Tài chính quốc tế

Ông Trump bất ngờ tuyên bố cắt tài trợ cho WHO, Liên hợp quốc nói ‘không phải lúc’

(VNF) - Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng đây là thời điểm mà cộng đồng quốc tế cần đoàn kết với nhau chứ không phải lúc cắt giảm các nguồn tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khi dịch Covid-19 đang bùng nổ toàn cầu.

Ông Trump bất ngờ tuyên bố cắt tài trợ cho WHO, Liên hợp quốc nói ‘không phải lúc’

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết WHO đã "thất bại trong chính nhiệm vụ cơ bản của mình và cần phải chịu trách nhiệm”.

Do đó, ông đã chỉ thị cho chính quyền ngừng cấp ngân sách cho WHO trong khi tiến hành điều tra vai trò của tổ chức này trong việc che giấu thông tin và không quản lý được sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Phản ứng trước động thái này của Mỹ, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng giờ “không phải lúc cắt giảm các nguồn tài trợ cho WHO hoặc bất cứ tổ chức nhân đạo nào trong cuộc chiến chống Covid-19”.

“Đây là thời điểm cộng đồng quốc tế phải làm việc cùng nhau trong sự đoàn kết để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 và những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra”, ông Guterres nhấn mạnh thêm.

Một số trợ lý của Tổng thống Trump được cho là đang thảo luận kế hoạch tìm một tổ chức thay thế WHO. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết giới chức ngoại giao Mỹ dường như ủng hộ phương án đề xuất cải cách WHO hơn.

Trong một phát biểu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Trong lịch sử, WHO đã thực hiện tốt một số công việc. Thật không may trong trường hợp này, tổ chức này đã không thể hiện tốt vai trò của mình” và tiết lộ Mỹ đang tìm cách "thay đổi căn bản" tổ chức này.

Các động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh WHO hứng không ít chỉ trích do cách ứng phó với sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Nhiều ý kiến cho rằng WHO chậm trễ trong việc công bố đại dịch. Mặc dù Covid-19 đã lan ra nhiều quốc gia trên thế giới và Trung Quốc đã phải phong tỏa hơn 60 triệu dân, WHO vẫn cho rằng còn quá sớm để coi Covid-19 là đại dịch. Đến tận ngày 11/3, WHO mới chính thức công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Sự chậm trễ này bị cho là đã khiến nhiều nước bỏ lỡ "thời gian vàng" để ngăn chặn dịch.

Ngoài ra, WHO cũng bị chỉ trích vì không gây sức ép với Trung Quốc trong bối cảnh có nhiều cáo buộc cho rằng Bắc Kinh không minh bạch về tình hình dịch bệnh. Các số liệu và đánh giá của WHO chủ yếu dựa vào số liệu và thông tin do giới chức Trung Quốc với các kết luận hồi cuối tháng 1 như "dịch bệnh có thể kiểm soát được" và "không có bằng chứng lây từ người sang người".

Trong khi đó, cũng trong ngày 14/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi các nước khác không chính trị hóa dịch Covid-19 cũng như hoạt động của WHO.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, việc công nhận vai trò điều phối quan trọng của WHO chống lại đại dịch Covid-19 đã được phản ánh trong nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 2/4 và tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hôm 26/3. Mỹ nhất trí với cả hai văn kiện này và Nga cho rằng thực tế này cho thấy đó là quan điểm chính thức của Washington.

Ông Lavrov cho rằng thay vì chỉ trích WHO, cần tập trung vào các biện pháp cụ thể để ngăn chặn đại dịch và giảm thiểu ảnh hưởng của nó, đặc biệt là đối với sức khỏe con người.

Xem thêm >> Nói WHO ‘thất bại’ trong xử lý đại dịch Covid-19, ông Trump tuyên bố ngừng cấp ngân sách

Tin mới lên