Tài chính

Ông Phan Hoàng Nam, người bị tố chiếm đoạt tiền: 'Lời cùng chia, thì lỗ cùng chịu'

“Nam và nhóm nhà đầu tư không lập một văn bản hay hợp đồng uỷ thác đầu tư nào hết, tất cả là thỏa thuận bằng lời nói với nhau”, trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Hoàng Nam, Giám đốc Công ty Nobel Global, người bị nhóm 51 nhà đầu tư tố cáo gây thiệt hại gần 60 tỷ đồng khi đầu tư vốn uỷ thác sai mục đích cho biết.

Ông Phan Hoàng Nam, người bị tố chiếm đoạt tiền: 'Lời cùng chia, thì lỗ cùng chịu'

Ông Phan Hoàng Nam, người bị tố chiếm đoạt tiền: 'Lời cùng chia, thì lỗ cùng chịu'

- Tổng số vốn ông được uỷ thác đầu tư là bao nhiêu và hiện giờ thua lỗ bao nhiêu?

Tổng số tiền được các nhà đầu tư ủy thác từ tháng 10/2018 đến hết tháng 12/2019 (nhận nhiều lần của từng nhà đầu tư riêng lẻ góp trong thời gian hơn một năm), tổng cộng của 51 người vào khoảng 70 tỷ đồng.
Tôi có chia lãi đúng theo thỏa thuận. 

Ông Phan Hoàng Nam, Giám đốc Công ty Nobel Global

Nam xin nói rõ là “chia lãi”, chứ không phải là “trả lãi”, vì đây không phải tiền vay. Tiền lãi đã chuyển khoản cho nhà đầu tư nhiều lần, được chứng minh bằng sao kê của ngân hàng. Tổng số tiền lãi đã chia là gần 12 tỷ đồng.

Lãi tạm tính đã được chia trong 11 tháng, chuyển khoản vào thứ Sáu tuần thứ ba của mỗi tháng, đúng như thỏa thuận.

Tất cả việc đầu tư này đã kết sổ vào 30/12/2019. Số tiền còn lại trong tài khoản phái sinh và tài khoản forex đã được chuyển lại cho Ban kiểm soát, đại diện của nhóm nhà đầu tư trên.

Thực tế, cá nhân Nam cũng thua lỗ cùng với các nhà đầu tư, dẫn đến việc gia đình cạn kiệt tài chính như hiện nay.

Tổng số tiền thua lỗ lên đến 74 tỷ đồng, lớn hơn tổng vốn góp của nhóm nhà đầu tư. Các chứng từ Nam có thể hiện rõ việc này.

- Theo thoả thuận đầu tư, số vốn huy động được chỉ dành để đầu tư vào chứng khoán phái sinh, với điều kiện cắt lỗ khi lỗ 20% giá trị quỹ và lợi nhuận cam kết là 4%/tháng?

Tôi hoàn toàn không có cam kết bất kỳ con số lợi nhuận nào. Mức lợi nhuận chỉ là kỳ vọng chứ không phải cam kết.

Thực tế, Nam và nhóm nhà đầu tư không lập một văn bản hay hợp đồng nào hết, tất cả là thỏa thuận bằng lời nói với nhau. Nam được giao quyền quản lý và thực hiện việc kinh doanh đầu tư.

Về điều kiện cắt lỗ, khi tỷ lệ lỗ 20% giá trị quỹ hay lãi bao nhiêu trong tháng, như đã trình bày, chúng tôi không nói hay lập một văn bản nào về nội dung này.

- Nhà đầu tư tố cáo ông đã tự ý chuyển phần lớn số tiền hơn 50 tỷ đồng để đầu tư forex (ngoại hối) và thua lỗ hết có đúng không?

Tố cáo này là sai sự thật. Nam có đầy đủ chứng từ, sao kê chứng minh cho việc này.

- Theo ông, người uỷ thác vốn và ông nhận uỷ thác chịu trách nhiệm như thế nào về khoản lỗ?

Người ủy thác và bên nhận ủy thác thỏa thuận miệng với nhau: Lời cùng chia, lỗ cùng chịu. Các bên không lập văn bản thỏa thuận.

Ðầu tư phái sinh và forex là lĩnh vực hấp dẫn nhưng rủi ro cao, lãi cao mà lỗ cũng nặng nên Nam không cam kết bất kỳ điều gì với nhà đầu tư.

Ðầu tư có lãi, có lỗ. Khi lãi, Nam đã chia cho các nhà đầu tư đầy đủ, minh bạch, giờ lỗ cũng phải cùng nhau gánh chịu.

Nam cũng giống như các nhà đầu tư, đều mong muốn đầu tư hiệu quả, lợi nhuận cao, nhưng không may gặp phải rủi ro ngoài ý muốn, không riêng tiền của các bạn mà tiền của Nam cũng mất sạch, còn đang vay nợ thêm bên ngoài. Nam làm mọi việc đều trung thực, minh bạch.

Về phương án khắc phục hoàn vốn uỷ thác cho nhà đầu tư, Nam nghĩ là khi lãi cùng chia lãi, thì khi lỗ phải cùng chịu.

- Ông đã trả lãi được 11 tháng trong thời gian hơn một năm nhận uỷ thác đầu tư, vậy tại sao đến 30/12/2019, chỉ 1 tháng sau kỳ trả lãi gần nhất, tổng kết quỹ thì mất hết vốn? Nhà đầu tư nói ông đã giấu lỗ.

Theo thoả thuận thì lỗ trạng thái giữa hai kỳ báo cáo/chia lãi không phải báo cáo. Ðến thời điểm 30/12/2019 kết sổ thì lỗ nặng, vì tỷ lệ sử dụng đòn bẩy cao, tỷ lệ 1:8 với phái sinh và 1:100 với forex, cộng với các chi phí khác như phí giao dịch, thuế, lãi ký quỹ. Năm qua, thị trường biến động mạnh, khó dự báo nên phần lớn nhà đầu tư đều thua lỗ.

Tin mới lên