Tài chính quốc tế

Ông Putin: Thật nực cười khi EU tích cực nhập khẩu hàng Nga dù liên tiếp trừng phạt

(VNF) - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay ông “cảm thấy nực cười” khi lượng hàng hóa mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu từ Nga vẫn tăng mạnh dù khối này liên tiếp tung các đòn cấm vận lên Nga.

Ông Putin: Thật nực cười khi EU tích cực nhập khẩu hàng Nga dù liên tiếp trừng phạt

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Thật nực cười khi nhận thấy điều này, bất chấp các lệnh trừng phạt, trong 9 tháng năm nay, việc cung cấp hàng hóa cơ bản tới EU đã tăng 1,5 lần. Nhìn chung, việc xuất khẩu đã tăng 42% trong khi thặng dư thương mại tăng 2,3 lần, lên tới 138 tỷ USD", ông Putin nói trong cuộc họp với Hội đồng Dự án Quốc gia và Phát triển Chiến lược ngày 15/12.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng tình hình này "không thể tiếp tục mãi" khi EU vẫn nhập khẩu hàng hóa Nga nhưng lại hạn chế xuất khẩu sang Nga. Do đó, Nga sẽ tìm kiếm các đối tác mới.

Cụ thể, ông Putin cho hay Nga đang tìm kiếm những đối tác triển vọng khác ở những khu vực đang phát triển tích cực của nền kinh tế thế giới là châu Á, Trung Đông, Mỹ Latinh, châu Phi.

Ở động thái liên quan, Cộng hoà Czech, Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, ngày 15/12 cho biết đại diện thường trực của các nước EU đã nhất trí sơ bộ về gói trừng phạt thứ 9 đối với Nga, dự kiến ​​​​sẽ được hoàn thành vào hôm 16/12.

Trước đó, theo Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, gói trừng phạt thứ 9 bao gồm việc bổ sung gần 200 cá nhân và thực thể vào danh sách, trong đó có các lực lượng vũ trang, công ty công nghiệp quốc phòng và 3 ngân hàng của Nga.

Đồng thời, EC cũng đề xuất tiếp tục có những quy định kiểm soát và hạn chế xuất khẩu khác đối với Nga, đặc biệt đối với các hàng hóa như hóa chất chính, chất độc thần kinh, linh kiện điện tử và công nghệ thông tin

Bên cạnh đó, EC muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế tiếp theo đối với lĩnh vực khai khoáng và năng lượng của Nga, trong đó có lệnh cấm đầu tư khai khoáng mới ở Nga.

Bà Leyen khẳng định rằng loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm thể hiện quan điểm cứng rắn của EU nhằm "gia tăng áp lực đối với Nga".

Các nước EU cũng dự định sẽ thúc đẩy nhiều hợp đồng mua khí đốt hơn trong năm tới, bao gồm các hợp đồng dài hạn, để thay thế nguồn cung của Nga.

Quyết định về gói trừng phạt mới của EU được đưa ra sau khi các nước có quan điểm cứng rắn với Nga như Ba Lan và Litva cảnh báo, các ngoại lệ về an ninh lương thực trên thực tế có thể mang lại lợi ích cho Nga, giúp nước này thu lợi nhiều hơn từ lĩnh vực kinh doanh phân bón.

Xem thêm >> Doanh thu dầu mỏ Nga sụt giảm trước loạt lệnh trừng phạt của phương Tây

Tin mới lên