Diễn đàn VNF

Ông Vũ Tiến Lộc: ‘Luật pháp phải thay đổi, liên tục thay đổi’

(VNF) – Đó là chia sẻ của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bên lề Hội thảo "Hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh: Vướng mắc và kiến nghị", tổ chức sáng 22/7.

Ông Vũ Tiến Lộc: ‘Luật pháp phải thay đổi, liên tục thay đổi’

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng pháp luật cần thay đổi liên tục để đáp ứng nhu cầu hội nhập

Thay đổi để theo kịp thực tế

Ông Lộc cho rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cải cách thể chế mạnh mẽ như hiện nay thì tính ổn định của pháp luật chỉ là tương đối. Ngay cả những văn bản luật mới được ban hành cũng có thể có những bất hợp lý, vì thế việc thường xuyên thay đổi là cần thiết.

"Người dân, doanh nghiệp luôn yêu cầu pháp luật ổn định, tạo môi trường pháp lý ổn định, nhưng nếu pháp luật thay đổi theo hướng tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thì tôi tin tất cả đều hoan nghênh", ông Lộc nhấn mạnh.

Theo ông Lộc, hiện tại VCCI đã rà soát tổng thể 37 luật về đầu tư kinh doanh và chỉ ra có khoảng 150 điểm bất cập, gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp.

VCCI đang tiến hành đề xuất với Quốc hội dùng một luật để sửa nhiều luật về đầu tư kinh doanh. Luật này sẽ được ban hành hàng năm để đảm bảo đáp ứng nhu cầu hội nhập của doanh nghiệp trước sự thay đổi nhanh chóng của điều kiện kinh doanh.

"Cách đây vài năm, VCCI cũng đã rà soát tổng thể 17 luật, song các kiến nghị chỉ được dùng để sửa đổi trong từng luật riêng lẻ, vì thế lần này sẽ kiến nghị sửa tổng thể luôn, dùng một luật sửa nhiều luật", ông Lộc nói.

Không phải ban hành 50 nghị định là xong

Theo quan điểm của ông Lộc, mặc dù sau thời điểm 1/7 các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh đã hết hiệu lực và Chính phủ đang khẩn trương ban hành 50 nghị định mới, song điều đó không đồng nghĩa với việc đã kết thúc quá trình loại bỏ và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

"Bản thân 50 nghị định vẫn chứa đựng những điều kiện kinh doanh chưa hợp lý. Vì thứ nhất, luật vẫn quy định điều kiện kinh doanh thì bắt buộc nghị định phải quy định theo, dù cho ngành nghề đó không cần. Thứ hai, một số ngành nghề trong danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn còn gây tranh cãi giữa cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Vì thế, vẫn phải tiếp tục rà soát, kể cả với Luật đầu tư".

Cũng theo ông Lộc, điều quan trọng nhất hiện nay là Chính phủ cần nhanh chóng ban hành đầy đủ các nghị định về điều kiện kinh doanh. Thứ nữa là tiếp tục rà soát, những gì không phải là điều kiện kinh doanh thì đưa xuống làm quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Ngoài ra, các bộ ngành cần ngay lập tức hủy bỏ các thông tư đã hết hiệu lực và ban hành thông tư mới để quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới.

Tất nhiên, việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn phải được xem xét kĩ lưỡng cẩn thận, không phải cứ không là điều kiện kinh doanh thì đẩy xuống làm quy chuẩn, tiêu chuẩn.

"Tóm lại, cần tuân theo quy tắc của thị trường và tôn trọng tinh thần cái gì là quyền của dân thì trả lại cho dân, cái nào cần quản lý thì nhà nước mới quản lý. Trong quản lý, nhà nước cần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ quản lý toàn bộ sang quản lý theo mẫu, dựa theo nguyên tắc quản lý rủi ro", ông Lộc kết luận.

Tin mới lên