Tiêu điểm

Ông Võ Kim Cự trải lòng giữa cơn sốt truyền thông về Formosa

(VNF) - Ông Võ Kim Cự, người được giới truyền thông săn đón liên tục trong hai tuần qua, quyết định trải lòng về các vấn đề mà công luận đặc biệt quan tâm.

Ông Võ Kim Cự trải lòng giữa cơn sốt truyền thông về Formosa

Ngày Chủ nhật (24/7), ông Võ Kim Cự, đại biểu Quốc hội khóa 14, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đã có cuộc trao đổi với báo giới về một số vấn đề mà dư luận đang quan tâm, đặc biệt là thảm họa cá chết miền Trung và trách nhiệm của cá nhân ông.

Cấp phép 70 năm là do "Chính phủ đã đồng ý"

Trả lời về việc cấp phép 70 năm cho Formosa, ông Cự cho rằng "dư luận nghĩ thật đơn giản. Một dự án lớn như vậy sao Hà Tĩnh tự ý được".

"Khi xin chủ trương đầu tư, Hà Tĩnh nhận được ý kiến của nhiều bộ, ngành. Sau đó, ngày 4/3/2008 (tại văn bản số 323 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, các bộ: KH&ĐT, Công Thương, Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường), nêu rõ "Đồng ý chủ trương Tập đoàn Công nghiệp nặng Formosa Đài Loan lập Dự án đầu tư Nhà máy liên hiệp thép tại Khu kinh tế Vũng Áng và Cảng nước sâu Sơn Dương tỉnh Hà Tĩnh như đề nghị của UBND tỉnh…".

Ngày 30/1/2015, Văn phòng Chính phủ có văn bản (số 926 về việc công bố kết luận thanh tra) gửi Thanh tra Chính phủ, các bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh. Văn bản nêu ý kiến của Chính phủ: "Đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp tục giữ nguyên quy định thời hạn 70 năm trong giấy Chứng nhận đầu tư đã cấp cho dự án và kiến nghị của Bộ Tài chính cho phép giữ nguyên tiền thuê đất, thuê mặt nước mà Công ty Formosa đã nộp theo giấy phép đầu tư và hợp đồng thuê đất đã ký".

Như vậy, là Chính phủ đã đồng ý", ông Cự phân tích.

Ngoài ra, theo Quy định tại khoản 3, Điều 67 Luật Đất đai, thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế để thực hiện các dự án đầu tư được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất là không quá 70 năm.

Vì vậy, Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh được ký hợp đồng thuê đất với thời hạn 70 năm là phù hợp với quy định pháp luật.

"Tôi nhấn mạnh thêm, thời điểm năm 2007, 2008, nước ta ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực như hạ tầng cảng biển, luyện thép, sản xuất điện... Theo Quyết định 72 của Chính phủ, Khu kinh tế Vũng Áng được thành lập và ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư (cho vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng mức cao nhất của quy định ưu đãi thời điểm ấy). Sau khi Formosa có đơn đăng ký vào đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng, Chính phủ có văn bản đồng ý về nguyên tắc để tiến hành các thủ tục hồ sơ. Căn cứ Quyết định 72 của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ Nghị định 108 về căn cứ ban hành quy định chi tiết thực hiện Luật Đầu tư, sau khi có các văn bản của các bộ, ngành chức năng T.Ư và địa phương có liên quan, đồng thời được Chính phủ có văn bản lần thứ hai đồng ý, Khu kinh tế Vũng Áng mới cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Formosa. Như vậy, căn cứ Luật Đầu tư, Luật Đất đai, căn cứ Quyết định 72, căn cứ Nghị định 108 của Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan đầu tư trực tiếp nước ngoài lúc đó Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng mới chính thức cấp phép đầu tư", ông Cự phân tích.

Không chỉ vậy, theo Nghị định 36 và Luật Đầu tư quy định rõ, những dự án có quy mô lớn, thời gian thu hồi vốn chậm và có các tiêu chí như: đầu tư vào các ngành ưu tiên như cảng biển, luyện thép, điện và có quy mô trên 5.000 lao động trở lên sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất. Dự án Formosa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và được cấp chứng nhận đầu tư thời gian 70 năm.

"Đã có 2 lần kiểm tra sau khi Formosa được cấp phép. Các bộ, ngành cũng đã có ý kiến. Chính phủ đã họp hai lần và kết luận: Cấp phép 70 năm là phù hợp. Như tôi trình bày ở trên, với các quy định rõ ràng, sự tham gia có nhiều bộ, ngành và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Hà Tĩnh có thể tự làm được không?", ông Cự nhấn mạnh.

Làm gì với thảm họa cá chết?

Trước câu hỏi về thảm họa cá chết ở miền Trung, ông Võ Kim Cự cho rằng đó là "một nỗi đau".

"Nỗi đau này không của riêng ai. Có thể nói đó là nỗi đau của phía gây ra và người phải hứng chịu. Lãnh đạo Tập đoàn Formosa đã cúi đầu xin lỗi nhân dân và Chính phủ Việt Nam cũng là thể hiện nỗi đau của họ. Tôi rất buồn và đau. Xin chia sẻ với người dân miền Trung trong đó có quê hương tôi. Tôi chia sẻ với hai tư cách, một là người con quê hương, hai là lãnh đạo địa phương chủ trì đại dự án ấy", ông nói.

"Việc kêu gọi nhà đầu tư là để phát triển, vì mục tiêu chung. Nhưng nhà đầu tư đã làm không đúng các quy định, gây hậu quả. Nhờ sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành đã vào cuộc sớm nên sự việc mới được giải quyết, kiểm soát. Ngay từ khi cá chết, nguyên nhân chưa công bố, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc hỗ trợ, động viên bà con. Cả hệ thống chính trị từ T.Ư tới địa phương đã nỗ lực rất cao kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các sai phạm và đại diện Formosa đã cúi đầu nhận lỗi trước Chính phủ và nhân dân ta, hứa khắc phục và bồi thường 500 triệu USD. Bên cạnh đó, Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp ổn định đời sống người dân, trong đó có việc lên phương án đền bù", ông nói tiếp.

Đối với vấn đề xử lý các đơn vị chôn lấp rác thải không đúng quy định, ông Cự cho hay Formosa có vùng chôn lấp rác thải, nhưng đây là giai đoạn vận hành thử nên mới như vậy. Đây là giai đoạn chạy thử, chỉnh sửa công nghệ xem có phù hợp hay không. Thời gian qua có thể cách pha hóa chất chưa chuẩn trong xử lý chất thải nên mới thế. Nếu xử lý đúng như đánh giá tác động môi trường thì hậu quả sẽ không xảy ra.

"Với họ, càng để lâu càng thiệt hại về nhiều mặt nên họ cũng muốn khắc phục nhanh. Họ phải thay đổi các mục tiêu, điều chỉnh công nghệ cho phù hợp. Nếu không khắc phục họ sẽ bị thiệt hại nặng nề. Họ phải tự cứu mình thôi. Nhưng chúng ta cũng đừng đối xử theo kiểu thiếu nhân tình thế thái, khi mời vào thì trải thảm đỏ, khi có sai phạm thì phủ nhận sạch trơn, khiến Formosa cũng như các nhà đầu tư khác hiểu sai, ảnh hưởng môi trường đầu tư của chúng ta", ông nói.

Tin mới lên