Tài chính quốc tế

Ông Kim yêu cầu các tướng lĩnh kiềm chế trước thượng đỉnh với Tổng thống Trump

Quan chức Mỹ cho biết ông Kim Jong Un ra lệnh các tướng quân đội không được phép leo thang căng thẳng trước khi cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội với ông Trump diễn ra.

Ông Kim yêu cầu các tướng lĩnh kiềm chế trước thượng đỉnh với Tổng thống Trump

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ thị cho quân đội "án binh" trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội hồi cuối tháng 2. (Ảnh minh họa: AFP)

Theo CNN, đây là dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên rất mong muốn hội nghị thượng đỉnh Hà Nội kết thúc với một thoả thuận.

Quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết ông Kim đã lo lắng về việc bất kỳ chuyển động vô tình nào của các đơn vị quân đội sẽ làm gia tăng căng thẳng trước thềm hội nghị. Nhà lãnh đạo Triều Tiên ban hành mệnh lệnh cụ thể trong đó yêu cầu các lực lượng quân sự giữ nguyên vị trí trong tình trạng không chuẩn bị tác chiến, không di chuyển trên thực địa.

Ông Kim đánh giá sai tình hình

Mục đích của ông Kim là đảm bảo duy trì các biện pháp xây dựng lòng tin hiện tại, đặc biệt là ở khu phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, với mong muốn thuyết phục ông Trump nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên.

Quan chức Mỹ giấu tên nhận định ông Kim đã đánh giá sai tình hình khi cho rằng có thể thuyết phục Tổng thống Trump nới lỏng trừng phạt mà không cần tiến tới phi hạt nhân hoá hoàn toàn. Vị quan chức này cho biết: "Ông ấy (Kim) đã đánh giá thấp tổng thống".

Cũng theo nguồn tin này, các lực lượng quân đội Triều Tiên trở lại hoạt động bình thường sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc, và mệnh lệnh này không bao gồm các đơn vị tên lửa và hạt nhân, vốn luôn nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Kim.

Mệnh lệnh này của ông Kim được cho là đã giảm thiểu khả năng các đơn vị quân đội Triều Tiên vô tình mắc sai lầm. Phía Mỹ cũng không tìm thấy bằng chứng về một hành động khiêu khích nào từ Bình Nhưỡng.

Một số quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ cho biết họ không phát hiện dấu hiệu của việc ông Kim sẽ thực hiện các vụ phóng vệ tinh, phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân trong tương lai gần.

Đây là những hành vi được Mỹ cho là khiêu khích mạnh mẽ, và ưu tiên của ông Kim chính là việc được nới lỏng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là xây dựng thêm các quan hệ kinh tế với Hàn Quốc, khía cạnh mà Washington và Seoul đang có quan điểm khác biệt, và cuối cùng sẽ kéo Tổng thống Moon Jae In ra khỏi lập trường của Mỹ về phi hạt nhân hoá.

Các quan chức Bộ Quốc phòng cũng khẳng định Mỹ tiếp tục coi nhà lãnh đạo Triều Tiên là một nhân vật có lý lẽ, người vẫn quyết tâm kiểm soát chặt các tướng lĩnh quân đội.

Ông Kim sẽ không leo thang vào lúc này

Mỹ vẫn chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên đang tiến tới phi hạt nhân hoá.

"Những hoạt động của họ mà chúng ta quan sát được không tương ứng với phi hạt nhân hoá", tướng Robert Abrams, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, phát biểu trước quốc hội vào tuần trước.

Tình báo Mỹ cho biết việc tái tạo các cơ sở tại bãi phóng vệ tinh Tongchang-ri sẽ tạo điều kiện để Bình Nhưỡng thực hiện một vụ phóng vệ tinh hoặc tên lửa tầm xa trong tương lai, nhưng họ tin rằng ông Kim sẽ không làm điều đó vào lúc này vì muốn được nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Tương tự, phía Mỹ cũng đang theo dõi các hoạt động tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon, nhưng Triều Tiên cũng không cho thấy dấu hiệu sắp thử hạt nhân ở khu vực này.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đã tiến hành lắp đặt lại các thiết bị ở bãi phóng vệ tinh Tongchang-ri. Ảnh: AP.

Những nhận định này được đưa ra thông qua "lượng khổng lồ" các thông tin chi tiết mà phía Mỹ thu thập được.

Tướng Abrams cũng cảnh báo quốc hội Mỹ về nhu cầu nâng cấp các hệ thống thu thập thông tin tình báo, đề phòng trường hợp căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng lại gia tăng trong tương lai.

Mặc dù vậy, vào một thời điểm nào đó, Triều Tiên vẫn có thể hướng tên lửa đạn đạo tầm xa về phía Mỹ, và Mỹ có thể sẽ không phát hiện được trước khi nó được phóng, khiến việc phi hạt nhân hoá là ưu tiên quan trọng cho hoạt động phòng vệ của Mỹ.

Quan chức Mỹ cũng nói thêm rằng Triều Tiên đang thực hiện những vụ thử trong phòng thí nghiệm để tránh con mắt của các vệ tinh Mỹ. "Rất khó để nhìn thấy điều đó", quan chức này cho biết.

Một trong những lý do mà phía Mỹ tin rằng ông Kim sẽ không nhanh chóng leo thang trở lại vì Washington cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi đưa ra quyết định, và hai nhà lãnh đạo sẽ khuyên ông Kim không làm điều đó.

Washington cho rằng Bắc Kinh đang không áp dụng triệt để các biện pháp trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, ông Kim Jong Un vẫn đang cố gắng để đạt được những sự nhượng bộ từ Hàn Quốc - động thái có thể gây chia rẽ ông Moon và ông Trump.

Tin mới lên