Học thuật

Ổn định giá cả là gì ?

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Ổn định giá cả (price stability) là gì?

Ổn định giá cả là gì ?

Ổn định giá cả (price stability) là việc giữ cho mức giá chung trong nền kinh tế không thay đổi theo thời gian.

Ổn định giá cả (price stability) là việc giữ cho mức giá chung trong nền kinh tế không thay đổi theo thời gian. Ổn định giá cả hay giữ cho lạm phát ở mức thấp là một trong những mục tiêu chủ yếu của chính sách kinh tế vĩ mô.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Ổn định giá cả hay kiểm soát lạm phát là mục tiêu hàng đầu và là mục tiêu dài hạn của chính sách tiền tệ. Các ngân hàng Trung Ương (NHTW) thường lượng hoá mục tiêu này bằng tốc độ tăng của chỉ số giá cả tiêu dùng. Việc công bố công khai chỉ tiêu này là cam kết của NHTW nhằm ổn định giá trị tiền tệ về mặt dài hạn. Điều này có nghĩa là NHTW sẽ không tập trung điều chỉnh sự biến động giá cả về mặt ngắn hạn mà hướng tới mục tiêu lâu dài hơn. Do những biện pháp về chính sách tiền tệ tác động đến nền kinh tế có tính chất trung và dài hạn, hơn nữa khó có thể dự đoán chính xác kết quả sẽ xảy ra vào thời điểm nào trong tương lai, vì vậy sẽ là không khả thi đối với NHTW trong việc theo đuổi để kiểm soát giá cả trong ngắn hạn.

Ổn định giá cả có tầm quan trọng đặc biệt để định hướng phát triển kinh tế của quốc gia vì nó làm tăng khả năng dự đoán những biến động của môi trường kinh tế vĩ mô. Mức lạm phát thấp và ổn định tạo nên môi trường đầu tư ổn định, thúc đẩy nhu cầu đầu tư và đảm bảo sự phân bổ nguồn lực xã hội một cách hiệu quả. Đây là lợi ích quan trọng nhất, có tầm quan trọng sống còn đối với sự thịnh vượng kinh tế của quốc gia của ổn định giá cả. Lạm phát cao hay thiểu phát liên tục là rất tốn kém cho xã hội, thậm chí ngay cả trong trường hợp nền kinh tế phát triển khả quan nhất. Sự biến động liên tục của các tỷ lệ lạm phát dự tính làm méo mó, sai lệch thông tin và do đó làm cho các quyết định kinh tế trở nên không đáng tin cậy và không có hiệu quả. Nguy hiểm hơn, sự bất ổn định giá cả dẫn đến sự phân phối lại không dân chủ các nguồn lực kinh tế trong xã hội giữa các nhóm dân cư.

Tuy nhiên, theo đuổi mục tiêu ổn định giá cả không đồng nghĩa với tỷ lệ lạm phát bằng không. Những nghiên cứu về lạm phát cho thấy trong khi cố gắng duy trì lạm phát ở gần mức 0, chính sách tiền tệ dễ đưa nền kinh tế đi quá đà và rơi vào tình trạng thiểu phát gây hậu quả còn trầm trọng hơn, đó là làm nền kinh tế suy thoái. Hơn nữa các nhà nghiên cứu đã chứng minh một mức lạm phát dương sẽ có tác dụng bôi trơn và hâm nóng nền kinh tế nên sẽ có những ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng kinh tế. Theo các chuyên gia về chính sách tiền tệ ở châu Âu, mức lạm phát từ 1.5% đến dưới 4% là phù hợp với các nền kinh tế phát triển.

Tin mới lên