Tài chính quốc tế

Ông Trump chỉ trích OPEC đang 'cố tình' đẩy giá dầu lên quá cao

(VNF) - Trong dòng trạng thái Twitter mới nhất của mình, Tổng thống Trump lên tiếng chỉ trích OPEC đang khiến giá dầu lên quá cao. Dường như ông muốn đề cập tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô giữa OPEC với Nga, được ký kết hồi năm ngoái.

Ông Trump chỉ trích OPEC đang 'cố tình' đẩy giá dầu lên quá cao

Ông Trump chỉ trích OPEC đang 'cố tình' đẩy giá dầu lên quá cao

Tổng thống Donald Trump lại "chĩa mũi dùi" vào OPEC và thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô của nhóm này trong bài đăng mới nhất trên Twitter của mình: "Có vẻ như OPEC lại đang cố tình làm vậy. Với lượng dầu dự trữ ở mức kỷ lục, bao gồm cả lượng dầu chất đầy trên những chiếc tàu biển, giá dầu đang bị đẩy lên rất cao! Điều này không tốt và không thể chấp nhận được!".

Giá dầu WTI đã đạt mức cao nhất trong ba năm qua - trên 69 USD/thùng trong tuần này, và giao dịch ở mức trên 68 USD vào ngày thứ sáu. Giá dầu thô Brent đã vượt mức 73 USD/thùng trong cùng ngày, sau khi cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2014 trong tuần này.

Cũng có những báo cáo gần đây rằng Ả-rập Xê-út, thành viên chính của thỏa thuận nói trên, muốn giá dầu tăng đến vùng 80 – 100 USD/thùng để thúc đẩy IPO của công ty dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco.

Với cương vị là Tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump chịu trách nhiệm kiểm soát Quỹ dự trữ dầu Chiến lược (SPR), nguồn cung dầu khẩn cấp lớn nhất trên thế giới, theo trang web của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ. Lần cuối SPR được sử dụng là vào năm 2011, để bù lại sự gián đoạn nguồn cung liên quan đến tình trạng bất ổn tại Libya.

Giá dầu đã có sự giảm nhẹ so với mức cao của họ ngay sau dòng tweet của ông Trump. Giá dầu thô WTI giảm khoảng 0,3%.

Giá dầu giảm nhẹ sau dòng tweet của ông Trump

Trước đó chỉ vài tiếng, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia đã đưa ra lời khuyến cáo các nước thành viên tham gia thỏa thuận không nên chỉ thấy giá đã tăng chút ít mà "hấp tấp" bán ra.

Trả lời các phóng viên trong cuộc họp của OPEC ở Jeddah, Saudi Arabia, Bộ trưởng Năng lượng Khalid al-Falih, nói: "Chúng ta phải kiên nhẫn, không nên tự mãn mà cho rằng thế là đã đủ. Tôi nghĩ vẫn còn nhiều việc để làm trước khi kết thúc thỏa thuận này".

OPEC, Nga và một số đồng minh sản xuất dầu thô khác đã có những nỗ lực liên tục nhằm làm giảm bớt nguồn cung, đẩy giá lên cao. Thỏa thuận có hiệu lực từ tháng 1/2017 cho tới cuối năm nay. Các quốc gia thành viên dự kiến ​​sẽ họp vào tháng 6 tới để xem xét lại việc tiếp tục thỏa thuận hay không

Mục tiêu ban đầu của thỏa thuận cắt giảm là làm lượng dầu tồn kho của các nước sản xuất trở lại mức trung bình 5 năm của họ. Tuy nhiên, cho dù một số nước thành viên đạt được mục tiêu ban đầu, không có nhiều dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia - nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới - mong muốn kết thúc "cơn bão giá" dầu thô này.

Tin mới lên