Ngân hàng

Ông Trầm Bê thoái lui, 'sóng ngầm' vẫn chưa dứt

Cuộc đại phẫu hệ thống ngân hàng trong hơn 4 năm qua đã dẫn tới những thay đổi lớn tại nhiều tổ chức tín dụng với một số nơi cả dàn lãnh đạo "ra đi", có chỗ thay đổi nhân sự cao cấp triền miên không dứt.

Ông Trầm Bê thoái lui, 'sóng ngầm' vẫn chưa dứt

Ai sẽ là người dẫn dắt Sacombank thời gian tới?

Chuyện trì hoãn đại hội đồng cổ đông và xin gia hạn công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán 2015 của Sacombank gần đây khiến giới đầu tư chưa thể đoán định được tương lai ngân hàng này sau cuộc thâu tóm không như ý muốn của đại gia Trầm Bê. Ai sẽ là người dẫn dắt một ngân hàng mà đã có tới 3 lần thay đổi chủ tịch trong 3 năm vừa qua?

Giai đoạn biến động

Mùa đại hội cổ đông ngân hàng 2016 đã khép lại nhưng vẫn chưa kết thúc đối với Eximbank và Sacombank. Eximbank, đầu không xuôi đuôi không lọt khi Đại hội đồng cổ đông lần 2 của ngân hàng này đã kết thúc trong bế tắc và cuộc chiến quyền lực vẫn chưa được định đoạt rõ ràng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank (STB) cũng chưa mang đến thông tin gì rõ ràng cho các nhà đầu tư. Sacombank đã xin dời tổ chức đại hội đồng cổ đông đến tháng 6 nhưng đến nay vẫn chưa có lịch cụ thể.


Sóng ngầm tại Sacombank chưa dứt thời hậu "Trầm Bê".

Cổ phiếu ngân hàng này cũng biến động khá mạnh. Giới đầu tư vẫn đang chờ đợi, điều gì sẽ xảy ra tại ĐHĐCĐ của một trong những NH hàng đầu tại Việt Nam này? Liệu đại hội của Sacombank có đổ vỡ như tại đại hội 2016 lần thứ 2 của Eximbank hôm 24/5 vừa qua hay không?.

Theo giải thích của Sacombank, lý do hoãn tổ chức ĐHĐCĐ là do ngân hàng đã thực hiện sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) hồi cuối 2015 và đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đang chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt.

Trước đó, cuộc thâu tóm Sacombank trong 3 năm của ông Trầm Bê (từ tay ông Đặng Văn Thành) tưởng chừng đã kết thúc với việc đại gia này trở thành Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Sacombank với tư cách là cổ đông lớn.

Tuy nhiên, câu chuyện Sacombank trở nên khó đoán hơn sau khi 'ông trùm' Trầm Bê bất ngờ tự nguyệt rút khỏi Sacombank, cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN toàn bộ quyền của mình.

Trên thực tế, với số cổ phần đã ủy quyền, NHNN đang quản lý 51% cổ phần Sacombank. Cái kết câu chuyện thâu tóm Sacombank của Trầm Bê có thể đã dễ dàng hơn. Nhưng nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ: ai sẽ là người chèo lái con thuyền Sacombank, là người từ cổ đông lớn Vietcombank hay một nhân vật nào khác? Kết quả kinh doanh hậu sáp nhập? Câu chuyện sở hữu chéo và quyền lợi của các cổ đông nhỏ tại Sacombank sẽ như thế nào?

Ẩn số chiếc ghế quyền lực

Sacombank được biết đến là một trong những NHTMCP hàng đầu tại Việt Nam. Cuộc thâu tóm bí ẩn kéo dài 3 năm của ông Trầm Bê cùng với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã dẫn đến những thay đổi lớn tại Sacombank.

Sự lắt léo trong quá trình thâu tóm Sacombank cũng với tình hình kinh doanh bê bết của SouthernBank cuối cùng không mang đến kết quả như mong đợi cho đại gia này. Sacombank hậu "Trầm Bê" đang dang dở.

Gần đây, Sacombank cho biết, ngân hàng có 9 người đề cử và ứng cử vào HĐQT (trong đó có 1 thành viên độc lập) cho nhiệm kỳ 2016 -2020, thay cho dự kiến 5-7 thành viên như ban đầu.

Hiện Chủ tịch HĐQT của Sacombank kiêm thành viên độc lập là ông Kiều Hữu Dũng. Ông Dũng trước đó đã từng giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, NHNN. Với cổ phần chi phối tại Sacombank, NHNN rất có thể sẽ điều động nhân sự tham gia điều hành ngân hàng này.

Bên cạnh vấn đề nhân sự, nhiều nhà đầu tư lo lắng nhiều hơn về kết quả kinh doanh của ngân hàng này sau sáp nhập.

Trong giai đoạn 2011-2014, Sacombank là một trong những ngân hàng có kết quả hoạt động kinh doanh khá tốt, lợi nhuận vững chắc, ngược dòng so với xu hướng suy giảm của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn này. Nhưng những kết quả gần đây khá bi đát.

Báo cáo cho thấy, trong quý I/2016, Sacombank có lợi nhuận sau thuế khiêm tốn, khoảng 160 tỷ đồng, chỉ bằng 25% kết quả cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên gần 2,3%, so với mức 1,85% hồi đầu năm. Còn trong quý IV/2015, Sacombank lỗ hơn 580 tỷ đồng do trích lập dự phòng rủi ro tăng đột biến gấp hơn 6 lần.

Công ty cổ phần chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) gần đây cho rằng, kế hoạch tái cơ cấu Sacombank có thể ảnh hưởng đáng kể tới kết quả kinh doanh kiểm toán 2015 của ngân hàng này. Kế hoạch trích lập dự phòng nợ xấu từ SouthernBank có thể ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận Sacombank.

Theo kết luận của thanh tra NHNN, tính tới cuối 2013, SouthernBank có nợ xấu rất lớn, lên tới gần 19 ngàn tỷ đồng. Theo báo cáo chưa kiểm toán của Sacombank hậu sáp nhập, nợ có khả năng mất vốn tính tới cuối 2015 đã tăng vọt từ dưới 1 ngàn tỷ đồng lên trên 3 ngàn tỷ đồng.

Một số chuyên gia cho rằng, nguồn gốc của nhiều trục trặc trong hệ thống ngân hàng trong đó có nợ xấu đến từ tình trạng sở hữu chéo phức tạp. Gần đây, nhiều ngân hàng đã nỗ lực xử lý mạng nhện sở hữu chéo song trên thực tế kết quả chưa được nhiều. Sóng ngầm sở hữu chéo vẫn đang cuộn trong các mối quan hệ giữa các ngân hàng lớn như: Eximbank, Sacombank...

Tin mới lên