát an ninh hoạt động ngoại thương.

Ngoài việc buôn bán, các vua Trần còn cho xây dựng nhiều chùa tháp với quy mô lớn như chùa Lấm, chùa Trong, chùa Cát, Bảo Tháp… ở xã Thắng Lợi để đáp ứng nhu cầu tôn giáo cho cư dân và khách buôn nước ngoài sùng bái đạo Phật.

Tuy nhiên, bước sang thời Lê (1428-1527), sau khi giành được độc lập đã thi hành nhiều chính sách khắt khe đối với ngoại thương. Triều đình quy định rất rõ hoạt động ở thương cảng Vân Đồn trong bộ Quốc triều hình luật (thường gọi là luật Hồng Đức). Theo đó, các quan ty tự ý ra Vân Đồn đều bị xử tội đồ hay lưu.

Thuyền bè ngoại quốc muốn đến trang Vân Đồn buôn bán, muốn đậu lại lâu đều phải làm giấy trình An Phủ ty, nếu trang chủ không trình mà tự ý cho ở lại thì bị phạt tiền 200 quan. Do việc kiểm soát ngặt, hoạt động thương mại ở Vân Đồn sút kém hơn thời Lý, Trần nhưng vẫn chiếm vị trí quan trọng dưới thời Lê.

Đến thời nhà Mạc (1527-1677), với chính sách mở cửa về thương mại, hoạt động ngoại thương tại thương cảng Vân Đồn lại hưng thịnh. Nhà Mạc còn cho xây dựng chùa ở Vụng huyện, xã Thắng Lợi, xây thành lũy ở Cẩm Phả, Hoành Bồ để phòng thủ đất nước.

Thời Lê trung hưng (1533-1789), hoạt động giao thương ở Vân Đồn vẫn được phát triển. Ngoài việc buôn bán, nhà Lê còn quan tâm xây dựng đình làng để làm nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh cho cư dân biển đảo như đình Cái Làng, đình Cống Cái, xã Quan Lạn.

Bức tranh thương cảng do Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh sưu tầm.

Cuối thế kỷ 17, Kẻ Chợ (Thăng Long), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam) mở cửa cho thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh… được vào sâu trong nội địa buôn bán. Thương cảng Vân Đồn mất hẳn vai trò trung tâm thương mại. Hoạt động ngoại thương vẫn diễn ra, nhưng không còn sầm uất.

Bước sang đầu thế kỷ 19 thời nhà Nguyễn, thương cảng Vân Đồn không còn hoạt động. Cư dân trên một số bến cổ di chuyển đi nơi khác, kho tàng bến bãi dần bị hỏng. Các bến thuyền thương mại chuyển thành bến phục vụ nhu cầu đánh cá, trao đổi lâm, hải sản đến các nơi khác trong nước của nhân dân địa phương.

Vân Đồn dần trở nên hoang vắng. Hòn đảo chỉ còn những người bản địa, chiếm phần lớn là người Sán Chỉ sinh sống. Đến những năm 60-70 của thế kỷ 20, đã có nhiều đợt di dân từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ra Vân Đồn khai hoang.

Dù không quá xa đất liền, các hòn đảo tại Vân Đồn, đặc biệt là Cái Bầu vẫn biệt lập tương đối so với những vùng đất xung quanh. Trước năm 2006, thời điểm những cây cầu nối Cái Bầu với đất liền hoàn thành, việc tìm mua xăng tại hòn đảo này là điều xa xỉ. Đường xá cũng hầu hết men theo biển và đường mòn dân sinh. Kinh tế Vân Đồn vẫn chủ yếu là nông nghiệp, đánh bắt thuỷ hải sản và một phần rất nhỏ của du lịch.

Đánh thức hòn ngọc bị bỏ quên

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tên gọi Vân Đồn vẫn được nhắc đến như một địa danh còn ẩn chứa nhiều tiềm năng phát triển. Nhiều chuyên gia kinh tế khi đến Vân Đồn thường ví von Vân Đồn như một “nàng công chúa ngủ quên trên biển”, cần có một cú hích mạnh mẽ để đánh thức những tiềm năng.

Và Vân Đồn đã đứng trước một cơ hội rất lớn để có thể biến ước mơ thành hiện thực, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Quảng Ninh tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và lập lại quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn.

Kể từ ngày ý tưởng xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn được Thủ tướng phê duyệt, Quảng Ninh đã nỗ lực không ngừng để chế tác “hòn ngọc bị bỏ quên” trở thành hòn ngọc quý trong tương lai.

Theo quy hoạch, Khu kinh tế Vân Đồn được xây dựng trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực.

Bến cảng Cái Rồng, một phần của thương cảng Vân Đồn.

Khu kinh tế Vân Đồn cũng được xác định sẽ là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế để tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Có thể thấy, diện mạo thương cảng bị lãng quên một thời đang “thay da đổi thịt” từng ngày khi tỉnh Quảng Ninh khai trương cùng lúc các đại dự án như: sân bay quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn vào cuối năm 2018.

Tiếp đó, vào tháng 4/2019, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80km cũng chính thức được khởi công, trở thành mảnh ghép cuối cùng để hoàn thiện tuyến giao thông gắn kết Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, cửa ngõ nối Trung Quốc với ASEAN, với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Bên cạnh đó, với hệ thống đường cao tốc hiện đại nối dài từ Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, thời gian di chuyển từ Hà Nội đi Vân Đồn chỉ còn 2,5 giờ và Vân Đồn đi Hải Phòng còn chưa đầy 1 giờ … khoảng cách giữa Vân Đồn đối với các tỉnh thành khác và quốc tế ngày càng được rút ngắn.

Ngoài hệ thống hạ tầng, Vân Đồn giờ đây cũng trở thành tâm điểm mới dành cho nhà đầu tư.

Hàng loạt chủ đầu tư tên tuổi rót tiền vào Vân Đồn bằng chuỗi dự án quy mô, có thể kể đến như: dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp có kinh doanh casino tại Vân Đồn có diện tích hơn 2.500ha với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD của Sun Group; Khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng với quy mô vốn 46.000 tỷ đồng của Tập đoàn FLC; Dự án con đường di sản Vân Đồn do Công ty Cổ phần Vân Đồn Heritage Road làm chủ đầu tư; dự án Trung tâm thương mại và nhà ở thấp tầng tại thị trấn Cái Rồng của Vingroup....

Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, kết nối nhanh chóng đến các thành phố trọng điểm trong nước cũng như quốc tế. Đây chính là cánh cửa rộng mở đưa Vân Đồn tiến gần hơn đến thị trường du lịch trên toàn thế giới.

Tin mới lên