Diễn đàn VNF

Ông Trương Đình Tuyển: 'Tư duy về kinh tế tư nhân ngày càng phát triển'

Cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển vừa trả lời phỏng vấn báo chí về các nội dung kinh tế trong Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Ông Trương Đình Tuyển: 'Tư duy về kinh tế tư nhân ngày càng phát triển'

Ông Tuyển nói:

"Xây dựng thể chế KTTT định hướng XHCN là một nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng, đã được đề cập trong nhiều nghị quyết ở nhiều kỳ đại hội Đảng toàn quốc.

Trên cơ sở các nghị quyết của Đại hội, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa X đã ban hành Nghị quyết "Hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN". Từ đó đến nay cũng đã 10 năm. Thời điểm này cũng đã qua 10 năm chúng ta thực hiện Nghị quyết 08 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới. Một trong những chủ trương lớn đó là hoàn thiện thể chế KTTT.

Đây là lúc cần đánh giá lại kết quả thực hiện các Nghị quyết này. Nhưng điều cần thiết hơn là ý nghĩa quan trọng và tính cấp bách của vấn đề. Lý luận và thực tiễn chứng tỏ tốc độ và do đó, trình độ phát triển của một lĩnh vực, một quốc gia chủ yếu là do thể chế quyết định. Hãy nhìn vào ngành nông nghiệp nước ta trước và sau khoán hộ thì rõ.

Thực hiện các chủ trương và các Nghị quyết nêu trên, thể chế KTTT ở nước ta từng bước được hoàn thiện, môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nền KTTT ở nước ta vẫn còn những bất cập, làm phát sinh những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Việc sử dụng và phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả. Các loại thị trường, các yếu tố của KTTT chưa hình thành đầy đủ và vận hành đồng bộ.

Giá một số loại dịch vụ vẫn chưa theo nguyên tắc thị trường. Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tuy chiếm giữ nguồn lực lớn nhưng kinh doanh kém hiệu quả, thất thoát lớn, chưa làm được vai trò hỗ trợ, dẫn dắt khu vực tư nhân, thậm chí còn chèn lấn sự phát triển của khu vực này. Môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chưa hình thành được thị trường cạnh tranh ở không ít các ngành sản xuất và dịch vụ. Nền kinh tế phát triển không bền vững...

Cần đánh giá đầy đủ thực trạng này để có những quyết định kịp thời và chính xác. Đấy là những lý do Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa XII bàn nội dung này".

- Theo ông, đâu là những vấn đề mấu chốt nhất để hoàn thiện thể chế KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa?

Ông Trương Đình Tuyển: "Đại hội XII đã nêu rõ nội hàm của nền KTTT mà chúng ta đang xây dựng: "Nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.  Đó là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Đối chiếu thực tiễn với chuẩn mực chung nêu trong Nghị quyết Đại hội XII, cho đến nay, thị trường lao động có sự phát triển khá nhất nhưng do chế độ tiền lương còn bất hợp lý nên không bảo đảm sự dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao đến các cơ quan quản lý nhà nước-các cơ quan có vai trò quyết định trong việc hoạch định và thực thi chính sách. Thị trường vốn chưa phát triển, còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tín dụng, chẳng những gây áp lực lên các ngân hàng thương mại mà còn rủi ro lớn. Thị trường khoa học công nghệ vẫn còn rất sơ khai…

Quy luật cơ bản của KTTT là quy luật lợi nhuận và quy luật cạnh tranh. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 được Đại hội XI thông qua đã đề ra 3 đột phá chiến lược trong đó có đột phá về thể chế mà trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh và cải cách hành chính.

Trong nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, chúng ta vẫn chưa tạo lập được thị trường cạnh tranh công bằng. Vẫn có sự phân biệt đối xử nhất định giữa 3 khu vực doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI được ưu ái hơn, tiếp đến là DNNN; khu vực tư nhân rất khó tiếp cận các nguồn lực. Từ đó, vấn đề mấu chốt là phải khắc phục tình trạng này. Phải đẩy mạnh cải cách DNNN, phát triển mạnh khu vực tư nhân. Cạnh tranh sẽ thúc đẩy các thị trường phát triển.

- Hội nghị Trung ương 5 cũng bàn về tái cơ cấu khu vực DNNN và phát triển kinh tế tư nhân. Xin ông phân tích mối quan hệ giữa ba vấn đề: Tái cơ cấu khu vực DNNN, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế KTTT?

Như tôi đã nói ở trên, một quy luật chủ đạo của KTTT là quy luật cạnh tranh. Đó là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có chế độ sở hữu khác nhau. Phải tạo ra các chủ thể cạnh tranh và thông qua thể chế mà tạo lập thị trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Các hiệp định mậu dịch tự do, nhất là các hiệp định thế hệ mới như Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam –EU đều có nội dung DNNN và chính sách cạnh trạnh.

Điều này giải thích tại sao cùng với nội dung thể chế, Hội nghị Trung ương lần này còn bàn đến tái cơ cấu khu vực DNNN và phát triển kinh tế tư nhân. Cải cách DNNN không chỉ là cổ phần hóa, tuy cổ phần hóa là nội dung quan trọng nhưng điều còn quan trọng hơn là áp đặt kỷ luật thị trường lên hoạt động của DNNN, đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Từ đó, đổi mới quản trị và nâng cao hiệu quả của DNNN.

Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Cần lưu ý là kinh tế thị trường không phủ nhận DNNN, nhất là khi khu vực tư nhân còn nhỏ bé; vai trò của DNNN trong điều kiện này là thực hiện mục tiêu chính sách công mà khu vực tư nhân không muốn làm hoặc chưa đủ sức làm. Nhưng, theo tôi, trước khi sử dụng DNNN thực hiện mục tiêu đó, cần đặt câu hỏi: Có cơ chế nào, lực lượng nào thực hiện tốt hơn không?

Chúng ta vui mừng nhận thấy tư duy về kinh tế tư nhân của Đảng ngày càng phát triển, theo hướng phù hợp hơn với cuộc sống. Từ chỗ thiên về đề cao vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, trong đó DNNN là lực lượng nòng cốt, đến nay Đảng đánh giá kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của sự phát triển. Tôi cho rằng phải coi kinh tế tư nhân của Việt Nam là động lực chính. Vì vậy, bàn các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân vào thời điểm này là rất cần thiết, không thể chậm hơn.

Tin mới lên