M&A

Ông Hạnh Nguyễn trước cơ hội 'mua đứt' Tràng Tiền Plaza

Ông Hạnh Nguyễn đã đeo đuổi Tràng Tiền Plaza nhiều năm qua và nay đang đứng trước cơ hội có thể mua đứt trung tâm thương mại đắc địa nhất Hà Nội khi Bộ Công Thương vừa đề nghị thoái hết vốn nhà nước tại đây.

Ông Hạnh Nguyễn trước cơ hội 'mua đứt' Tràng Tiền Plaza

"Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn

Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) của ông Hạnh tháng 4 vừa rồi đã thâu tóm thành công doanh nghiệp (DN) dịch vụ hàng không lớn nhất Việt Nam. Cuối tháng 4, HĐQT CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất - SASCO (SAS) đã bổ nhiệm ông Johnathan Hạnh Nguyễn vào vị trí Chủ tịch HĐQT thay cho bà Đoàn Thị Mai Hương.

SASCO là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại tại sân bay lớn nhất cả nước với các nguồn thu chính gồm: kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách sân bay, bán lẻ tại trung tâm thương mại,... trong đó, khoảng 50% - 65% tổng doanh thu đến từ việc kinh doanh hàng miễn thuế. Năm 2016, công ty đạt gần 2.100 tỷ doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 234 tỷ.

Dù Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hiện vẫn là cổ đông lớn nhất, sở hữu 49,8% cổ phần SASCO, nhưng với chiến lược M&A kiên trì và khôn khéo, ông Hạnh Nguyễn đã nắm giữ 44% cổ phần SAS, thông qua một số DN gia đình như: Tập đoàn IPP Group, Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) và Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC).

Bố chồng nữ diễn viên nổi tiếng Tăng Thanh Hà được bầu vào HĐQT SAS từ năm ngoái. Vợ ông Hạnh Nguyễn, bà Lê Hồng Thủy Tiên hiện cũng là thành viên HĐQT SASCO.

Ngay trước khi ông Hạnh nhận ghế Chủ tịch, tình hình kinh doanh của SASCO cũng đã chuyển biến rất khả quan. Theo báo cáo tài chính quý 1/2017 doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ SASCO  đạt 586,55 tỷ đồng, tăng 35 tỷ đồng so với cùng kỳ tương ứng mức tăng 6%. Trong đó, riêng doanh thu từ hàng hóa bán tại các cửa hàng miễn thuế đạt 287,4 tỷ đồng. 

Ứng viên số 1

Với  nguồn lực tài chính dồi dào, chiến lược thâu tóm không giấu giếm và đặc biệt là tham vọng 1 tỷ USD doanh thu cho IPP, rõ ràng ông Hạnh Nguyễn là ứng viên số 1 trong việc mua đứt trung tâm thương mại (TTTM) lâu đời nhất Thủ đô, nơi ông đang là khách thuê hiện hữu.

Như Nhadautu.vn đã thông tin, chủ sở hữu khu trung tâm thương mại này là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền nơi SCIC sở hữu 90% vốn điều lệ và Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sở hữu 10% còn lại.

Trước khi được chuyển giao về SCIC, Tràng Tiền Plaza thuộc sở hữu của Công ty TNHH Tràng Tiền – công ty con của Tổng công ty Vinaconex. Trong quá trình cổ phần hóa Vinaconex, phần vốn góp của Vinconex tại đây được chuyển giao lại cho SCIC.

Sau khi về tay SCIC, Tràng Tiền Plaza được xác định liên doanh với đối tác nước ngoài, định vị trở thành trung tâm mua sắm hàng hóa cao cấp, phục vụ chủ yếu tầng lớp có thu nhập cao và khách nước ngoài.

Khi chi ra 400 tỷ đồng cải tạo công trình này và mời nhà đầu tư quốc tế góp 3.000 tỷ đồng vào Tràng Tiền Plaza, ông Johnathan Hạnh Nguyễn tuyên bố: "Tôi không chơi ngông, liều lĩnh hay thiếu suy nghĩ. Bởi với tôi, Tràng Tiền Plaza không đơn giản là một trung tâm thương mại mà còn là khát vọng một đời của một người con xa xứ".


Tràng Tiền Plaza vẫn vắng khách mua sắm dù toạ lạc ở vị trí đắc địa nhất Hà Nội

Nói là làm, dù tình hình kinh doanh hàng hiệu tại Tràng Tiền Plaza được quan sát là khá vắng vẻ kể từ khi khai trương đến nay, nhưng người ta chưa bao giờ thấy ông Hạnh tỏ ra nản lòng.

Còn nhớ hồi cuối năm 2013, ông Nguyễn Văn Đực, khi đó là Phó giám đốc công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM còn sốt ruột đến mức đưa ra lời khuyên nhủ: Nên tạm đóng cửa Tràng Tiền Plaza, đừng phóng lao rồi theo lao để rồi dẫn tới bước đường cùng. Dù vậy, ông Hạnh Nguyễn vẫn giữ thái độ bình tĩnh đến ngạc nhiên. "Tràng Tiền vẫn sống khỏe, chúng tôi không hề thua lỗ và chúng tôi không chết đâu", ông trả lời CafefLand, chuyên trang của Tạp chí Nhà đầu tư thời điểm đó.

Chi phí bao nhiêu?

Việc định giá Tràng Tiền Plaza hẳn sẽ là đề tài tiêu tốn nhiều giấy mực báo chí tới đây. Toạ lạc tại Bờ Hồ, Tràng Tiền Plaza không chỉ là "đất vàng" mà còn được mệnh danh là "đất kim cương". Ngay đối diện TTTM này, tại số nhà 22 Hàng Bài, giá đất từng được hét tới 1 tỷ đồng/m2 khi đến bù giải phóng mặt bằng.

Khảo sát của PV Nhadautu.vn cho thấy, dù theo bảng giá đất Hà Nội do UBND TP ban hành, giá đất cao nhất được niêm yết là 162 triệu đồng/m2, tuy nhiên thực tế thì dọc các tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm, giá đất luôn được hét từ 700 triệu – 1 tỷ đồng/m2.

Theo một nhà môi giới bất động sản, với diện tích đất 4.346 m2, tạm tính giá đất khoảng 500 triệu đồng/m2, vậy riêng tiền đất thì khu TTTM này đã có giá trị  2.173 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền gần đây nhất (đăng ký thay đổi lần 15, ngày 15/12/2016), "chủ nhân" của Tràng Tiền Plaza chỉ có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Trong đó, SCIC góp 18 tỷ, Hapro góp 2 tỷ đồng.


Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền - "chủ nhân" của Tràng Tiền Plaza có vốn điều lệ 20 tỷ đồng

Dĩ nhiên, câu chuyện thoái vốn nhà nước tại công ty này sẽ còn rất dài bởi ngay quan điểm thoái toàn bộ hay giữ lại 51% hiện vẫn còn chưa thống nhất. Trong khi Bộ Công Thương đề nghị thoái toàn bộ vốn nhà nước tại đây  thì SCIC lại đề nghị phải giữ lại 51%. Và kể cả khi đã thống nhất về quan điểm thì quy trình thủ tục từ định giá doanh nghiệp đến đấu giá công khai còn rất nhiều bước với nhiều cấp phê duyệt theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, để tránh thất thoát tài sản nhà nước khi cổ phần hoá, tại cuộc họp với Kiểm toán Nhà nước hồi đầu năm nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước đánh giá sâu sát hơn việc sắp xếp đất đai trước khi cổ phần hóa. Phó Thủ tướng chỉ rõ, khi thực hiện cổ phần hóa, nhà đầu tư cam kết sử dụng đất đai theo quy hoạch nhưng sau khi cổ phần hóa xong thì lại có chuyện chuyển đổi quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch ban đầu.

Do đó, việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nhà nước gắn với các lợi ích về đất đai đang được các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn là tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Để nhìn nhận rõ hơn thực tế này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đang giao các bộ, ngành nghiên cứu có cho phép doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa được chuyển đổi quyền sử dụng đất hay không? Trường hợp nào được phép và cấp nào có thẩm quyền nào sẽ ra quyết định cho phép chuyển đổi?

Việc chỉnh lý chính sách cũng như vậy cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn tại Tràng Tiền Plaza và tham vọng sở hữu của bố chồng Hà Tăng.

Tin mới lên