Bất động sản

Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines: ‘Chúng tôi không xin không 12.000 tỷ đồng’

(VNF) - Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết: “Dự báo, trong năm 2020, Vietnam Airlines thâm hụt dòng tiền khoảng 16.000 tỷ đồng, chúng tôi đã tự xoay sở 1 phần, hiện còn thiếu 12.000 tỷ đồng cần hỗ trợ. Tôi xin nói đây là hỗ trợ trong hoàn cảnh khó khăn và Vietnam Airlines đủ tiềm lực tài chính để trả chứ không phải xin không”.

Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines: ‘Chúng tôi không xin không 12.000 tỷ đồng’

Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines: ‘Chúng tôi không xin không 12.000 tỷ đồng’

Covid -19 khiến hàng không “mất máu đột ngột”

Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), tính đến ngày 9/6, ngành hàng không thế giới đã “bốc hơi” khoảng 419 tỷ USD trong năm 2020, đây là mức sụt giảm chưa từng có.

IATA đánh giá: Không chỉ trong năm nay, Covid -19 sẽ ảnh hưởng trong thời gian dài, có thể mất vài năm tới, dự báo đến tháng 6/2022 mới có thể trở về bằng cuối 2019, còn với những chặng bay đường dài, có lẽ đến năm 2023 mới bắt đầu trở lại.

Với mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, dự báo đến tháng 5/2020, nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ không còn hãng hàng không nào trên thế giới còn tiền trong tài khoản. Bởi lẽ, hàng không không có doanh thu, nhưng vẫn phải trả chi phí vận hành, thuê tàu bay, bảo dưỡng, đặc biệt là việc khách khách phải hoàn trả một lượng vé rất lớn khiến dòng tiền thâm hụt.

IATA cũng nhận định: Covid-19 khiến ngành hàng không “mất máu đột ngột”, nhiều hãng hàng không không đủ tiềm lực đã phá sản.

Trao đổi với VietnamFinance, ông Trần Thanh Hiền chia sẻ: “Mức tàn phá của Covid-19 đối với ngành hàng không rất khủng khiếp. Tôi học tài chính đã nhiều năm nay, nhưng không có một kịch bản nào khốc liệt như vậy”.

“Covid-19 lan rộng từ tháng 2/2020, nhưng đến đầu tháng 4/2020, Vietnam Airlines chỉ còn 5% đưa ra năng lực sản xuất, hoạt động cầm chừng. Trước Covid -19, số dư trong tài khoản của Vietnam Airlines là 8.800 tỷ nhưng đến tháng 3/2020 chỉ còn 4.000 tỷ đồng”.

“Dù không bay, nhưng Vietnam Airlines vẫn phải trả tiền thuê, trả nợ vay, trả khấu hao, bảo dưỡng tàu bay... Ước tính, chỉ trong 1 tháng không bay hãng lỗ 2.100 tỷ đồng/tháng. Tính đến thời điểm (9/6) chúng tôi đã bay trở lại ngay sau khi giãn cách nhưng sẽ rất lâu mới về lỗ 1.000 tỷ đồng/tháng. Còn với Jetstar Paciffic (JPA) hiện cũng ghi nhận mức lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng”, ông Hiền tiết lộ.

Vậy tại sao Vietnam Airlines thiệt hại nặng như vậy nhưng đến nay vẫn có thể duy trì dù nhiều hãng hàng không trên thế giới phá sản? Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hiền cho biết: “Vietnam Airlines bị thiệt hại rất nặng nhưng trụ được đến ngày hôm nay vì trước Covid-19,  Vietnam Airlines có tiềm lực rất mạnh, năm 2019, hãng ghi nhận mức lãi trên 3.200 tỷ đồng, và có dòng tiền dương ổn định trong ngân hàng. Đối với các hãng không khác đang nợ tiền ví dụ như Thái Airways họ không đủ tiềm lực duy trì nên buộc phải phá sản”.

Các quốc gia khác hỗ trợ hàng không thế nào?

Trước những thiệt hại nặng nề đối với ngành hàng không, IATA nhận định, tính đến ngày 15/5, ngành hàng không thế giới sẽ cần hỗ trợ khoảng 250 tỷ USD và các quốc gia đã hỗ trợ 124 tỷ USD. Trong đó, hỗ trợ lớn nhất là các khoản vay 50,4 tỷ USD, sau đó là chi phí nhân công, (nhờ Chính phủ hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp)...

Cũng theo IATA, hiện nay 3 nước trong khu vực “giải cứu” rất lớn cho ngành hàng không là Nhật Bản (lên tới 22% mức doanh thu của các hãng hãng không khoảng 89 tỷ USD), với Singapore là 11 tỷ USD (trong khi doanh thu hãng hàng không của họ chỉ là 13 tỷ USD).

Mục tiêu của Chính phủ Singapore là bơm vốn để hãng này vượt lên trên khủng hoảng. Sau Covid họ có tham vọng là hãng hàng không bật lên nhanh nhất, lớn nhất khu vực.

Đối với Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Hà Lan phương thức hỗ trợ của họ chủ yếu bảo lãnh cho vay và hỗ trợ cho vay, phát hành cổ phiếu.

Tại Malaysia, Chính phủ nước này giao quỹ đầu tư nhà nước tăng vốn 1,2 tỷ USD vào Malaysia Airlines,...

Làm hàng không kiểu “tay không bắt giặc” sẽ rất rủi ro  

Trong bối cảnh hàng không thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ hàng không. Mới đây nhất là Chính phủ đồng ý giảm 50% phí cất hạ cánh bay, giảm 30% phí bảo vệ môi trường nhiên liệu bay.

Ông Trần Thanh Hiền cho biết: Với Vietnam Airlines hãng đã tiết kiệm được 120-130 tỷ đồng từ việc giảm phí cất hạ cánh bay, còn với việc giảm phí bảo vệ môi trường nhiên liệu bay, hãng tiết kiệm được 200-300 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, mức kinh phí này là quá ít ỏi, vì thế, nếu được hỗ trợ đến hết năm 2021 thì các hãng hàng không Việt mới có thể tạm phục hồi”.

Ông Trần Thanh Hiền cũng cho biết thêm: Đối với riêng Vietnam Airlines, từ tháng 2/2020 (đúng 30 Tết Nguyên Đán), hãng đã chủ động dự phòng và lên phương án đối phó với Covid-19.

“Trong báo cáo tài chính Vietnam Airlines nêu rõ, trước khi đề nghị hỗ trợ 12.000 tỷ đồng từ Chính phủ, hãng buộc cắt giảm chi phí, nhiều nhân lực giảm lương, đặc biệt phi công và tiếp viên giảm chỉ còn 5% hoạt động (chỉ riêng việc giảm nhân lực đã giúp Vietnam Airlines 350-450 tỷ đồng). Ngoài ra, hãng cũng chủ động đàm phán với các đối tác giảm tiền thuê tàu bay, có hãng giảm cho chúng tôi 1.000 tỷ đồng tiền thuê tàu bay. Tuy nhiên, nếu không có sự bơm vốn thì đến tháng 8/2020, Vietnam Airlines sẽ hết tiền”, ông Hiền nói.

Nói về thông tin “nhiều người cho rằng, các hãng đã phục hồi  và thực hiện bay khá đông sau giãn cách, sao còn xin trợ giúp?”, ông Trần Thanh Hiền khẳng định: Đúng là thị trường bắt đầu hồi phục nhưng chỉ ở nội địa, vì thế, doanh thu các hãng vẫn sụt giảm tới 50%. Nên nhớ, thị trường quốc tế vẫn còn bỏ ngỏ, trong khi đây mới là thị trường chiếm tới 65% doanh thu.

“Với Vietnam Airlines chúng tôi đã có kiến nghị Chính phủ (đơn vị nắm giữ 86% vốn chủ sở hữu tại VNA), với tiêu chí, thứ nhất, hỗ trợ vay với nguồn vốn là 12.000 tỷ đồn, đồng thời, phát hành cổ phiếu để tăng vốn (dự kiến sẽ mất 5-6 tháng), do thực hiện lâu vì thế cần phải song hành 2 hình thức hỗ trợ”, ông Hiền nói.

Ngoài ra, ông Hiền cũng kiến nghị tăng cường quản lý vĩ mô về ngành hàng không, cần tạo môi trường cạnh tranh minh bạch.

“Nếu hàng không làm theo kiểu “tay không” bắt giặc thì sẽ đứng trước rủi ro và phá sản cứ lúc nào, vì thế, cần phải có sự quản trị để cân đối rủi ro”, ông Hiền đề xuất.

Tin mới lên