Tài chính quốc tế

Ông Tập lên án nước lớn ‘ỷ mạnh hiếp yếu’, cảnh báo 'Chiến tranh Lạnh kiểu mới'

(VNF) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên án việc các nước lớn “ỷ mạnh hiếp yếu” và cảnh báo sẽ có “Chiến tranh Lạnh kiểu mới” nếu các nhà lãnh đạo toàn cầu không gác lại đối đầu.

Ông Tập lên án nước lớn ‘ỷ mạnh hiếp yếu’, cảnh báo 'Chiến tranh Lạnh kiểu mới'

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình ngày 25/1 đã có bài phát biểu qua video tại sự kiện trực tuyến "Chương trình nghị sự Davos" của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, không thể giải quyết những thách thức chung trong một thế giới bị chia rẽ và đối đầu sẽ chỉ dẫn nhân loại vào ngõ cụt.

"Tạo dựng các nhóm nhỏ hoặc khơi mào Chiến tranh Lạnh kiểu mới nhằm bác bỏ hay hăm dọa quốc gia khác, gián đoạn nguồn cung, tung ra các biện pháp trừng phạt hay cố tình cô lập, sẽ chỉ đẩy thế giới vào chia rẽ, thậm chí đối đầu", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu qua video tại sự kiện.

“Lịch sử và thực tế đã chỉ ra rằng cách tiếp cận sai lầm về đối kháng và đối đầu, dù là dưới hình thức chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng, chiến tranh thương mại hay công nghệ, cuối cùng đều gây tổn hại cho lợi ích mọi quốc gia, cũng như làm suy yếu sự thịnh vượng của người dân", ông Tập Cận Bình khẳng định.

Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng không quốc gia nào trên thế giới có thể giải quyết vấn đề toàn cầu một mình, công việc này đòi hỏi hành động toàn cầu, phản ứng toàn cầu và hợp tác toàn cầu.

"Chúng ta nên xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mở, tuân thủ cơ chế thương mại đa phương, xóa bỏ các tiêu chuẩn đơn phương, đồng thời tháo dỡ những rào cản với thương mại, đầu tư và trao đổi công nghệ", ông Tập nói thêm.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng gay gắt chỉ trích việc các nước lớn “ỷ mạnh hiếp yếu”, “phô trương cơ bắp”, “kết bè kéo cánh” để đạt được mục đích của mình.

Trong bài phát biểu, ông Tập cũng đề cập tới đại dịch Covid-19 và cho rằng thế giới đang trải qua cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.

“Nhân loại đang phải đối mặt với sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là tăng cường phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô”, ông Tập nhấn mạnh.

Chủ tịch Trung Quốc lưu ý rằng các nước đã chi hàng nghìn tỷ USD cho các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, nhưng bất chấp điều này, tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa ổn định.

Đây là bài phát biểu đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Mặc dù trong bài phát biểu ông Tập không đề cập cụ thể tới quốc gia hay nguyên thủ nào, nhưng các nhà quan sát nhận định đây dường như là lời nhắn nhủ của nhà lãnh đạo Trung Quốc với chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden.

Theo AFP, ông Biden sẽ vắng mặt tại sự kiện WEF năm nay trong bối cảnh ông phải giải quyết các thách thức cấp bách trong lòng nước Mỹ.

Ở động thái liên quan mới nhất, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki ngày 25/1 cho biết tân Tổng thống Joe Biden sẽ có sự tiếp cận đa phương đối với Trung Quốc, bao gồm đánh giá các khoản thuế nhập khẩu hiện tại.

Theo bà Psaki, hoạt động gián điệp công nghiệp và trộm cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc vẫn là một mối lo ngại với Mỹ.

"Quan điểm của chúng tôi, quan điểm của tổng thống, là chúng ta cần phải phòng thủ tốt hơn, bao gồm việc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành vi không công bằng và bất hợp pháp của mình và đảm bảo rằng các công nghệ của Mỹ không tạo điều kiện cho việc xây dựng quân đội của Trung Quốc", bà Psaki nhấn mạnh thêm.

Xem thêm >> ‘Thái tử’ Lee Jae-yong phải ngồi tù 18 tháng, Samsung sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Tin mới lên