Tài chính

'Ông lớn' Licogi kinh doanh bết bát, lo không bảo toàn vốn đầu tư Nhà nước

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, Tổng công ty Licogi chưa bảo toàn vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp, doanh thu của công ty mẹ và toàn tổng công ty trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 giảm so với cùng kỳ năm trước.

'Ông lớn' Licogi kinh doanh bết bát, lo không bảo toàn vốn đầu tư Nhà nước

Tình hình kinh doanh của Licogi có phần giảm sút trong thời gian qua.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng công ty Licogi - CTCP.

Báo cáo cho biết, năm 2017, tổng doanh thu của Tổng công ty đạt 2.721 nghìn tỷ đồng, giảm 200 tỷ đồng so với năm 2016, tương đương mức giảm 7%. Lợi nhuận kế toán trước thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 âm 58,7 tỷ đồng.

Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 của Công ty mẹ đạt gần 1.314 tỷ đồng, giảm 0,35% so với 6 tháng đầu năm 2017. Lợi nhuận trước thuế đạt vỏn vẹn chưa tới 10 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đánh giá, kết quả kinh doanh thua lỗ năm 2017 dẫn đến hệ số bảo toàn vốn và mức độ bảo toàn vốn của công ty mẹ năm 2017 lần lượt là 0,83 và 0,56; hệ số bảo toàn vốn và mức độ bảo toàn vốn của Tổng công ty thấp hơn lần lượt 0,79 và 0,49.

“Kết quả trên cho thấy Tổng công ty chưa bảo toàn vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp, doanh thu của công ty mẹ và toàn tổng công ty trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 giảm so với cùng kỳ năm trước”, Bộ Tài chính đánh giá và đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo người đại diện vốn tại Tổng công ty có báo cáo nguyên nhân việc doanh thu liên tục giảm cũng như có giải pháp khắc phục.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng, công ty mẹ - Tổng công ty Licogi đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là các khoản nợ có kỳ hạn dưới 3 tháng, do tài sản ngắn hạn của Tổng công ty chủ yếu là nợ phải thu và hàng tồn kho, số dư tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm 30/6/2018 chỉ khoảng 40 tỷ đồng.

Trước đó, đơn vị kiểm toán cũng lưu ý: “Tại ngày 31/12/2017, tổng nợ ngắn hạn của Tổng công ty - công ty mẹ vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.232 tỷ đồng. Những sự kiện này cùng với các vấn đề khkacs cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty - công ty mẹ”.

Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở hệ số nợ và cơ cấu tài sản ngắn hạn có thể thấy khả năng thanh toán của Tổng công ty cũng như Công ty mẹ phụ thuộc lớn vào công tác bán hàng tồn kho và thu hồi nợ. Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại Licogi có giải pháp đẩy mạnh công tác bán hàng, giảm hàng tồn kho, đôn đốc thu hồi nợ đúng hạn, đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Về hoạt động đầu tư, qua rà soát báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính Công ty mẹ năm 2017, Bộ Tài chính nhận thấy, Tổng công ty chưa trích lập dự phòng theo quy định. Về việc này, đơn vị kiểm toán cũng có ý kiến cho biết, nếu trích lập dự phòng đầu tư vào công ty con thì khoản mục đầu tư tài chính dài hạn và lợi nhuận sau thuế sẽ giảm đi tương ứng 55 tỷ đồng.

Bộ Tài chính theo đó đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại Licogi rà soát lại các khoản đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại các đơn vị và thực hiện trích lập dự phòng các khoản đầu tư đúng quy định đảm bảo báo cáo tài chính phản ánh đúng tình hình tài chính của doanh nghiệp.

>>> Xem thêm: TTCK tuần 18/2 - 22/2: 'Thanh khoản tốt, VN-Index có thể áp sát 1.000 điểm'

Tin mới lên