Nhân vật

Ông chủ ngành in Ngô Tử Hạ và hành trình cho ra đời những ‘đồng bạc Cụ Hồ’

(VNF) - Nhà tư sản Ngô Tử Hạ - ông chủ ngành in của người Việt lúc bấy giờ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cẩn, mời tham gia chính quyền mới. Nhà in của ông đã in những tờ giấy bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thời đó gọi là “đồng bạc cụ Hồ” và ủng hộ hàng tạ chữ chì để in truyền đơn cho cuộc Cách mạng tháng Tám.

Ông chủ ngành in Ngô Tử Hạ và hành trình cho ra đời những ‘đồng bạc Cụ Hồ’

Ông Ngô Tử Hạ (đeo kính) bên Bác Hồ. Ảnh: T.L

Từ thợ in thuê… đến ông chủ ngành in

Trước cách mạng, nhà in nổi tiếng Ngô Tử Hạ là mạnh thường quân của các trí thức yêu nước muốn in ấn sách báo. Ông sinh (1882-1973), quê ở Quy Hậu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, rời quê hương nghèo đói lên Hà Nội lập nghiệp, làm thợ cho nhà in Ideo của Pháp từ năm 17 tuổi.

Công việc nặng nhọc, vất vả mà đồng lương chẳng được là bao song ông Ngô Tử Hạ vẫn kiên nhẫn ở lại làm. Sau vài năm dè sẻn chi tiêu, ông đã dành dụm đủ tiền mua được một chiếc máy in thẻ hương. Ông bèn thôi làm thuê, mà tự mình in thuê vỏ bao thẻ hương. Cứ cần mẫn, rồi ông cũng có tiền mua thêm một vài chiếc máy gỗ in vỏ bao hương nữa, mượn thêm thợ làm.

Từ bỏ lối làm nghề cò con với những chiếc máy in làm bằng gỗ đơn giản chỉ in được vỏ bao thẻ hương, ông Ngô Tử Hạ quyết hiện đại hoá dần việc kinh doanh nghề in của mình.

Ông mua những chiếc máy in được xem là hiện đại thời bấy giờ, chưa đủ tiền mua nhiều máy, thì ban đầu mua ít, tích luỹ vốn được kha khá nhờ quản lý tốt và tiết kiệm trong chi phí kinh doanh cũng như trong tiêu dùng hàng ngày của gia đình, ông lại bỏ tiền ra mua thêm máy in mới.

Cơ sở đặt máy, lập nhà in, trước ông đi thuê, sau ông mua hẳn một khu đất rộng bên đường phố Lý Quốc Sư, gần đền thờ Lý Triều Quốc Sư, lại cũng gần Nhà thờ lớn Hà Nội để xây dựng nhà in. Vị trí nhà in đắc địa, máy in nhiều và hiện đại, thợ in đông, giải quyết chóng vánh, uy tín của nhà in Ngô Tử Hạ ngày một được khẳng định. Khách hàng của ông bao gồm cả trong nước, lẫn từ nước ngoài, nhất là nước Pháp.

Tuy nhiên, ông rất căm ghét thực dân Pháp và thường giao hảo với những chí sĩ có lòng yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn...

Ngay từ trước cách mạng, ông Ngô Tử Hạ đã bí mật ủng hộ Việt Minh hàng tạ con chữ dùng để in (ngày ấy, người ta in theo phương pháp tipô, xếp các con chữ rời thành văn bản). Nhờ đó Việt Minh đã có thể in tài liệu, kể cả truyền đơn kêu gọi đánh Pháp đuổi Nhật, ủng hộ Mặt trận Việt Minh.

Ông chủ ngành in Ngô Tử Hạ ngoài cùng bên trái.

Cách mạng tháng Tám thành công, một cách thật tự nhiên, ông Ngô Tử Hạ đã trở thành “người mình”. Ngay từ những ngày đầu, ông đã giúp được Bác Hồ nhiều việc. Đầu tiên là chọn ngày tổ chức lễ Tuyên ngôn độc lập. Khi được Bác Hồ hỏi ý kiến về việc này, vốn là người rất coi trọng kỷ luật lao động, ông Ngô Tử Hạ đã khuyên nên tổ chức vào ngày mùng 2/9. Đơn giản là vì ngày này năm 1945 là Chủ nhật, hôm đó thợ thuyền được nghỉ nên có thể tham gia.

Thực tế đã cho thấy, lễ Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành công với sự tham gia của đông đảo dân chúng, trong đó có rất nhiều công nhân, viên chức từ khắp nơi kéo về.

Có độc lập rồi, nhưng dân ta vẫn chưa hết đói. Trong các biện pháp chống đói do Chính phủ đề ra, như thực hành tiết kiệm, tích cực tăng gia sản xuất, có biện pháp tức thời là quyên góp lương thực giúp những người đang đói.

Tại lễ cầu siêu cho các nạn nhân của nạn đói năm ấy, ông Ngô Tử Hạ đã tự tay kéo chiếc xe bò đi quanh hồ Hoàn Kiếm để vận động mọi người góp gạo cho đồng bào.

Đi chưa hết một vòng hồ Hoàn Kiếm thì gạo đã đầy xe. Về đến Nhà hát Lớn, gặp Bác Hồ, ông Ngô Tử Hạ chỉ cho Bác xem xe gạo lẫn lộn đủ các loại, gạo trắng, gạo đỏ, gạo nếp, ngô, lại có cả mấy ống đỗ. Bác Hồ nói: “Đấy mới là gạo đoàn kết. Nước ta có nhiều thứ gạo ngon, nhưng đây là thứ gạo ngon nhất”.

Nhà in đầu tiên in “đồng bạc cụ Hồ”

 

Tờ giấy bạc tài chính 100 đồng với chân dung Bác Hồ. Ảnh: TL

Theo tài liệu của giáo sư sử học Văn Tạo, khoảng tháng 10/1945 chính phủ đã cho mời các họa sĩ thực hiện bản vẽ các tờ bạc giấy. Trong đó, họa sĩ Mai Văn Hiến là người vẽ chính tờ bạc mệnh giá 5 đồng, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ tờ 10 đồng, họa sĩ Nguyễn Văn Khanh vẽ tờ 20 đồng...

Trong khi tạo bản vẽ các tờ bạc, một việc cũng rất quan trọng khác là tìm nhà máy in tiền. Trước đây, Ngân hàng Đông Dương của Pháp lo việc này, nhưng kể từ tháng 10/1945 họ đã bất hợp tác với Chính phủ Việt Minh.

Hà Nội thời điểm ấy không có nhiều nhà máy đủ khả năng in tiền, lại không phải nơi nào cũng có thể in được.

Một may mắn là thời điểm này có nhiều nhà tư sản ủng hộ kháng chiến như ông Ngô Tử Hạ, Đỗ Đình Thiện... có sẵn nhà máy ấn loát hoặc ủng hộ tiền bạc để trực tiếp mua giúp phương tiện hoạt động.

Ngày 31/1/1946, nhà in Ngô Tử Hạ là nơi được tin cậy, nhận trọng trách in những tờ giấy bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà nhân dân thời đó thường gọi là “đồng bạc cụ Hồ”.

Đồng tiền của chế độ mới có mệnh giá: 100 đồng, 50 đồng, 20 đồng, 10 đồng, 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào... Tất cả những đồng tiền này được in tại nhà in Ngô Tử Hạ, sau đó được vận chuyển về Bộ Tài chính ký và đóng dấu, đóng số sêri rồi mới được phát hành.

Những “đồng bạc cụ Hồ” được in và phát hành kịp thời không những đáp ứng nhu cầu chi dùng cho Chính phủ và nhân dân mà còn thống nhất tiền tệ, khẳng định chủ quyền độc lập của quốc gia.

Nhà in Ngô Tử Hạ, một trong những nhà in đầu tiên in tiền kháng chiến. Ảnh tư liệu Ngân hàng Nhà nước

Với những đóng góp to lớn, ông Ngô Tử Hạ được bầu làm đại biểu Quốc hội, rồi ủy viên Ban thường trực của Quốc hội khóa I và là đại biểu cao tuổi nhất.

Chưa đầy hai tháng sau, ngày 2/3/1946, Quốc hội chính thức khai mạc phiên họp đầu tiên, thông qua những quyết định vô cùng quan trọng: công nhận danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; bầu Ban Thường trực Quốc hội do ông Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban; bầu Ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 người.

Đáng nói là, phiên họp đặc biệt quan trọng ấy đã diễn ra với sự chủ trì của ông Ngô Tử Hạ - người nhiều tuổi nhất trong số các đại biểu. Ông Ngô Tử Hạ được Quốc hội suy tôn là Chủ tịch Đại hội đồng.

Nhận nhiệm vụ chủ tọa kỳ họp, ông trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn của Quốc hội: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam, chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ cộng hòa, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân”.

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Ngay trong đêm 19/12/1946, nhà in Ngô Tử Hạ ở số nhà 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội đã bị quân Pháp phun xăng đốt cháy. Ông cùng gia đình tản cư về quê hương Ninh Bình. Nhưng rồi giặc Pháp tìm mọi cách ép ông phải theo chúng. Để bảo toàn khí tiết, ông đã đưa gia đình sang Genève (Thụy Sĩ) cư trú.

Tháng 7/1954, Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng đoàn đại biểu Việt Nam sang đàm phán tại hội nghị Genève. Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, ông Ngô Tử Hạ theo phái đoàn Chính phủ trở về nước.

Ông tiếp tục công việc trong Ban Thường trực Quốc hội khóa I và khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập (10/9/1955), ông được bầu làm ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận. Là cộng sự gần gũi với Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông được mời tham gia Chính phủ.

Theo bản kê khai nhà đất xin hiến cho Nhà nước của gia đình ông Ngô Tử Hạ được lập vào ngày 29/7/1960, ông đã hiến tặng nhà số 24-48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện (diện tích 2.251m2), nhà số 60 Nguyễn Du (diện tích 1.095m2), nhà số 8 Lý Quốc Sư (diện tích 84m2), nhà số 4 ngõ 339 Thịnh Yên (diện tích 2.210m2), nhà số 31 Hàng Bông (diện tích 182m2). Gia đình ông chỉ giữ lại 200m2 ở số nhà 24-48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện để ở và sau này làm nơi thờ tự.

Tin mới lên