Tiêu điểm

Ông Nguyễn Quang A: Từ 'nhà buôn chuyên nghiệp' đến ứng viên Quốc hội

(VNF) - Trong 48 ứng viên tự ứng cử vào Quốc hội khóa XIV của thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Quang A được xem là nhân vật được biết đến nhiều nhất bởi hành trình nghiệp khá đặc biệt của vị Tiến sỹ này.

Ông Nguyễn Quang A: Từ 'nhà buôn chuyên nghiệp' đến ứng viên Quốc hội

Ông Nguyễn Quang A.

Vừa qua, hội nghị hiệp thương lần thứ hai của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức đã biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 87 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Trong số 87 người ứng cử có 39 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu, còn lại 48 người tự ứng cử. Trong số 48 người tự ứng cử này, ông Nguyễn Quang A là ứng cử viên độc lập được nhiều người biết đến với tư cách một chuyên gia độc lập về tin học, kinh tế, tài chính, nhà báo tự do.

Nguyễn Quang A, sinh năm 1946 tại tỉnh Bắc Ninh là cựu Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Hungary, nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Công ty 3C, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS và đồng sáng lập Ngân hàng VP Bank.

Năm 1965, ông Nguyễn Quang A được đi học tại Hungary ngành vô tuyến điện, rồi làm luận án Phó Tiến sỹ và Tiến sỹ cũng ở đó. Đã từng làm giáo sư Đại học Bách khoa Budapest - một trường có lịch sử hơn 200 năm ở Hungary, trải qua các công việc ở Viện Kỹ thuật quân sự, Tổng cục Điện tử Việt Nam,... ông rẽ cuộc đời sang một hướng khác. Đi làm "con buôn theo đúng nghĩa", ông từng nói vậy.

Trong thập niên 80 thế kỷ trước, Tiến sỹ Nguyễn Quang A là một trong những trí thức đầu tiên của Việt Nam chuyển sang kinh doanh cá thể rất thành công với các cương vị Tổng giám đốc Liên doanh Genpacific (1988-1993), sáng lập viên Công ty Máy tính Truyền thông Điều khiển 3C (1993), sáng lập viên, Chủ tịch Ngân hàng VPBank (1993).

Năm 1987, sau khi làm luận án Tiến sỹ khoa học, về nước ông Nguyễn Quang A được phân vào làm ở Tổng cục Điện tử Việt Nam. Tuy nhiên do những bất ổn tại cơ quan, đúng lúc đó một người bạn đang làm ở Sài Gòn rủ ông vào làm một dự án về phần mềm tin học, thấy dự án hay và phù hợp, ông quyết định bỏ Hà Nội vào Sài Gòn. Công việc đó nay gọi là thuê ngoài (outsourcing).

Công việc cụ thể là hợp tác với một công ty ở bên Pháp để làm phần mềm thuê ngoài, công ty có tên là Genpacific - được xem là công ty làm outsourcing đầu tiên ở Việt Nam. 

Tại đây, ông cùng hơn hai mươi người lập trình khác đã viết được những phần mềm phục vụ được những nhu cầu của khách hàng Pháp và châu Âu. Tuy nhiên, dự án đó đã thất bại hoàn toàn. 

Sau khi dự án phần mềm bị thất bại, ông cùng đồng nghiệp chuyển sang hướng làm phần cứng là sản xuất máy vi tính theo dây chuyền lắp ráp máy vi tính với đầy đủ quy trình, thiết bị nhập từ Pháp về tại nhà máy điện tử Bình Hòa. Khi đó vẫn còn đang cấm vận, nên máy làm ra được bán với giá rất đắt (khoảng 5.000 USD - 6.000 USD một chiếc) với cấu hình thấp, Tiến sỹ A cho biết. 

Hợp đồng đầu tiên mà ông cùng nhóm đồng nghiệp ký với khách hàng Liên Xô trị giá 2,7 triệu USD, nhưng theo hình thức giao máy cho Liên Xô, Liên Xô giao phân bón cho Pháp, Pháp lại giao linh kiện về Việt Nam.

Nhưng cuối cùng do đang đổi mới, Liên Xô không thể giao phân bón cho Pháp được. Tuy nhiên, hợp đồng thì đã ký nên cuối cùng phía họ phải tìm cách bù bằng một hợp đồng khác. Không phải hàng đổi hàng nữa mà là trả tiền mặt, mở LC.

"Thế là từ một anh làm gia công, chúng tôi trở thành một người chủ bán hàng thực sự", ông A từng nói. Giá trị hợp đồng lúc đó không còn là 2,7 triệu USD nữa mà chỉ còn gần 2 triệu USD, nhưng được trả bằng tiền mặt.

Sau này, ông thành lập ra Công ty Máy tính - Truyền thông - Điều khiển (3C), và từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Năm 1993, ông cũng  tham gia sáng lập Ngân hàng ngoài Quốc doanh VP Bank nay là Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng.

Bên cạnh công việc kinh doanh, ông cũng là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng trên tư cách nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS, một tổ chức mở và độc lập, phi lợi nhuận, tập hợp một đội ngũ trí thức chuyên tìm hiểu và nghiên cứu các vấn đề liên quan đến các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế xã hội).

Ông cũng tham gia nhiều tổ chức xã hội khác như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội tin học Việt Nam với vai trò Chủ tịch nhiệm kỳ thứ 3.

Đặc biệt, Tiến sỹ Nguyễn Quang A còn say mê dịch thuật và chủ trương Tủ sách SOS2 do ông chuyển ngữ miễn phí, phố biến và quảng bá những tác phẩm kinh điển của thế giới với chủ đề hệ phần mềm điều hành xã hội - làm thế nào để vận hành xã hội một cách hữu hiệu và suôn sẻ, thông qua những lý thuyết, chính sách, thể chế, những kinh nghiệm thất bại và thành công.

Thế giới phẳng, Bằng sức mạnh tư duy, Sự bí ẩn của tư bản, Sự khốn cùng của chủ nghĩa lịch sử, Xã hội mở và những kẻ thù của nó... là một số cuốn sách nổi tiếng mà ông đã dịch.  Có thể nói thuật ngữ "thế giới phẳng" chỉ xuất hiện một cách phổ biến ở nước ta hiện nay sau khi cuốn The World Is Flat của Thomas L. Freedman được ông chuyển ngữ và cho xuất bản năm 2005.

Tin mới lên