Diễn đàn VNF

Ông Đặng Hồng Anh: 'Doanh nghiệp cần chuyển sang trạng thái ngủ đông khi khủng hoảng'

(VNF) - Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, khuyến nghị các doanh nghiệp cần chuyển sang trạng thái "ngủ đông" khi đối diện với khủng hoảng.

Ông Đặng Hồng Anh: 'Doanh nghiệp cần chuyển sang trạng thái ngủ đông khi khủng hoảng'

Ông Đặng Hồng Anh

Theo ông Đặng Hồng Anh, có 5 lý do khiến doanh nghiệp cần chuyển sang trạng thái ngủ đông khi khủng hoảng. Một là doanh thu giảm sút hoặc không có. Hai là biến phí giảm do doanh thu giảm nhưng định phí vẫn giữ nguyên khiến mất cân đối thu chi. Ba là lợi nhuận âm và doanh nghiệp phải lấy quỹ dự phòng để duy trì dòng tiền. Bốn là doanh nghiệp cần tồn tại qua khủng hoảng, mất thanh khoản, mất vốn là mất hết. Năm là doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực để phục hồi sau khủng hoảng, thiếu nguồn lực thì mất cơ hội.

Ông Đặng Hồng Anh nhấn mạnh: chuyển sang trạng thái ngủ đông bằng việc cắt giảm chi phí không phải bởi tình trạng tài chính của doanh nghiệp không ổn mà đây là việc doanh nghiệp ứng phó với việc giảm sút nguồn thu và cân bằng thu chi.

"Không có thu thì giảm chi. Giá cổ phiếu xuống thì chúng ta có thể đổ tiền ra cứu. Chi phí và doanh thu mất cân đối khiến dòng tiền âm, đến khi các quỹ của chúng ta hết tiền thì không ai cứu được. Lúc này, uy tín thương hiệu vẫn quan trọng nhưng còn tồn tại và phục hồi nhanh sau khủng hoảng mới là điều quan trọng nhất".

Theo ông Đặng Hồng Anh, việc cắt giảm chi phí nên được thực hiện theo từng nhóm. Một số nhóm chi phí có thể thực hiện được ngay gồm: chi phí nhân sự, chi phí điện nước, văn phòng phẩm, chi phí tiếp thị, thuế…

Trong nhóm chi phí nhân sự, có 3 nhóm nhỏ gồm: không thể cắt giảm, có thể cắt giảm và cắt giảm ngay lập tức.

Nhóm không thể cắt giảm gồm cán bộ lãnh đạo chủ chốt và cán bộ thâm niên. Với nhóm này, doanh nghiệp vận động tạm dừng nhận lương và phụ cấp trong 6 tháng, treo khoản lương và trợ cấp nhận sau khi khủng hoảng kết thúc và hoạt động kinh doanh có doanh thu đồng thời giảm số ngày làm việc mỗi tuần.

Đối với nhóm có thể cắt giảm (gồm những nhóm trực tiếp tạo ra doanh thu), doanh nghiệp cần cho nhóm này tạm dừng nhận 50% lương và phụ cấp, giữ ở mức duy trì cơ bản cuộc sống, treo khoản lương và trợ cấp nhận sau khi khủng hoảng kết thúc và hoạt động kinh doanh có doanh thu đồng thời giảm số ngày làm việc mỗi tuần.

Đối với nhóm cắt giảm ngay lập tức (nhóm gián tiếp tạo ra doanh thu) doanh nghiệp nên cho nghỉ vì nhóm này có thể tuyển thay thế sau khi khủng hoảng kết thúc và kinh doanh phục hồi.

Để cắt giảm chi phí điện nước, văn phòng phẩm, ông Anh khuyến nghị các doanh nghiệp thực hiện giải pháp làm việc tại nhà, giảm ngày làm việc còn 3-4 ngày/tuần…..

Để cắt giảm chi phí thuế, doanh nghiệp cần xin miễn giảm và hoãn nộp tất cả các loại thuế, phí (BHXH, phí công đoàn, thuế VAT….) đến khi kết thúc khủng hoảng và phục hồi kinh doanh.

Vị chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam lưu ý: điều tối kỵ với các doanh nghiệp là sử dụng các khoản vay ngân hàng để duy trì thanh khoản và dòng tiền trong lúc khủng hoảng. Các khoản vay nên dùng để phục hồi kinh doanh sau khi khủng hoảng kết thúc.

Theo ông, việc thực hiện các giải pháp ngủ đông như trên sẽ giúp doanh nghiệp duy trì được dòng tiền tối thiểu vượt qua khủng hoảng, giữ được bộ máy chủ chốt hoạt động để có thể phục hồi kinh doanh ngay sau khi kết thúc khủng hoảng.

“'Lúc có thì chẳng ăn de, đến khi hết sạch ăn dè chẳng ra' – lúc này khi chưa biết khủng hoảng khi nào kết thúc thì giải pháp ngủ đông là cần thiết và cấp bách cho tất cả các doanh nghiệp lớn hay nhỏ, dù có hay không có áp lực mất thanh khoản hay khủng hoảng dòng tiền", ông Anh nhấn mạnh.

Tin mới lên