Thị trường

‘1 đề án trung tâm cơ sở dữ liệu mà qua 2 đời Bộ trưởng mới hình thành được’

(VNF) – Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh, than thở rằng việc xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu “không hề dễ”. Bộ Công Thương có một đề án xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu mà qua 2 đời Bộ trưởng mới hình thành và bắt đầu triển khai.

‘1 đề án trung tâm cơ sở dữ liệu mà qua 2 đời Bộ trưởng mới hình thành được’

Bộ trưởng Công Thương - ông Trần Tuấn Anh

Đề nghị Bộ Công Thương dành kinh phí để xây dựng cơ sở dữ liệu

Phát biểu tại hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội thực thi hiệu quả EVFTA, ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch Kim Nam Group, cho biết các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) có 3 vấn đề quan trọng mà chưa được giải quyết, gồm: thị trường, tiếp thị và bán hàng; vốn; quản trị.

Ông Hùng đề xuất Bộ Công Thương cần sớm làm việc với các bộ ngành liên quan để đưa ra “bộ tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp quốc gia”. Theo đó, bộ tiêu chuẩn này sẽ phân loại doanh nghiệp theo từng cấp, từng điều kiện. Doanh nghiệp ở cấp nào, đạt điều kiện ở mức nào thì sẽ được hưởng ưu đãi ở mức đó.

“Giờ cứ chung chung và vì chung chung nên thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được thực sự bảo hộ. Vì có tiêu chuẩn, Bộ Công Thương mới làm bộ thương hiệu cho doanh nghiệp đạt chuẩn được. Lúc đó, các doanh nghiệp mới công khai việc này, mới đi kèm nhãn mác… giá bán khi đó mới cao hơn bây giờ. Bây giờ doanh nghiệp toàn bán qua thương lái chứ không bán trực tiếp được”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, hiện nay việc tổ chức hội chợ, triển lãm rất tốn kém. Ông đề nghị không nên làm theo cách cũ mà nên số hóa toàn bộ.

“Nên làm hội chợ trên nền tảng số, làm một cái chợ số, các doanh nghiệp phối hợp với các sàn thương mại điện tử để tổ chức. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoàn toàn có thể đưa các sản phẩm lên số. Chẳng có gì không số hóa được”, ông Hùng khẳng định và kiến nghị: “Cục Xúc tiến thương mại cần áp dụng các hợp đồng thông minh. Ta đã có chữ kí số, hóa đơn điện tử thì không có lý do gì ta không phát triển được các hợp đồng thông minh. Có hợp đồng này rồi thì vốn của doanh nghiệp không còn là bài toán nữa”.

Liên quan đến hợp đồng thông minh, ông Hùng kiến nghị Bộ Công Thương dành kinh phí để xây dựng cơ sở dữ liệu. “Cơ sở này gồm dữ liệu trong nước và nước ngoài để mỗi khi doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường nào, họ có thể truy cập vào đó để xem bản thân có thực lực tiếp cận không”, ông nói.

Một cái đề án phải qua 2 đời Bộ trưởng mới có

Trả lời những kiến nghị của ông Nguyễn Kim Hùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương – Trần Tuấn Anh, cho hay xúc tiến thương mại cần phải số hóa, thay đổi về hình thức và đây cũng là mục tiêu của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, kinh phí lại là một vấn đề nan giải.

“Trên thực tế, 2 năm nay, kinh phí xúc tiến thương mại buồn lắm, càng ngày càng teo tóp đi, dù cho xuất khẩu ngày càng tăng. Tôi nói vui là phải kêu lên Quốc hội, lên Chính phủ thì chúng ta mới có kinh phí được”, ông Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng nhấn mạnh các đơn vị như Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu đã và đang thay đổi mô hình tổ chức. Ví dụ Cục Xúc tiến thương mại đã có chương trình hợp tác với Amazon để giới thiệu hoạt động thương mại của các doanh nghiệp nhỏ và  vừa; có cơ chế hợp tác với Alibaba, với Google hay các doanh nghiệp thương mại điện tử, công nghệ thông tin khác.

“Ta đang tích cực trong hoạt động xúc tiến. Ta sẽ đổi mới, kể cả đổi mới trong hoạt động xúc tiến thông qua hội chợ, triển lãm, tức là phải hướng tới các nội dung thực chất, hiệu quả hơn, tránh lãng phí nguồn lực.

Về vấn đề trung tâm cơ sở dữ liệu, ông Tuấn Anh thừa nhận đây là điểm yếu của Việt Nam.

“Chúng tôi đang quyết tâm làm nhưng không dễ. Bộ Công Thương có đề án xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu của một số ngành công nghiệp mà qua 2 đời bộ trưởng mới hình thành và chuẩn bị để bắt đầu làm, mà đấy mới chỉ là dữ liệu cho lĩnh vực công nghiệp, ta còn xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại, còn cạnh tranh…”, ông Tuấn Anh than thở.

Tin mới lên