Tài chính quốc tế

Ông Tập lên án nước lớn ‘ỷ mạnh hiếp yếu, Australia nói ‘thiếu nhất quán’

(VNF) - Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg cho rằng việc Chủ tịch Trung Quốc lên án nước lớn “ỷ mạnh hiếp yếu” không nhất quán với những động thái gần đây của Trung Quốc với Australia.

Ông Tập lên án nước lớn ‘ỷ mạnh hiếp yếu, Australia nói ‘thiếu nhất quán’

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Frydenberg cho rằng lời nói của ông Tập không phù hợp với những hành vi "chèn ép kinh tế" mà Trung Quốc áp đặt lên Australia.

"Trên thực tế, Australia đang bị đối xử bất công trong một số vấn đề thương mại", vị bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước đó, trong bài phát biểu qua video tại sự kiện trực tuyến "Chương trình nghị sự Davos" của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ngày 25/1, ông Tập Cận Bình gay gắt chỉ trích việc các nước lớn “ỷ mạnh hiếp yếu”, “phô trương cơ bắp”, “kết bè kéo cánh” để đạt được mục đích của mình.

Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, việc tạo dựng các nhóm nhỏ hoặc khơi mào Chiến tranh Lạnh kiểu mới nhằm bác bỏ hay hăm dọa quốc gia khác, gián đoạn nguồn cung, tung ra các biện pháp trừng phạt hay cố tình cô lập, sẽ chỉ đẩy thế giới vào chia rẽ, thậm chí đối đầu.

“Lịch sử và thực tế đã chỉ ra rằng cách tiếp cận sai lầm về đối kháng và đối đầu, dù là dưới hình thức chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng, chiến tranh thương mại hay công nghệ, cuối cùng đều gây tổn hại cho lợi ích mọi quốc gia, cũng như làm suy yếu sự thịnh vượng của người dân", ông Tập Cận Bình khẳng định.

Ông Tập kêu gọi các nước xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mở, tuân thủ cơ chế thương mại đa phương, xóa bỏ các tiêu chuẩn đơn phương, đồng thời tháo dỡ những rào cản với thương mại, đầu tư và trao đổi công nghệ

Quan hệ giữa giữa Trung Quốc và Australia đã nảy sinh vấn đề từ năm 2018 khi Australia không cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G vì lý do an ninh. Đầu năm nay, căng thẳng tiếp tục được nâng lên khi Australia thúc đẩy điều tra nguồn gốc Covid-19 và bác yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo cựu Đại sứ Australia tại Trung Quốc Geoffrey Raby, trong năm 2020, mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Australia đã xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Cho tới nay, ít nhất 13 ngành của Australia đã bị Trung Quốc áp thuế suất cao hoặc cấm nhập khẩu, gồm lúa mạch, thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, du lịch, trường đại học, rượu, lúa mì và len.

Được biết, Trung Quốc chiếm 26% tổng kim ngạch thương mại của Australia trong năm 2018-2019, và là thị trường xuất khẩu lớn nhất các sản phẩm của Australia như than, quặng sắt, rượu vang, thịt bò, du lịch và giáo dục.

Trung Quốc cũng là thị trường du lịch quan trọng nhất với 1,4 triệu lượt khách tới thăm Australia mỗi năm và cũng đồng thời là nguồn sinh viên quốc tế lớn nhất với hơn 200.0000 sinh viên tại Australia.

Xem thêm >> Philippines hủy hợp đồng 10 tỷ USD với công ty Trung Quốc bị Mỹ liệt vào ‘danh sách đen’

Tin mới lên