Tài chính

Ông Nguyễn Đăng Quang và cam kết "trái ngọt nhất ở cuối con đường"

(VNF) - Sau nhiều năm liền không chi trả cổ tức cho cổ đông, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan đã trấn an cổ đông rằng "trái ngọt nhất ở cuối con đường chứ không phải hai bên con đường".

Ông Nguyễn Đăng Quang và cam kết "trái ngọt nhất ở cuối con đường"

Ông Nguyễn Đăng Quang trong một sự kiện của Masan

Ngày 01/04, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2016 để cùng nhìn lại 20 năm phát triển của Tập đoàn, thông qua kế hoạch lãi 2.000 tỷ đồng và tiếp tục ESOP 10 triệu cổ phiếu trong năm 2016.

Ấn tượng và thành công là những tất cả những gì có thể dùng để mô tả về đại hội lần này. Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả với đông đảo cổ đông cùng những nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu MSN là phát biểu của Chủ tịch Masan, ông Nguyễn Đăng Quang.

Sau nhiều năm liền không chi trả cổ tức cho cổ đông nên khi bị "truy" tại đại hội lần này, ông Quang đã trấn an cổ đông rằng "trái ngọt nhất ở cuối con đường chứ không phải hai bên con đường".

Ông cho rằng có ba yếu tố cấu thành chính tạo nên nền tảng cho sự phát triển lớn là nguồn lực tài nguyên, nguồn nhân lực để dẫn dắt sự thay đổi tạo ra giá trị tương lai và nguồn lực tài chính. Đó chính là những yếu tốt cốt lõi tạo ra niềm tin và giá trị.

Hiện tại, Masan có hơn 1 tỷ USD tiền mặt trong hệ thống, hoàn toàn có thể tạo nên sức mạnh trong việc kinh doanh, giữ được vị trí chiến lược của mình, mang lại tỷ lệ hoàn vốn đầu tư cao nhất và tạo ra các mô hình kinh doanh khác biệt tại Việt Nam.

Việc tập đoàn này tiếp tục phát hành quyền sở hữu cổ phần cho người lao động (ESOP) 10 triệu cổ phiếu đợt này, theo ông Quang đó là "niềm tin chiến lược", làm cho "mỗi thành viên của Masan cùng nằm trong tâm thế như cổ đông để tạo ra giá trị" và cùng mong muốn phát triển lâu dài.

Như vậy, cũng như ở đại hội trước, yếu tố giá trị tương lai tốt hơn được lãnh đạo Masan sử dụng để giải thích cho việc không chia cổ tức nhiều năm liền của mình.

Hành trình đi tìm trái ngọt

Tròn 20 năm kể từ ngày đầu thành lập, Masan từ một công ty không không mấy tên tuổi đã trở thành một tập đoàn thương hiệu tại Việt Nam. Với thương hiệu và công nghệ mạnh, Masan đã chuyển mô hình từ B2B (Business to Business) sang B2C (Business to Customer) và tham gia những lĩnh vực có sự tăng trưởng tiêu dùng với những sản phẩm chất lượng và mang lại lợi nhuận cao như nước mắm Nam Ngư, Chinsu, mỳ ăn liền Hảo hảo...

Hiện tại Masan có ngành hàng tiêu dùng, đạm động vật, ngân hàng và nguồn tài nguyên thiên nhiên, sắp tới Masan Consumer còn là người "truyền bá văn hóa ẩm thực Việt Nam".

Trong nhiều năm qua Masan đã tích lũy được 1 tỷ USD Ebitda (thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao) lũy kế (2008-2015) và 2 tỷ USD vốn từ các tổ chức uy tín, tăng trưởng vốn hóa bình quân kép 90%.

Năm 2015 đánh dấu một năm đại thành công của Masan khi doanh thu tăng đột biến và rất nhiều thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) doanh nghiệp.

Trong năm 2015, Tập đoàn thực hiện được 30.628 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 90% so năm 2014 và 1.478 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận chưa phân phối tính đến 31/12/2015 của Masan là 8.561,4 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản mục tiền và tương đương tiền của Masan tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2015 ở mức 8.324,5 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, Masan đã  tiến hành nhiều thương vụ M&A như mua 100% cổ phần của Công ty Thực phẩm Dinh dưỡng Sài Gòn; mua lại Công ty TNHH Sam Kim, cổ đông kiểm soát hai công ty Proconco và Anco, sau đó được đổi tên thành Masan Nutri Science tháng 4/2015; mua lại cổ phần kiểm soát của Công ty Nước khoáng Thiên nhiên Quảng Ninh, chủ thương hiệu Quang Hanh.

Vào tháng 12/2015, Masan Consumer Holdings(MCH) và  Shingha ký thỏa thuận đối tác chiến lược bằng việc tổ chức này đầu tư 1.1 tỷ USD vào MCH và mảng kinh doanh bia của Masan, đợt góp đầu tiên trong tháng 12/2016 với khoản tiền 650 triệu USD, giúp Masan có thể tiếp cận với thị trường ngoài nước, trước mắt là tới thị trường khu vực Asean đất liền.

Đâu là điểm cuối con đường?

Để tiếp tục con đường "đi tìm trái ngọt nhất" của mình, trong những tháng đầu năm 2016, Masan Beverage đã tăng sở hữu cổ phần tại VinaCafe Biên Hòa (VCF) lên 60,16%, đồng thời Masan Nutri Science đã mua 14% vốn của Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản(Vissan) để trở thành cổ đông chiến lược.

Có thể thấy lãnh đạo Masan đã thống nhất trong lời nói và hành động, các kế hoạch đề ra đều được thực hiện triệt để và mang lại hiệu quả cao.

Tuy vậy, để tăng doanh thu và lợi nhuận cho tập đoàn trong tương lai, Masan đã và đang tiến hành đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh bằng nhiều hình thức trong đó M&A doanh nghiệp được tiến hành nhiều hơn cả.

Bằng lượng tiền mặt và tiềm lực dồi dào của mình, Masan có thể dễ dàng đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, tạo ra vị thế và giá trị thương hiệu lớn trong tương lai.

Vấn đề là, nhà đầu tư vẫn chưa rõ trong kế hoạch của mình, đâu là điểm cuối trên con đường mà Masan đang đi. Liệu con đường mà Masan đang đi có suôn sẻ như những kế hoạch đã được đề ra trong nhiều năm tới hay không?.

Và liệu trên hành trình đi tìm "trái ngọt nhất" của mình cùng với Masan có khiến nhà đầu tư trở nên mệt mỏi, nhất là khi "trái ngọt nhất" ở phía cuối con đường...

Tin mới lên