Bất động sản

‘Ông chủ’ cao tốc Hà Nội-Hải Phòng lo 'vỡ' phương án tài chính

(VNF) - Sau 10 năm triển khai dự án cao tốc Hà Nội – Hải phòng, Chủ đầu tư là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) vẫn chưa nhận được các khoản Nhà nước cam kết. Hiện VIDIFI đang phải “còng lưng” trả lãi ngân hàng, làm phá vỡ phương án tài chính và đứng trước nguy cơ phá sản.

‘Ông chủ’ cao tốc Hà Nội-Hải Phòng lo 'vỡ' phương án tài chính

Chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lo vỡ phương án tài chính

Doanh nghiệp “méo mặt” vì không nhận được vốn góp

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc VIDIFI, đến năm 2007, dự án QL 5 đã mãn tải, vì thế, việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là rất cấp bách. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn khó khăn, Chính phủ đã kêu gọi nhà nước và tư nhân cùng làm theo mô hình PPP.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đầu tư đường cao tốc theo hình thức đối tác công-tư (PPP), Nhà nước cần phải tham gia từ 30-50% tổng vốn đầu tư, phần còn lại do nhà đầu tư tham gia vốn và được hoàn vốn bằng thu phí. Như vậy, tổng mức đầu tư của dự án cao tốc này khoảng 44.818 tỷ đồng thì Nhà nước cần phải góp vốn tham gia ngay từ đầu khoảng từ 13.000-22.000 tỷ đồng.

“Vì đây là dự án có nguồn vốn lớn, nên Chính phủ đã quyết định giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) huy động vốn để góp vốn và cho VIDIFI vay với lãi suất sát với lãi suất thị trường (lãi suất giai đoạn 2008-2011) khoảng 14-15%/năm, những năm gần đây khoảng 10%/năm để đầu tư dự án”, ông Tỉnh nói.

Ông Tỉnh cho biết thêm: Sau khi hoàn thành tuyến đường, phần tham gia vốn Nhà nước và dự án được ngân sách Nhà nước bố trí một phần, một phần được sử dụng từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi đầu tư các khu đô thị, khu công nghiệp được hình thành sau khi xây dựng tuyến đường.

“Đối với phần tham gia trực tiếp của Nhà nước, ngân sách Nhà nước phải bố trí thanh toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 4.069 tỷ đồng, trả nợ gốc đến hạn các khoản vay nước ngoài (300 triệu USD-khoảng 6.690 tỷ đồng, thời gian từ 13-30 năm). Hiện nay, Chính phủ và các Bộ, ngành đã “hứa” thực hiện nhưng VIDIFI vẫn phải “chờ” suốt 3 năm qua”.

“Còn đối với dự án khu đô thị Gia Lâm, VIDIFI được sử dụng 4.723 tỷ đồng tiền sử dụng đất của khu đô thị để hoàn vốn. Hiện, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, có quyết định giao đất để thực hiện dự án và đang chuẩn bị nộp tiền sử dụng đất theo quy định”, ông Tỉnh cho biết.

Ông Tỉnh nhấn mạnh thêm: “Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn cho Tổng công ty. Thậm chí, VIDIFI cũng đã nhiều lần làm việc với các Bộ liên quan nhưng đến giờ vẫn chưa được hỗ trợ với những cam kết của Nhà nước”.

“Còng lưng” trả nợ

Trong khi các phần vốn góp của nhà nước chưa được nhận, thì hiện VIDIFI vẫn phải “còng lưng” trả nợ vì các khoản vốn vay thương mại.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh chia sẻ, từ khi dự án bắt đầu triển khai đến nay đã được 10 năm, các khoản Nhà nước cam kết trả cho nhà đầu tư theo quyết định số 746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được thực hiện. Do đó, VIDIFI vẫn đang phải tiếp tục vay VDB với lãi suất khoảng 10%/năm, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, khoản tiền sử dụng đất của khu đô thị Gia Lâm đến nay Tổng công ty vẫn chưa nhận được, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án.

Ông Tỉnh cho biết thêm: Trước đó, để đảm bảo năng lực tài chính tại dự án 2 tỷ USD này, VIDIFI đã phải tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên thành 18.706 tỷ đồng (đảm bảo mức tối thiểu 15% tổng mức đầu tư).

“Trong khi đó, tình hình tài chính hiện nay của VIDIFI rất khó khăn, tổng số vốn điều lệ là 3.800 tỷ đồng đã được Tổng công ty "rót" gần như toàn bộ vào dự án (khoảng 3.200 tỷ đồng). Do đó, nguồn vốn tự có của VIDIFI để tiếp tục tham gia vào doanh nghiệp dự án rất hạn chế, không có đủ năng lực”, ông Tổng giám đốc VIDIFI nói.

Ông Tỉnh bày tỏ, VIDIFI gặp khó khi VDB không cấp tiếp vốn điều lệ cho doanh nghiệp này để tham gia góp vốn bổ sung vốn điều lệ doanh nghiệp dự án; cùng với đó, VIDIFI lại không có đủ nguồn lực tài chính, kinh nghiệm triển khai dự án đối với khu đô thị Gia Lâm để hoàn vốn cho tuyến đường cao tốc này.

“Đây là dự án đầu tiên được thí điểm mô hình PPP nhưng Nhà nước chưa tạo điều kiện tốt, vậy tới đây, liệu các nhà đầu tư tư nhân nào dám làm đường cao tốc Bắc – Nam không?”, ông Tỉnh đặt vấn đề.

Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

Nói về vấn đề các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, ông Tỉnh tiết lộ, thời gian qua, có nhóm nhà đầu tư từ Australia, châu Âu tìm hiểu vấn đề chuyển nhượng một phần dự án.

Tuy nhiên, qua đánh giá của VIDIFI, các nhà đầu tư hiện nay đều băn khoăn, chưa đi vào đàm phán, thỏa thuận chi tiết các điều kiện chuyển nhượng vì họ cho rằng khoản cam kết hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án cần phải có lộ trình thực hiện rõ ràng.

Theo ông Tỉnh, sau hơn 3 năm đưa vào khai thác, tuyến cao tốc vẫn đảm bảo tốc độ 120km/giờ, suất đầu tư đường đạt theo đúng quy định của Bộ Xây dựng khi tương đương đồng bằng sông Hồng (10,4 triệu USD/km-khoảng 242 tỷ đồng/km) nhưng chất lượng đường đạt tiêu chuẩn quốc tế.

“Những năm đầu, lưu lượng phương tiện tăng đều từ 10-15% và với tốc độ này khoảng 12 năm sẽ mãn tải. Tuy nhiên, tuyến đường đã được dự trù giải phóng mặt bằng thêm 100m để sau này nếu có mở thêm làn xe thì sẽ không mất thêm đồng nào do được quy hoạch cho 50-80 năm sau”, ông Tỉnh nói.

Tin mới lên